Tỷ giá tăng đột biến: Chỉ là biến động nhất thời

(ĐTCK) Hai tuần gần đây, xu hướng tăng của tỷ giá USD/VND là khá rõ ràng. Liệu đây có phải là động thái “thông báo” trước khi tỷ giá thực sự tăng vào cuối năm?
Tỷ giá tăng đột biến: Chỉ là biến động nhất thời

Diễn biến tỷ giá thời gian qua

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Đinh Đức Quang, Phó tổng giám đốc Ngân hàng OCB cho biết sự biến động của tỷ giá trong số thời điểm cụ thể: ngày 4/1/2016, tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là 21.896 đồng/USD, tỷ giá giao dịch liên ngân hàng và tỷ giá niêm yết là 22.505 đồng/USD; ngày 30/6/2016, tỷ giá trung tâm là 21.873 đồng/USD, tỷ giá giao dịch liên ngân hàng và tỷ giá niêm yết là 22.305 đồng/USD; ngày 17/11/2016, tỷ giá trung tâm là 22.101 đồng/USD, tỷ giá giao dịch liên ngân hàng và tỷ giá niêm yết là 22.420 đồng/USD.

NHNN cho biết, trong hơn 10 tháng đầu năm, tỷ giá và thị trường ngoại tệ về cơ bản ổn định, tâm lý găm giữ ngoại tệ đã giảm mạnh so với trước đây nhờ cách thức điều hành tỷ giá mới linh hoạt và những diễn biến thuận lợi về cung cầu ngoại tệ. NHNN mua được một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước. Trong những ngày qua, tỷ giá có xu hướng tăng, nhưng mức tỷ giá này vẫn thấp hơn khoảng 50 đồng/USD so với mức tỷ giá vào cuối năm 2015.

Tỷ giá tăng đột biến: Chỉ là biến động nhất thời  ảnh 1

“Diễn biến tăng tỷ giá những ngày qua là hết sức bình thường, phù hợp với xu hướng tăng tỷ giá trung tâm do NHNN công bố trong thời gian qua. Trên thị trường, cầu ngoại tệ không có yếu tố đột biến, thanh khoản tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức và cá nhân được các tổ chức tín dụng đáp ứng kịp thời và đầy đủ”, một lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết.

Trên cơ sở số liệu đó, theo ông Quang, thực tế trong 10 tháng đầu năm, tỷ giá trung tâm do NHNN công bố có mức tăng gần 1% và tăng chậm đều từ tháng 9 đến nay. Tỷ giá thực giao dịch trên thị trường liên ngân hàng và tỷ giá niêm yết vẫn thấp hơn so với đầu năm, cho dù có xu hướng tăng từ cuối tháng 10. NHNN liên tục giữ mức giá mua vào là 22.300 đồng/USD từ các ngân hàng thương mại (đã mua vào khoảng 11 tỷ USD), giúp tỷ giá giao dịch không giảm sâu dưới mức này. 

VND, một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu vực so với USD

Ông Đinh Đức Quang cho rằng, nhân tố có khả năng làm ổn định thị trường ngoại hối đến từ việc Việt Nam có mức xuất siêu hơn 3 tỷ USD trong 10 tháng qua và hiện các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục giải ngân vốn FDI và FII vào Việt Nam ước đạt 14 tỷ USD. Huy động ngoại tệ toàn hệ thống giảm hơn 6%, tương đương 1,6 tỷ USD, trong đó, một phần được chuyển thành VND tiền gửi, giúp huy động VND tăng hơn 17% trên toàn hệ thống các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, kiều hối về đều và có xu hướng tăng cuối năm.

Đồng quan điểm này, một lãnh đạo TPBank cho biết: “Xu hướng nới room cho khối ngoại có khả năng sẽ thu hút thêm nguồn USD vào Việt Nam. Nguồn từ dòng vốn hứa hẹn dồi dào từ những thương vụ M&A, IPO và xu hướng thoái vốn của nhiều doanh nghiệp quốc doanh lớn”.

