Thay đổi tỷ giá: có ngạc nhiên và thất vọng?
Phản ứng với động thái này, Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC (HSBC Global Research) nhanh chóng công bố bản báo cáo nhanh về kinh tế Việt Nam “Điều chỉnh tỷ giá không phải là khởi đầu của một xu hướng” theo hướng khá tích cực: “VND đã được hỗ trợ tốt hơn bởi ngoại hối vào Việt Nam cân bằng hơn trong năm ngoái. Cán cân xuất nhập khẩu được giữ mức trung lập nhờ vào tình hình xuất khẩu cải thiện cũng như mức tăng trưởng nhập khẩu ít hơn. Thêm vào đó, nguồn FDI đổ vào Việt Nam đã tăng trở lại và đạt mức trung bình 1 tỷ USD/tháng trong năm nay. Chính những dòng chảy này đã giúp NHNN tăng dự trữ ngoại hối”.
“Tuy nhiên, lãi suất thực tế đã bị đẩy gần ngưỡng âm trong mấy tháng gần đây và tính thanh khoản của VND trên thị trường trong nước tương đối dôi dư khi lãi suất liên ngân hàng giảm nhẹ. Điều này dẫn đến lực cầu USD tăng do khoảng cách lãi suất của hai loại tiền tệ này bị thu hẹp. Mặc dù dự trữ ngoại hối có tăng lên, nhưng các nhà tạo lập chính sách rõ ràng không mặn mà với việc sử dụng lượng dự trữ này quá sớm với thực tế NHNN cho phép tỷ giá điều chỉnh mà không bị cản trở nào về mặt chính sách”, Báo cáo nhận định.
Giám đốc Khối Nguồn vốn một ngân hàng phân tích, ngay trong ngày 18/6, NHNN phát hành tín phiếu 6.000 tỷ đồng với lãi suất 4,2%/năm cho kỳ hạn 3 tháng, tăng 20 điểm so với ngày hôm trước.
“Nếu chú ý một chút, chúng ta sẽ thấy NHNN trong mấy năm qua luôn thực hiện đồng bộ các biện pháp để ổn định thị trường, như bơm ngoại tệ và hút tiền đồng về. Và ở đây tín hiệu NHNN phát đi rằng hút bớt tiền đồng về sẽ có xu hướng điều chỉnh tỷ giá để chắc chắn ổn định thị trường nhanh”, vị giám đốc này nhận định và cho biết: “Thực tế cũng cho thấy, ngay sáng ngày 19/6, thị trường ngoại hối đã bớt căng thẳng, thanh khoản tốt khi một vài ngân hàng có nhu cầu đã bán ngoại tệ ra và một số ngân hàng khác mua vào. Điều này rất khác so với ngày 18/6, thị trường thanh khoản kém”.
Còn theo nhận định của Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần, thị trường còn nhìn vào tỷ giá ngoại tệ tại Sở Giao dịch NHNN. Nếu giá mua ngoại tệ cũng đẩy lên 1% nghĩa là NHNN thực sự muốn đẩy tỷ giá lên 1%, nhưng nếu không hoặc chưa điều chỉnh giá mua tới 1% hoặc thấp hơn 1% thì có nghĩa NHNN chưa nhất thiết ép thị trường phải tăng tỷ giá 1%.
Trong khi đó, tính đến chiều ngày 19/6, tỷ giá tại Sở giao dịch NHNN trên website của NHNN vẫn niêm yết với mức như ngày 18/6, với giá mua 1 USD = 21.100 VND.
“Do đó, không có điều gì là quá ngạc nhiên và thất vọng trong việc điều chỉnh tỷ giá lần này. Chúng ta cần chờ thêm một thời gian xem giá niêm yết tại Sở Giao dịch của NHNN ở mức nào. Tôi dự đoán, giá mua của Sở Giao dịch sẽ vẫn ở quanh mức 21.100-21.200 VND/USD”, vị Phó tổng giám đốc trên nói
Thay đổi tỷ giá: ai hưởng lợi?
Tỷ giá tăng kịch trần mấy ngày trước đó và thay đổi + 1% trong ngày 19/6 cho thấy có một phần các ngân hàng giảm bớt được trạng thái âm ngoại tệ (lượng ngoại tệ găm giữ cuối ngày - PV), nghĩa là chỉ giảm bớt được mức lỗ, chứ không hẳn đã kiếm được lời.
Nếu trong cả hệ thống ngân hàng trạng thái ngoại tệ ở mức dương thì mới có ý nghĩa tăng tỷ giá giúp các ngân hàng kiếm được lời. Theo đánh giá sơ bộ, 2 năm nay, tổng trạng thái của hệ thống luôn đi theo mức âm, nghĩa là các ngân hàng lấy tiền đồng đầu tư vào trái phiếu chính phủ và số âm đó dao động khoảng 700 triệu USD đến 1,3 tỷ USD. Do đó, nếu nói điều chỉnh tỷ giá giúp ngân hàng có lợi có lẽ là không chính xác.
“Với chiến lược đầu tư dài hạn (cary trade), các ngân hàng bao giờ cũng tính toán để được hưởng chênh lệch từ lãi suất VND - USD nên chắc chắn sẽ có thiệt hại một chút khi tỷ giá tăng”, Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP nói.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cũng cho biết: “Theo số liệu tổng hợp từ các ngân hàng, hệ thống hiện nay đang có trạng thái ngoại tệ âm, việc điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ ảnh hướng đến chi phí tài chính của hệ thống ngân hàng”.
Bà Hồng chia sẻ thêm, trong điều kiện lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, quyết định điều chỉnh tỷ giá của NHNN sẽ giúp hỗ trợ xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm, qua đó, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu đề ra. Trên thực tế, sức cầu và sức hấp thụ của nền kinh tế còn thấp, hoạt động sản xuất - kinh doanh còn khó khăn, trong khi đó xuất khẩu vẫn đang khả quan, 5 tháng đầu năm xuất khẩu tăng 15,4%.
“CPI tháng 5 chỉ tăng 1,08% so với cuối năm 2013 thì việc điều chỉnh tỷ giá lần này không đáng lo ngại đối với mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ đề ra”, bà Hồng nhấn mạnh.
Điều này cũng tương đồng với báo cáo của HSBC: “Chúng tôi cũng vẫn luôn thận trọng với những rủi ro xuất phát từ chính sách nới lỏng tiền tệ. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, sự điều chỉnh nhỏ lần này của tỷ giá sẽ không làm VND suy yếu nhiều”.
Cũng theo báo cáo, “với VND điều chỉnh mới một nửa của mức 2% mà NHNN đã nói, vẫn có khả năng sẽ có mức điều chỉnh thêm 1% vào cuối năm nếu các nhà tạo lập chính sách thực sự thấy cần thiết, mặc dù quan điểm của chúng tôi là VND sẽ tương đối ổn định trong vài tháng tới”.
Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng mạnh, không ngay trong 1 hay 2 tháng tới, mà rơi vào thời điểm cuối năm, thậm chí vào đầu năm 2015, nên mức thặng dư thương mại sẽ rất lớn và khi đó vấn đề sẽ là NHNN neo tỷ giá ở mức nào. Bên cạnh đó, thêm một lần nữa, các chuyên gia vẫn tiếp tục khuyến cáo thị trường không nên kỳ vọng quá vào việc ổn định tỷ giá và sẵn sàng phương án kinh doanh của doanh nghiệp.
“Đừng để tỷ giá tác động lại giá cả trong nước” Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP.HCM)
Trần tỷ giá là để hạn chế mức tăng giá ngoại tệ, nhưng khi trần liên tục bị áp sát như những ngày vừa qua thì việc “vỡ trần” là không tránh khỏi. Tôi cho là điều chỉnh ở tỷ lệ 1% là phù hợp. Tuy nhiên, NHNN phải bám sát thị trường, can thiệp bằng mọi giá, không để tồn tại tâm lý kỳ vọng tiếp tục phá giá.
Điều chỉnh tỷ giá còn phục vụ các mục tiêu điều hành chính sách kinh tế, hiện xuất khẩu đang gặp khó khăn nhất định, do đó điều chỉnh còn nhằm tới mục tiêu hỗ trợ xuất khẩu. Không phải chúng ta không đủ lực để can thiệp bởi cán cân thanh toán đang thặng dư 10 tỷ USD. Vấn đề là đừng để tỷ giá tác động lại giá cả trong nước, tác động giá hàng nhập khẩu từ đó gây bất ổn giá cả trong nước. Chỗ này phải giám sát và là trách nhiệm của liên ngành như NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Công thương... Ngoài ra, cần thực thi nghiêm pháp lệnh ngoại hối, không để tình trạng đầu cơ ngoại tệ trái pháp luật. |