Tỷ giá tăng nóng bất chấp DXY hạ nhiệt
Liên tục tăng nóng từ đầu tuần, tỷ giá USD tiếp tục bứt phá những ngưỡng mới. Tại Vietcombank, hiện tỷ giá USD được yết ở mức 24.770 VND/USD (mua chuyển khoản) và 25.140 VND/USD (bán ra), duy trì mức chênh 370 đồng mỗi USD. Tỷ giá tại Vietcombank đã tăng 0,68% trong tuần và tăng 2,95% từ đầu năm. Một số nhà băng khác thậm chí yết giá cao hơn như tại VietinBank tỷ giá đã tăng 3,11% từ đầu năm, có thời điểm lên mức 25.185 VND/USD.
Tỷ giá bán ra của các ngân hàng đang ngày càng tiến sát hơn mức trần do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định. Ngày 4/4, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm cặp đồng tiền VND/USD được áp dụng trong ngày ở mức 24.038 VND/USD, tăng 18 đồng so với ngày niêm yết trước. Với biên độ +/-5% theo quy định, tỷ giá được phép giao dịch trong khoảng từ 22.836 VND/USD đến 25.239 VND/USD.
Tỷ giá bán tại các nhà băng cũng khá sát với tỷ giá tham khảo tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước (25.189 đồng/USD).
Tuy nhiên, điểm tích cực đáng chú ý trong diễn biến thị trường là nhịp điều chỉnh của đồng USD. Chỉ số US Dollar Index (DXY) hồi giữa tuần có thời điểm vượt lên trên ngưỡng 105 điểm, mức cao nhất từ tháng 11/2023 nhưng đến nay chỉ còn giao dịch ở mức 104,2 điểm. Một phần nhờ đồng EUR hồi phục sau khi rơi xuống mức thấp nhất 7 tuần. Hiện mỗi EUR đổi được 1,08 USD. Tỷ giá EUR/VND cũng ghi nhận biến động đáng chú ý trong tuần này. Cuộc họp quyết định lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào thứ Năm tuần sau đang được giới đầu tư chờ đợi, nhất là khi số liệu mới đây cho thấy lạm phát tại Eurozone giảm sâu hơn dự báo nhờ xu hướng tăng giá lương thực, thực phẩm và đồ uống tiếp tục chững lại.
Hiện Vietcombank đang yết chiều bán ra ở mức 27.810 đồng đổi 1 euro, tăng hơn 1% so với một tuần trước. Tuy nhiên, nhìn ở khoảng thời gian rộng hơn, VND vẫn mất giá ít hơn đồng tiền của nhiều nước khác. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng mất giá với USD khoảng 1,4%; đồng Bath Thái khoảng 5,93%; đồng Won của Hàn Quốc khoảng 3,88%; đồng Yên Nhật cũng đã giảm giá 7,52%...
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam khoảng 100 tỷ USD, sẵn sàng can thiệp nếu cần thiết
Một điểm tích cực khác có thể hỗ trợ cho sức mạnh của đồng nội tệ trong nhịp tăng mạnh mẽ của tỷ giá thời gian gần đây là các biện pháp từ cơ quan quản lý. Tại họp báo Chính phủ chiều 3/4, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói cơ quan này có đủ công cụ điều hành để ổn định thị trường ngoại hối.
"Tỷ giá là chỉ dấu điều hành kinh tế vĩ mô quan trọng, ảnh hưởng tới sức mua đồng tiền Việt Nam, các chính sách kinh tế khác. Vì thế, NHNN xác định sẽ điều hành linh hoạt, đảm bảo tỷ giá lên xuống phù hợp", Phó thống đốc cho hay. Ngoài các công cụ điều chỉnh tỷ giá bằng chính sách tiền tệ, hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam khá dồi dào, tới cuối 2023 khoảng 100 tỷ USD. Trường hợp cần thiết, Phó thống đốc cho biết cơ quan này sẽ can thiệp để ổn định.
Vàng nhẫn lập đỉnh mới, nương theo sức nóng của thị trường quốc tế
Không riêng tỷ giá, thị trường vàng trong nước cũng liên tục chịu áp lực từ diễn biến thế giới. Vàng thế giới đã phá vỡ cột mốc 2.300 USD/ounce, qua đó xác lập kỷ lục mới trong lịch sử giao dịch.
Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn, giá vàng miếng SJC đang yết ở mức 79,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 81,6 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 500.000 đồng ở cả hai chiều. Chênh lệch giá mua – bán tại các hãng vàng đều đồng loạt về còn 2 triệu đồng mỗi lượng.
Đối với sản phẩm vàng nhẫn, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn đang thu mua ở mức 70,8 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 72,1 triệu đồng/lượng, cũng tăng hơn nửa triệu đồng mỗi chiều. Đây cũng là đỉnh giá mới được thiết lập đối với dòng sản phẩm này.