“Như vậy, có thể thấy rằng, nguồn cung tốt, các yếu tố đột biến tạo yếu tố tâm lý đầu cơ, găm giữ ngoại tệ chưa có ngoại trừ do: thứ nhất, USD đang mạnh lên so với các ngoại tệ mạnh khác trên thế giới, trong khi Nhân dân tệ giảm giá mạnh so với USD…; thứ hai, dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất USD vào cuối năm, nhưng chỉ tăng nhẹ từ 0,25-0,5%; thứ ba, một số ngân hàng thương mại có vốn lớn, hạn mức trạng thái lớn và hoạt động tự doanh tích cực có thể tạo biến động; thứ tư, các nhu cầu thanh toán công nợ cuối năm từ một số doanh nghiệp FDI lớn và các tổng công ty có thể tạo nhu cầu tăng vào một số thời điểm”, ông Quang nói.

Theo một lãnh đạo cao cấp của TPBank, nhân tố có khả năng làm tăng tỷ giá ở góc độ quốc tế đó là đồng Nhân dân tệ có xu hướng phá giá sau khi vào rổ tiền tệ SDR của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). USD có xu hướng mạnh lên so với các đồng tiền khu vực Đông Nam Á và các thị trường mới nổi (emerging markets-EM ) nói chung. Chỉ số USD-Index cũng trên xu hướng tăng, phá đỉnh tháng 10 và kỳ vọng nâng lãi suất của Fed ở ngưỡng cao 94% (tăng từ 68% hồi đầu tháng). Đối với trong nước, đó là cán cân thương mại tháng 10 thâm hụt 445 triệu USD và kỳ I tháng 11 dự báo tiếp tục nhập siêu; trong khi đó, quý IV là đến chu kỳ thanh toán của nhiều công ty nước ngoài…

Tuy vậy, ông Quang nhấn mạnh: “Nhìn chung, các thông tin thị trường vẫn cho thấy, tỷ giá sẽ khó giảm xuống mức 22.300 đồng/USD như đã ổn định suốt 10 tháng qua. Tỷ giá sẽ giao động thường xuyên hơn, trong biên độ rộng hơn và hoàn toàn có thể nhích dần lên các mức 22.400 – 22.600 đồng/USD trong tháng 11 và 22.600-22.800 đồng/USD vào cuối năm. Tuy nhiên, ngay tại mức giá này thì tỷ giá cũng chỉ biến động khoảng 1% so với đầu năm và VND vẫn là một trong các đồng tiền ổn định nhất trong khu vực so với USD”.

NHNN cho biết thêm, từ nay đến cuối năm, cầu ngoại tệ chưa có áp lực tăng cao do tín dụng tiếp tục được kiểm soát ở mức hợp lý. Đồng thời, một phần nhu cầu mua ngoại tệ của khách hàng sẽ được đáp ứng bằng nguồn tín dụng ngoại tệ của hệ thống ngân hàng, khi NHNN tiếp tục gia hạn cho vay bằng ngoại tệ quy định tại Thông tư 24/2015/TT-NHNN và Thông tư 07/2016/TT-NHNN đến hết năm 2017. Ngoài ra, việc NHNN ban hành Thông tư 15/2015/TT-NHNN vào tháng 10/2015 đã hạn chế việc các tổ chức, cá nhân mua ngoại tệ giao ngay, trước khi đến hạn thanh toán cho các nhu cầu thanh toán ra nước ngoài, theo đó không tạo áp lực tăng cầu ngoại tệ trên thị trường.

“Trong thời gian tới, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế để có các biện pháp và công cụ điều hành phù hợp, đảm bảo đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ đã đề ra, góp phần ổn định, cân đối vĩ mô của nền kinh tế”, vị lãnh đạo NHNN nhấn mạnh.        

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục