Nhiều ẩn số khó lường
Thị trường ngoại hối trong quý III đã trải qua giai đoạn biến động mạnh nhất trong hơn 1 năm trở lại đây. Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đã tăng tới 1,6% so với giai đoạn cuối quý II và 2,8% tính từ đầu năm.
Một lãnh đạo cao cấp BIDV cho biết, diễn biến của tỷ giá USD/VND liên ngân hàng trong quý vừa qua được chia làm hai giai đoạn chính: Thứ nhất, tăng mạnh 260 - 270 điểm trong tháng 7 từ mức 23.030 đồng/USD lên mức 23.300 đồng/USD; Thứ hai, dao động ổn định trong biên độ 23.250 - 23.340 đồng/USD trong hai tháng còn lại.
Nhìn nhận về các yếu tố tác động khiến tỷ giá tăng mạnh, vị lãnh đạo trên cho rằng, trước tiên là bước điều chỉnh chính sách mang tính đột biến của Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, cơ quan này đã hai lần điều chỉnh tỷ giá bán ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại khi yết tỷ giá bán ra lần lượt ở mức 23.050 đồng/USD và 23.273 đồng/USD; đồng thời, áp dụng cách thức yết tỷ giá mới theo công thức: Tỷ giá niêm yết bán ra = Tỷ giá trần cho phép trừ 50 điểm.
Với các biện pháp can thiệp này, Ngân hàng Nhà nước về cơ bản đã đưa tỷ giá lên một mức mới, phù hợp hơn với tình hình của thị trường. Bên cạnh đó, cung - cầu ngoại tệ dịch chuyển theo chiều hướng bớt thuận lợi.
Theo đó, trong khi giải ngân FDI duy trì ở mức 1,48 tỷ USD thì cán cân thương mại thâm hụt 0,63 tỷ USD trong tháng 7 và nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên thị trường chứng khoán gần 300 triệu USD.
Ngoài ra, tâm lý lo ngại gia tăng đã khiến nhu cầu mua ngoại tệ kỳ hạn hay tình trạng găm giữ ngoại tệ tăng mạnh. Ước tính, chênh lệch cung - cầu trong tháng 7 đạt khoảng gần 3 tỷ USD nghiêng về phía cầu.
Đồng thời, áp lực từ thị trường quốc tế gia tăng. Trong khi các đồng tiền cơ bản như USD, EUR, JPY có biến động hẹp (USD giảm 0,14%, EUR tăng 0,08%, JPY giảm 1,0%), đồng CNY đã giảm mạnh, khoảng 3% trong tháng 7. Trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia có quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc, việc CNY mất giá mạnh đã tạo áp lực lớn lên tiền đồng.
“Chênh lệch lãi suất VND/USD liên ngân hàng co hẹp và ở mức âm khiến chi phí nắm giữ USD giảm và tạo áp lực lên tỷ giá”, vị lãnh đạo trên nhận định.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo các ngân hàng đều chung nhận định, biến động của thị trường ngoại hối Việt Nam trong quý III năm nay xuất phát căn bản từ áp lực của thị trường quốc tế; trong đó, nổi bật là vấn đề chiến tranh thương mại leo thang đã khiến cung - cầu ngoại tệ dịch chuyển theo chiều hướng nhu cầu ngoại tệ tăng mạnh.
Bên cạnh đó, tâm lý thị trường cũng thay đổi khi chuyển từ trạng thái ổn định sang trạng thái thận trọng và lo ngại.
Tình trạng găm giữ ngoại tệ gia tăng (huy động vốn ngoại tệ tăng tới 11% trong quý III), hay chênh lệch tỷ giá tự do - liên ngân hàng tăng mạnh (có thời điểm chênh lệch 300 điểm) đã khiến Ngân hàng Nhà nước buộc phải thay đổi chính sách tiền tệ, cho dù kinh tế vĩ mô của Việt Nam về cơ bản vẫn tích cực.
Dự báo thị trường ngoại hối trong quý IV sẽ chịu áp lực hơn, đặc biệt vào hai tháng cuối năm. Cung - cầu ngoại tệ trong nước dự kiến kém thuận lợi hơn, trong khi các yếu tố quốc tế có thể sẽ tiếp tục giằng co. Trong bối cảnh đó, vai trò điều hành của Ngân hàng Nhà nước được đánh giá sẽ là nhân tố quan trọng để mang đến sự ổn định cho thị trường.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định, dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn rất tốt, cộng thêm phần bán vốn của doanh nghiệp nhà nước, thặng dư thương mại…, hỗ trợ tích cực cho nguồn cung ngoại tệ trên thị trường trong nước, giảm áp lực, tránh những cú sốc biến động quá mạnh.
“Chúng ta có thể nhìn sang thị trường Indonesia có thâm hụt về thương mại thường xuyên nên sẽ phải chịu áp lực rất lớn về ngoại tệ khi có biến động dòng vốn nước ngoài chảy ra. Trong khi Việt Nam không gặp tình huống như vậy”, ông Hải nói.
Nhận định về yếu tố hỗ trợ xu hướng ổn định, vị lãnh đạo BIDV cho rằng, về mặt chính sách điều hành, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành thị trường chủ động, linh hoạt và chưa có thay đổi lớn về mặt chính sách.
Với nguồn dự trữ ngoại hối ở mức cao (khoảng 61 tỷ USD), Ngân hàng Nhà nước có đầy đủ các công cụ để điều hành tỷ giá USD/VND ở mức khoảng 3% trong thời điểm cuối năm (hiện tỷ giá đã tăng 2,78%), nếu không có những cú sốc quá lớn trong giai đoạn còn lại của năm.
“Thị trường quốc tế dự kiến giằng co, song áp lực có thể giảm bớt. Theo đó, việc Fed dự kiến tăng lãi suất vào tháng 12 không còn là điều bất ngờ đối với thị trường, trong khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nhiều khả năng tiếp tục sử dụng yếu tố “phản chu kỳ” để điều tiết tỷ giá USD/CNY, qua đó làm giảm áp lực từ thị trường quốc tế lên thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, cần chú ý thêm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể leo thang; câu chuyện thỏa thuận Brexit và ngân sách của Italy”, vị lãnh đạo BIDV nhận định.
Doanh nghiệp cần chủ động phòng vệ rủi ro tỷ giá
Bên cạnh những yếu tố tích cực, những yếu tố gây áp lực lên tỷ giá cũng được các chuyên gia chỉ rõ. Đó là vấn đề cung - cầu ngoại tệ cơ bản của nền kinh tế có thể bớt thuận lợi hơn.
Cán cân thương mại có thể chịu áp lực thâm hụt trở lại vào tháng 11 - 12 theo chu kỳ, trong bối cảnh các đơn đặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng tăng chậm lại. Nhu cầu trả nợ vay, thanh toán và chuyển lợi nhuận về nước dự kiến tăng theo chu kỳ, trong bối cảnh các giao dịch thoái vốn, cổ phần hóa chưa có tiến độ rõ ràng.
Đặc biệt, tâm lý thị trường mặc dù đã giảm bớt lo ngại sau những diễn biến ổn định của tỷ giá trong tháng 8 - 9, tuy nhiên sự thận trọng dự kiến tiếp tục được duy trì. Ngoài ra, xu hướng găm giữ ngoại tệ vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt, trong bối cảnh tín dụng ngoại tệ tăng trưởng âm cũng là yếu tố gây áp lực cho tỷ giá.
Như vậy, về cơ bản, yếu tố rủi ro nhất vẫn là việc diễn biến trên thị trường quốc tế tiếp tục là một ẩn số khó lường, khó dự báo trong bối cảnh các yếu tố tác động khác hình thành tương đối rõ nét.
“Nếu Fed vẫn tiếp tục tăng lãi suất, nhìn chung, USD sẽ tăng giá so với các đồng tiền và Việt Nam vẫn muốn giữ vị thế duy trì lợi thế cạnh tranh xuất khẩu thì không thể giữ tỷ giá ổn định.
Thời điểm này khác với 2 - 3 năm trước, xu hướng chung USD mất giá, các đồng tiền trong khu vực tăng giá lên, còn bây giờ bài toán đã bước sang chu kỳ mới. Động thái của CNY cũng rất quan trọng, bởi nó tác động đến mức độ điều chỉnh tỷ giá như thế nào”, ông Hải nhấn mạnh.
Khẳng định các yếu tố cơ bản trên thị trường quốc tế được dự báo vẫn sẽ diễn biến phức tạp, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn, HSBC Việt Nam đưa ra khuyến nghị, để chủ động trong hoạt động quản trị doanh nghiệp, quản trị dòng tiền và kiểm soát rủi ro hiệu quả, các doanh nghiệp cần chủ động trong công tác phòng vệ rủi ro tỷ giá, rủi ro lãi suất, thông qua việc nâng cao nhận thức về rủi ro thị trường và các công cụ phòng vệ rủi ro.
“Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, kinh tế vĩ mô ổn định, ngân hàng luôn đảm bảo nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của doanh nghiệp được đáp ứng kịp thời, đầy đủ và đưa ra những giải pháp phù hợp giúp doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro thị trường”, ông Khoa nói.