Tỷ giá tăng và chuyện những khoản vay bảo hiểm tỷ giá

(ĐTCK) Tỷ giá tăng, mọi nhận định đều theo hướng tích cực cho kinh tế vĩ mô, thúc đẩy xuất khẩu,… nhưng nếu chỉ nói đến thế là chưa đủ!
Nhiều sản phẩm được ngân hàng phát triển có thể tác động lớn khiến cung cầu ngoại tệ bị xô lệch

Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, Tổng giám đốc một doanh nghiệp khu vực phía Nam cho biết, công sức hoạt động kinh doanh của năm 2015 của doanh nghiệp sẽ “không còn đáng kể” bởi tỷ giá VND/USD thay đổi đột ngột hơn 2 tuần qua.

Vị lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, do việc vay ngoại tệ bị siết chặt nên đối với những doanh nghiệp không chủ động được nguồn ngoại tệ nhập hàng đã phải sử dụng một số sản phẩm dạng “hoán đổi”. Cụ thể là vay VND được định giá và tính lãi bằng USD rồi mua ngoại tệ của ngân hàng để thanh toán hàng hóa nhập khẩu. Thay vì vay lãi suất VND (có lãi suất kỳ hạn 1 năm khoảng 8%/năm) thì doanh nghiệp chỉ phải trả lãi suất USD thấp hơn nhiều (lãi suất vay ngoại tệ chỉ là 4,5%/năm với kỳ hạn vay 1 năm).

“Trong 2 năm qua, mọi việc khá trôi chảy bởi lãi suất vay tính bằng USD khá thấp, cộng với mức độ trượt tỷ giá được giữ không quá 2% mỗi năm, khiến lãi suất thực mà doanh nghiệp phải trả vẫn thấp hơn lãi suất nếu vay bằng tiền VND”, vị lãnh đạo doanh nghiệp cho biết.

“Nhưng từ đầu năm đến giờ, tỷ giá thay đổi thực theo giá thị trường khoảng 5% khiến lãi suất thực tế mà doanh nghiệp phải trả với sản phẩm trên lên tới 9,5%/năm, mức lãi nằm ngoài mọi kế hoạch tính toán của doanh nghiệp”.

Trên thực tế khá nhiều ngân hàng đang cung cấp sản phẩm dạng này, thường được gọi là bảo hiểm rủi ro tỷ giá. Về mặt thiết kế sản phẩm thì khá lợi cho doanh nghiệp, cụ thể là vay bằng VND nhưng lãi suất chỉ được tính theo lãi suất vay USD (thường chỉ tối đa bằng một nửa lãi suất vay VND). Nhưng điều đặc biệt nằm ở chỗ, nếu tỷ giá trong kỳ vay nợ có biến động tăng, khách hàng chỉ chịu phần tăng tỷ giá là 3%, nếu tỷ giá thực vượt mức này thì ngân hàng sẽ là người chịu rủi ro.

Với cách thiết kế đó thì dù tỷ giá biến động mạnh như thời gian vừa qua, các doanh nghiệp vay vốn bằng sản phẩm này cũng chỉ chịu phần rủi ro nhỏ, đẩy lãi suất vay thực tế tăng cao hơn.

“Điều này có thể khiến một số doanh nghiệp khó khăn vì kế hoạch thay đổi, chi phí tài chính bị đẩy lên, nhưng cũng không đến mức nặng nề”, giám đốc kinh doanh tiền tệ một ngân hàng cho biết.

“Câu chuyện ở đây là của các ngân hàng và sự thiếu rõ ràng trong cân đối cung cầu ngoại tệ”

Trong kinh doanh ngoại tệ, những nghiệp vụ có hàm chứa mức độ rủi ro cao, về nguyên tắc đều phải phân tán rủi ro chứ ngân hàng không thể gánh chịu tất cả. Trong nghiệp vụ cho vay trên cũng vậy, ngoài một phần (3%) khách hàng phải gánh chịu khi tỷ giá tăng, ngân hàng khi bán ngoại tệ cho khách hàng sẽ phải tìm một nguồn để cân đối trạng thái tương lai để giảm thiểu rủi ro cho mình.

Theo vị lãnh đạo ngân hàng trên, vấn đề nằm ở chỗ nghiệp vụ này với “mác” được dán là cho vay, nhưng thực tế là mua bán ngoại tệ. Nhiều ngân hàng cùng triển khai sản phẩm với khối lượng mua bán ngoại tệ rất lớn, khiến việc lượng hóa cung cầu ngoại tệ trên thị trường không hề dễ. Chính vì vậy, khi tỷ giá được điều chỉnh, thì hàng loạt các lệnh mua bán ngoại tệ đã được “kích hoạt”, và rất khó đánh giá được tác động của quyết định tăng tỷ giá cũng như dự báo chuẩn xác diễn biến thị trường.

Theo một chuyên gia kinh tế, câu chuyện ở đây cần một con số thống kê chính xác để tính toán được ảnh hưởng của những sản phẩm này đến thị trường ngoại hối như thế nào? Đó là chưa kể những sản phẩm này có thực sự phù hợp với quy định của quản lý ngoại hối hiện nay?

Trong lĩnh vực quản lý ngoại tệ, hiện có không ít khe hở vẫn tồn tại bởi nhu cầu thực tế của người dân và doanh nghiệp. Chẳng hạn, việc du học, khám chữa bệnh, đi du lịch… đều có quy định về mức ngoại tệ được phép mua, các giấy tờ cần chứng minh khi mua ngoại tệ. Nhưng với nhiều cá nhân, thay vì làm những câu chuyện chính tắc đó, họ sử dụng thẻ tín dụng khi đi du lịch nước ngoài mà bản chất là mua ngoại tệ để chi tiêu.

Ngân hàng thu được phí của đơn vị bán hàng, nên phải phát hành thẻ và cấp hạn mức chi tiêu cho chủ thẻ, đồng thời cũng phải tự tìm cách cân đối nguồn ngoại tệ cho khách mua sắm ở nước ngoài. Tổng số ngoại tệ được chi tiêu qua con đường thẻ là bao nhiêu, có ảnh hưởng tới cung cầu ngoại tệ hay không là câu hỏi cần làm rõ, bởi đã từng có ước tính con số này lên tới hàng tỷ USD!

Tương tự như vậy, câu chuyện vay VND được tính lãi suất bằng USD cho doanh nghiệp, bản chất cũng là cho doanh nghiệp mua ngoại tệ. Doanh nghiệp được lợi, nhưng mức độ tác động thế nào tới cung cầu trên thị trường lại là câu chuyện khác.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục