Tỷ giá tăng, cơ hội hạ lãi suất giảm

(ĐTCK) Ngày 27/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD ở mức 22.640 đồng, tăng 15 đồng so với ngày 26/6. Như vậy, tỷ giá trung tâm đã được điều chỉnh tăng tổng cộng trên 50 đồng so với đầu năm.
Fed tăng lãi suất, giá trị của USD tăng lên, đẩy tỷ giá so với USD của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam tăng theo Fed tăng lãi suất, giá trị của USD tăng lên, đẩy tỷ giá so với USD của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam tăng theo

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho biết, từ đầu năm 2018 đến đầu tháng 6, tỷ giá tăng ở mức thấp, tuy nhiên, trong 2 tuần qua, tỷ giá biến động rất mạnh.

“Theo tính toán của tôi thì đến nay, VND đã mất giá so với USD ở mức trên 1%”, TS. Hiếu nói.

Nhận định nguyên nhân khiến tỷ giá trong nước tăng mạnh trong 2 tuần qua, theo TS. Hiếu, có cả nguyên nhân gần và xa.

Cụ thể, đối với nguyên nhân gần, đó là do tác động từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh tăng lãi suất lần thứ hai kể từ đầu năm đến nay. Khi Fed tăng lãi suất, giá trị của USD tăng lên và điều này đẩy tỷ giá so với USD của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam tăng theo.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác là thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua chao đảo mạnh, nguyên nhân của sự chao đảo này chủ yếu là do khối ngoại dần rút tiền ra khỏi thị trường.

“Điều này khiến nhu cầu mua USD của nhà đầu tư ngoại để chuyển về đầu tư tại các thị trường truyền thống tăng lên. Điều này cũng tác động tiêu cực, đẩy tỷ giá tăng lên”, TS. Hiếu nói.

Còn với nguyên nhân xa, đó là các lý do mang tính vĩ mô của nội tại nền kinh tế Việt Nam. Một trong những điểm chính yếu là tỷ lệ lạm phát tăng trong thời gian qua và áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm được nhận định sẽ tăng.

Bên cạnh đó, sau 4 tháng xuất siêu, thì nhập siêu đã quay trở lại vào tháng 5/2018 và đây có thể sẽ là hiện tượng kéo dài từ nay đến cuối năm. Nhập siêu tăng lên sẽ dẫn đến cầu về ngoại tệ tăng, từ đó có những tác động tới tỷ giá.

Liên quan đến tỷ giá, một lãnh đạo cao cấp TPBank cho biết, ngày 26/6, NHNN tiếp tục chào thầu tín phiếu NHNN ở 2 kỳ hạn: 6.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 28 ngày và 4.000 tỷ đồng với kỳ hạn 91 ngày. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được 1.500 tỷ đồng ở kỳ hạn 28 ngày và 2.100 tỷ đồng ở kỳ hạn 91 ngày, lãi suất giữ nguyên lần lượt ở mức 1,25% và 1,85%. Trong ngày 26/6 không có tín phiếu đến hạn. Như vậy, NHNN hút ròng 3.600 tỷ đồng từ thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức 148.899 tỷ đồng.

“NHNN tiếp tục chào thầu tín phiếu cho thấy động thái tác động gián tiếp đến tỷ giá. Cụ thể, lượng tiền lưu thông trên thị trường lớn nên phần nào đã làm giảm giá trị tiền đồng và với động thái hút tiền về của nhà điều hành là nhằm đẩy giá trị USD xuống”, vị lãnh đạo TPBank nhận xét.

TS. Hiếu phân tích, với tình hình tỷ giá như hiện nay, cơ hội giảm mặt bằng lãi suất không cao. Dù thanh khoản hệ thống khá dồi dào và thậm chí lãi suất huy động VND thời điểm này có xu hướng giảm tại một số ngân hàng, nhưng nếu so với lạm phát (cả năm khoảng 4%) thì việc gửi VND vẫn có lợi hơn so với găm giữ USD.

Tuy nhiên, nếu xu hướng giảm lãi suất huy động VND hiện nay diễn ra mạnh hơn thì khoảng cách chênh lệch lãi suất huy động VND - USD giảm xuống dưới 7%/năm, có thể sẽ có sự đảo chiều, khiến cho chủ trương giảm mặt bằng lãi suất VND khó khăn hơn.

“Lãi suất VND giảm mạnh sẽ thu hẹp khoảng cách chênh lệch lãi suất VND - USD. Điều này sẽ kích thích tâm lý găm giữ ngoại tệ chờ tỷ giá tăng để kiếm lời, qua đó tác động tiêu cực đến mục tiêu chống đô la hóa nền kinh tế đang được NHNN thực thi”, TS. Hiếu nói.

Ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN chia sẻ, kỳ vọng lãi suất lên là có, nhưng tăng mạnh thì không thể, còn kỳ vọng lãi suất giảm sẽ rất khó khăn. 

Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng trong ngày 27/6 là 23.319 VND/USD và tỷ giá sàn là 21.961 VND/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN mua vào và bán ra ở mức 22.700 đồng/USD và 23.284 đồng/USD.

Giá USD tại nhiều ngân hàng thương mại ngày 26/6 tăng mạnh so với hôm trước. Cụ thể, tại nhóm các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước như Vietcombank đã tăng thêm 15 đồng/USD mỗi chiều giao dịch với giá mua - bán USD ở mức 22.905 - 22.975 VND/USD. VietinBank niêm yết tỷ giá ở mức 22.913 - 22.986 VND/USD, tăng thêm 16 đồng/USD. Tại BIDV, tỷ giá được niêm yết ở mức 22.915 - 22.985 VND/USD, tăng thêm 20 đồng/USD.

Ở khối các ngân hàng thương mại cổ phần, Eximbank niêm yết giá mua - bán USD ở mức 22.900 - 22.990 VND/USD, tăng 40 đồng/USD. Tương tự, tỷ giá tại ACB là 22.910 - 22.990 VND/USD, tăng 30 đồng/USD; tại Dong A Bank là 22.910 - 22.990 VND/USD, tăng 40 đồng/USD.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục