Tỷ giá VND/USD tăng mạnh

(ĐTCK-online)Tuần qua, tỷ giá VND/USD trên thị trường tiền tệ tăng mạnh. Đây là đợt tăng nổi bật thứ hai kể từ đầu năm, trong bối cảnh các ngân hàng vừa có đợt tăng lãi suất huy động cũng như triển khai kế hoạch phát hành chứng chỉ tiền gửi thu hút ngoại tệ.
Tỷ giá VND/USD tăng mạnh

Dung hòa trong dài hạn

Ngày 7/8, tỷ giá VND/USD của các ngân hàng thương mại đồng loạt áp dụng là 16.170 VND/USD, tăng 10 đồng so với tuần trước đó. Cùng ngày, tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố cũng lên mức 16.153 VND/USD; tỷ giá của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 16.165 VND/USD. So với đầu năm, tỷ giá VND/USD của các ngân hàng thương mại giao dịch trên thị trường đã tăng 0,72%.

Trong ngắn hạn một tháng qua, mức tăng của tỷ giá VND/USD là khá mạnh, tăng gần 30 VND thay cho mức đều đặn khoảng 10 VND/tháng trong những tháng trước đó. Nhưng về dài hạn, mức tăng 0,72% sau 7 tháng đầu năm là mức bình thường, nằm trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước (dự kiến tăng khoảng 1% trong năm nay). Ở đây có sự dung hòa trong dài hạn, bởi trong suốt những tháng đầu năm đã có một diễn biến chưa từng thấy trên thị trường là tỷ giá VND/USD của các ngân hàng thương mại thấp hơn của Ngân hàng Nhà nước. Ông Trương Văn Phước, Giám đốc Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước cho rằng, cần lưu ý ở tính dài hạn này để xét biến động của tỷ giá. Tháng 12/2006, Ngân hàng Nhà nước không mua vào USD, tỷ giá của các ngân hàng thương mại đặt thấp, và nay được đẩy lên do nhu cầu, tạo ra "cảm giác" biến động mạnh.

Theo phân tích của ông Phước, tỷ giá tăng trong thời gian gần đây trước hết là do tác động của lạm phát. "Nếu theo mức lạm phát 6,19% trong 7 tháng đầu năm, tỷ giá có thể lên tới 17.000 VND. Nhưng do đồng USD trên thị trường thế giới mất giá, do chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước là theo một rổ tiền tệ nên tỷ giá định hình được ở mức hiện nay", ông Phước nói. Liên quan đến lạm phát, ông Phước cho rằng, vay USD hiện nay đang có lợi hơn VND bởi lãi suất thấp hơn và không bị ảnh hưởng nhiều khi lạm phát tăng cao.

 

Cung - cầu chủ động

Về nguyên nhân tỷ giá biến động mạnh trong tuần qua, một số ý kiến cho rằng, việc mua vào 7 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm của Ngân hàng Nhà nước đã phát huy hiệu quả, giảm cung trong lưu thông; mặt khác, nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu của doanh nghiệp tăng cao, ngân hàng tăng lãi suất huy động ngoại tệ mạnh càng tạo thêm áp lực tăng tỷ giá. Tuy nhiên, theo Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, hiện không có nhu cầu xin mua ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại. Ông Phước cũng khẳng định, chính sách mua vào USD nói trên của Ngân hàng Nhà nước đã phát huy hiệu quả ở mục đích điều hòa thị trường, cân đối cung cầu và không phải là nguyên nhân gây biến động tỷ giá. "Thực tế là tỷ giá vẫn đang diễn biến bình thường, bài toán tỷ giá vẫn không có nhiều thay đổi so với mọi năm. Ngân hàng Nhà nước vẫn là người đứng sau để điều hòa khi thiếu cung hoặc thừa cầu, vì mục đích ổn định vĩ mô", ông Phước nói.

Hiện tại, theo thông tin từ Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, cung - cầu ngoại tệ trên thị trường tương đối ổn định. Sự ổn định này giá trị ở sự điều hòa ngay giữa các ngân hàng thương mại với nhau, do chính thị trường điều chỉnh. Các nhu cầu đều được trao đổi để có sự chủ động về nguồn ngoại tệ của mỗi ngân hàng. Việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động và phát hành kỳ phiếu USD trong thời gian qua là để "hút" ngoại tệ cung cấp cho các doanh nghiệp, bởi ngoài nhu cầu nhập khẩu, vay ngoại tệ đang có lợi hơn VND.

Có ý kiến cho rằng, có thể do nhiều nhà đầu tư nước ngoài rút vốn trên TTCK, quy đổi sang ngoại tệ để hạch toán lợi nhuận chuyển về chính quốc… đã tác động tăng cầu ngoại tệ trên thị trường khiến tỷ giá tăng mạnh. Tuy nhiên, ông Phước loại trừ nguyên nhân này bởi trên thực tế chưa có dấu hiệu nhà đầu tư nước ngoài rút vốn mạnh khỏi thị trường. "Cần loại trừ nguyên nhân này bởi nếu điều đó xảy ra thì không chỉ là tỷ giá mà còn là sự ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô", ông Phước nói.    

Minh Đức
Minh Đức

Tin cùng chuyên mục