Tỷ giá và biến số thuế quan

(ĐTCK) Theo giới chuyên gia, chính sách thuế quan từ Mỹ là một trong những yếu tố chính tạo áp lực lên tỷ giá USD/VND trong tháng 4 và tiếp tục là biến số cần quan sát trong điều hành tỷ giá.
Tâm lý lo ngại trước biến động thuế quan đã tạo sức ép đẩy tỷ giá USD/VND đi lên

Cộng hưởng áp lực

Chỉ số DXY duy trì đà giảm mạnh trong suốt tháng 4 dưới sức ép của vòng xoáy thuế quan. Áp lực giảm lên USD càng gia tăng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục chỉ trích cũng như gây sức ép hạ lãi suất lên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trong bối cảnh này, chỉ số DXY đã chạm đáy 3 năm tại mức 98,3 điểm vào ngày 21/4/2025, tương ứng mức giảm 10,2% so với đầu năm.

Các dữ liệu kinh tế Mỹ cho thấy, ngành sản xuất của nước này tiếp tục suy giảm tháng thứ hai liên tiếp, khi chỉ số PMI đạt 48,7 điểm trong tháng 4 do chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng bởi các chính sách thuế quan mới. Lạm phát hạ nhiệt nhẹ, với chỉ số PCE tháng 3 tăng 2,3% so với cùng kỳ, thấp hơn mức 2,7% của tháng trước đó. Trong khi đó, chi tiêu tiêu dùng ghi nhận mức tăng nhanh nhất trong hơn hai năm trở lại đây, do các hộ gia đình đẩy mạnh hoạt động mua sắm trước khi các mức thuế mới được áp dụng. Đối mặt với nhiều rủi ro bất định và triển vọng kinh tế ảm đạm, chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống mức thấp thứ hai trong lịch sử, kể từ năm 1952. Theo đó, đồng USD sụt giảm 4,8% trong tháng 4, về mức 99,2 điểm vào cuối tháng 4 (giảm 9,3% so với đầu năm).

Trong khi sức mạnh của USD suy yếu thì tỷ giá USD/VND lại có xu hướng tăng mạnh trong tháng 4. Theo đó, tỷ giá liên ngân hàng tăng 1,4% so với cuối tháng 3, lên mức 25.994 VND/USD (tăng 2,1% so với đầu năm). Tỷ giá trên thị trường tự do tăng lên mức 26.470 VND/USD, trong khi tỷ giá trung tâm niêm yết tại 24.956 VND/USD, tương ứng mức tăng lần lượt 2,8% và 2,5% so với đầu năm 2025. Xu hướng mất giá của VND cũng trái ngược với diễn biến của nhiều đồng tiền trong khu vực châu Á như MYR, SGD, JPY, KRW - khi các đồng tiền này đều tăng giá khoảng 2 - 5% so với USD.

Diễn biến này, theo một lãnh đạo cao cấp BIDV, được dẫn dắt bởi các yếu tố nội tại là chủ đạo. Theo đó, các thông tin tiêu cực về chính sách thuế quan của Mỹ (Việt Nam có thể bị áp thuế tới 46%) đã khiến tâm lý lo ngại gia tăng. Mặc dù sau đó, mức thuế quan trên đã được tạm hoãn trong 90 ngày, nhưng sự bất định của quá trình đàm phán khiến tâm lý thị trường tiếp tục duy trì trạng thái thận trọng.

Thứ hai, cung - cầu ngoại tệ trong nước có xu hướng giảm bớt mức độ dồi dào, ước thâm hụt khoảng 300 - 500 triệu USD trong tháng 4. Bên cạnh xu hướng bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán (khoảng 0,5 tỷ USD) do lo ngại về thuế quan thì các cấu phần cơ bản như cán cân thương mại, giải ngân FDI đều ghi nhận mức thặng dự kém tích cực hơn tháng trước đó (đạt 0,6 tỷ USD và 1,8 tỷ USD tương ứng). Xu hướng này chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu tăng cao theo mùa vụ, mà chưa phản ánh tác động tiêu cực rõ ràng của thuế quan. Cụ thể, các mặt hàng xuất khẩu chính sang Mỹ như máy móc thiết bị, máy tính linh kiện vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao, khoảng 20 - 30% so với cùng kỳ năm 2024.

Thứ ba, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD có xu hướng giảm 50 - 60 điểm đối với kỳ hạn qua đêm đến 1 tuần về mức khoảng -0,2 đến - 0,3%/năm vào cuối tháng. Đây cũng là yếu tố cộng hưởng, tạo áp lực lên tỷ giá trong giai đoạn này.

Sau phiên họp tháng 5 giữ nguyên lãi suất, các tín hiệu từ kinh tế Mỹ, diễn biến chính sách của Fed và xu hướng dòng vốn toàn cầu đang đẩy kỳ vọng thị trường về một đợt giảm lãi suất trong tháng 7. Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), “với Việt Nam, bài toán không đơn giản là Fed giảm lãi suất - tỷ giá hạ nhiệt”.

Thuế quan - biến số lớn nhất với tỷ giá?

Nếu các cuộc đàm phán đạt kết quả tích cực và mức thuế giảm về 15 - 20% thì sẽ tạo cú huých lớn cho ổn định tỷ giá, đồng thời hỗ trợ cơ quan quản lý có dư địa giữ vững mặt bằng lãi suất.

Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup

Vị lãnh đạo BIDV nhận định, nhìn chung, sự bất định trong chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn rất lớn và căng thẳng thương mại dự kiến chưa thể kết thúc trong ngắn hạn, nên nhiều khả năng chỉ số DXY dao động chủ đạo trong biên độ 100 - 102 điểm.

Tuy nhiên, ở trong nước, những yếu tố tạo áp lực đối với tỷ giá dự kiến chưa sớm được giải tỏa. Trong đó, cung - cầu ngoại tệ tiếp tục giảm bớt dồi dào, với mức thâm hụt ước khoảng 1 - 2 tỷ USD, chủ yếu do tháng 5 là giai đoạn cao điểm nhập khẩu trong năm, cộng hưởng với nhu cầu mua ngoại để trả nợ vay của Kho bạc Nhà nước tiếp tục gia tăng.

“Ở chiều ngược lại, xuất khẩu có thể tiếp tục được đẩy mạnh khi doanh nghiệp tranh thủ thời gian tạm hoãn thuế 90 ngày, trong khi giải ngân vốn đầu tư FDI dự kiến cũng chưa chịu áp lực khi chờ thêm những tín hiệu tích cực hơn từ thuế quan. Bên cạnh đó, chênh lệch lãi suất VND - USD dự kiến có thể ổn định hơn dù vẫn duy trì ở mức thấp quanh khoảng -0,2 đến -0,3%/năm với kỳ hạn qua đêm và 1 tuần”, vị lãnh đạo BIDV nói.

Từ góc nhìn của ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup, tỷ giá USD/VND đang chịu áp lực chủ yếu từ thị trường dân cư, chứ không phải từ liên ngân hàng. Lãi suất USD trên thị trường tiêu dùng Mỹ đang dao động quanh 7 - 8%/năm, trong khi huy động VND tại Việt Nam chỉ quanh mức 4 - 5%/năm. Sự chênh lệch này khiến dòng vốn có xu hướng nắm giữ USD hoặc gửi ra nước ngoài, gây áp lực cầu ngoại tệ trong nước. Tuy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giữa hai nước đã tiệm cận nhau (Fed Fund Rate dự báo về 3,9%/năm trong năm 2025 và lãi suất VND liên ngân hàng quanh 4%/năm) nhưng điều đó chỉ giúp giảm áp lực tỷ giá tại thị trường liên ngân hàng - một kênh không đại diện cho tâm lý dân cư.

Bà Trần Thị Khánh Hiền kỳ vọng, tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25.500 - 26.000 VND/USD trong năm 2025. Cơ sở cho dự báo này là, các kế hoạch nới lỏng tài khóa của chính quyền ông Donald Trump, cùng với lãi suất cao và chủ nghĩa bảo hộ tương đối cao của Mỹ sẽ hỗ trợ cho việc gia tăng giá trị của USD trong năm 2025. Tuy nhiên, vẫn có một số yếu tố nội tại hỗ trợ cho VND, như thặng dư thương mại khoảng 3,79 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2025; vốn FDI giải ngân 4 tháng đạt 6,74 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ; lượng khách du lịch quốc tế tăng 23,8% so với cùng kỳ.

Còn theo ông Báu, tác động từ chính sách thuế quan là biến số lớn nhất đối với tỷ giá USD/VND trong những tháng còn lại của năm 2025.

“Nếu mức thuế đối ứng mà Mỹ áp lên hàng hóa Việt Nam duy trì ở ngưỡng cao (trên 40%), tâm lý găm giữ USD sẽ tiếp diễn, do lo ngại suy giảm xuất khẩu và dòng ngoại tệ thu hẹp. Ngược lại, nếu các cuộc đàm phán đạt kết quả tích cực và mức thuế giảm về 15 - 20% thì sẽ tạo cú huých lớn cho ổn định tỷ giá, đồng thời hỗ trợ cơ quan quản lý có dư địa giữ vững mặt bằng lãi suất”, ông Báu nhận định.

Xung quanh câu chuyện tỷ giá, các chuyên gia kinh tế chung nhận định, cơ quan quản lý, nhà đầu tư, doanh nghiệp cần theo dõi sát ba biến số: chính sách tiền tệ của Fed, tiến trình đàm phán thuế quan và cung - cầu ngoại tệ nội địa. Trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh, tỷ giá sẽ tiếp tục là chỉ báo quan trọng cho rủi ro hệ thống và mức độ ổn định vĩ mô của Việt Nam.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục