Tỷ giá tăng, có đáng lo?

(ĐTCK) Trong số những nguyên nhân dẫn tới biến động tỷ giá USD, một yếu tố khiến các ngân hàng cho rằng không có gì đáng ngại khi cán cân cung - cầu vẫn khá ổn định, tại thị trường tự do, nhu cầu mua - bán của người dân vẫn diễn ra bình thường.
Cầu ngoại tệ thường tăng lên vào những tháng cuối năm, phục vụ hoạt động nhập khẩu hàng hóa dịp Lễ, Tết. Cầu ngoại tệ thường tăng lên vào những tháng cuối năm, phục vụ hoạt động nhập khẩu hàng hóa dịp Lễ, Tết.

Trong 2 - 3 ngày trở lại đây, tỷ giá USD/VND giao dịch tại các ngân hàng bất ngờ tăng mạnh hơn 300 đồng, bỏ qua ngưỡng 16.500 đồng/USD được duy trì ổn định suốt vài tháng qua. Liên thông với những sự kiện như khủng hoảng kinh tế thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, nhà ĐTNN tăng bán chứng khoán…, không ít người lo ngại một đợt sốt USD nữa như hồi tháng 6 lại xảy ra. Tuy nhiên, ghi nhận từ các ngân hàng và chuyên gia kinh tế cho thấy, cung - cầu ngoại tệ, yếu tố tác động mạnh nhất đến tỷ giá vẫn ổn định và từ nay đến cuối năm khó có đột biến xảy ra.

Sáng 20/10, tỷ giá USD/VND tại Vietcombank nhích lên 16.670 đồng/USD (bán ra); sáng 21/10, khi các quyết định nới lỏng tiền tệ có hiệu lực, tỷ giá tăng mạnh hơn, lên 16.830 đồng /USD và 2 ngày sau duy trì ở mức 16.850 đồng/USD. Trong khi đó, tỷ giá liên ngân hàng do NHNN công bố vẫn ổn định so với trước, dao động trong khoảng 16.519 - 16.521 đồng/USD. Tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại, theo quy định, không vượt quá (hoặc thấp hơn) 2% so với tỷ giá liên ngân hàng, những biến động trên vẫn trong giới hạn cho phép, tuy nhiên mức điều chỉnh chạm trần là một diễn biến mới so với ngưỡng chạm sàn duy trì suốt 2 hai tháng qua. Trên thị trường tự do, USD có lúc được các cửa hàng bán trên ngưỡng 17.000 đồng/USD, tuy nhiên ngày 23/10 đã giảm trở lại còn 16.920 đồng/USD.

Nguyên nhân nào khiến tỷ giá biến động mạnh trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước đang có những chuyển biến tích cực, lượng vốn ngoại tệ tại các ngân hàng khá dồi dào, thậm chí thừa cục bộ? Theo ông Phan Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Tiên Phong, cầu ngoại tệ có tăng trong mấy ngày gần đây do một số doanh nghiệp đến kỳ thanh toán (thường tuần thứ 3 của tháng, cầu ngoại tệ tăng mạnh hơn), ngoài ra một số ngân hàng nước ngoài có nhu cầu mua ngoại tệ nhiều hơn, có thể là nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển tiền Việt sang USD của nhà ĐTNN sau khi bán trái phiếu. Mặt khác, xu hướng chung trên thế giới là đồng USD đang tăng giá, các đồng tiền châu Á như won (Hàn Quốc), rupiah (Indonesia) trong hơn tuần trở lại đây đã mất giá mạnh so với USD, do vậy VND không thể là ngoại lệ.

Một cán bộ phụ trách kinh doanh vốn của BIDV cho rằng, tác động chính đến tỷ giá là động thái nhà ĐTNN bán trái phiếu tạo ra nguồn cầu về USD lớn, nếu loại trừ yếu tố này, tỷ giá có khả năng vẫn ổn định ở ngưỡng 16.600 - 16.700 đồng/USD. Cũng có ý kiến cho rằng, diễn biến tỷ giá trong những ngày gần đây được xem như phản ứng của thị trường sau hàng loạt quyết định của NHNN làm lãi suất VND giảm, thu hẹp khoảng cách so với lãi suất USD.

Ghi nhận tại một ngân hàng nước ngoài, hiện đang là một trong những ngân hàng lưu ký cho các nhà ĐTNN mở tài khoản kinh doanh chứng khoán tại Việt Nam cho thấy, nhu cầu USD tăng cao hơn là có thực. Lý do là trong nước có một số doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu cũng như hàng hóa khác cho mùa cao điểm cuối năm có nhu cầu thanh toán trùng nhau. Một diễn biến khác là thị trường thế giới có vấn đề, một số nhà ĐTNN rút vốn về  trang trải cho nhu cầu của họ ở nước ngoài. Bên cạnh đó là tâm lý của ngân hàng thương mại trong nước do tỷ giá tăng nhanh nên không còn mặn mà bán USD ra.

Nhận xét về biến động tỷ giá, ông Võ Trí Thành, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, yếu tố liên quan đến xuất nhập khẩu, nhập siêu trong những tháng gần đây, đặc biệt là trong tháng 9, tháng 10 đã được kiềm chế ở mức thấp. Lạm phát cũng đã có những chuyển biến tích cực, tác động của hai yếu tố quan trọng này đến tỷ giá như hồi cơn sốt tháng 5, tháng 6 là không thể có. Tuy nhiên, do các đầu mối thanh toán đang chủ động đón trước cầu ngoại tệ thường tăng lên vào những tháng cuối năm, phục vụ hoạt động nhập khẩu hàng hóa, trong khi giá hàng Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản, gần đây có dấu hiệu giảm dẫn tới khả năng giá trị xuất khẩu bị ảnh hưởng, có thể diễn biến này tác động tới cung ngoại tệ.

Theo ông Thành, một yếu tố nữa là diễn biến của cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới sẽ có tác động nhất định đến luồng vốn đầu tư nước ngoài (trực tiếp và gián tiếp) vào Việt Nam trong năm 2009 tạo ra lo ngại luồng USD vào Việt Nam ít đi. Bên cạnh đó, xu hướng USD lên giá đã được khẳng định khá rõ ràng không chỉ ở Việt Nam .

Trong số những nguyên nhân dẫn tới biến động tỷ giá USD, một yếu tố khiến các ngân hàng cho rằng không có gì đáng ngại khi cán cân cung - cầu vẫn khá ổn định, tại thị trường tự do, nhu cầu mua - bán của người dân vẫn diễn ra bình thường. "Kinh tế vĩ mô không có gì bất ổn, doanh số mua - bán vẫn tương đối ổn định, tôi cho là không có gì đáng lo ngại, tỷ giá trong vài ngày qua chỉ là những biến động nhất thời", ông Phan Thanh Sơn nhận định.

Nhìn nhận về xu hướng tỷ giá từ nay đến cuối năm, đại diện các ngân hàng chia sẻ, sức ép giảm giá tiền đồng so với USD hay môi trường kinh tế có những rủi ro làm tiền đồng biến động không nhiều, nguồn kiều hối về nước vẫn khá ổn định, vì thế nhiều khả năng tỷ giá duy trì ở mức 16.700 - 16.900 đồng/USD, thậm chí ngay cả khi chính sách của Nhà nước là để VND mất giá nhẹ so với USD nhằm hỗ trợ xuất khẩu, giảm nhập khẩu và tỷ giá vọt lên mức 17.100 - 17.200 đồng/USD thì mức tăng 3% như vậy cũng không gây xáo trộn mạnh.          

Thủy Nguyễn

 

 Ý kiến chuyên gia

Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank:

Tỷ giá tăng nhẹ trong những ngày gần đây và các ngân hàng thương mại niêm yết tỷ giá nhích lên vì cầu trên thị trường đang tìm đến cung. Cầu tăng, chúng tôi tăng giá mua sát giá trần cũng là bình thường. Nhiều người còn đặt câu hỏi: tại sao Vietcombank đã rút ngoại tệ từ nước ngoài về, nhưng lại tăng giá mua USD trên thị trường nội địa? Tuy nhiên, tôi khẳng định, việc tỷ giá tăng nhẹ trong những ngày gần đây chủ yếu mang tính tâm lý. Thứ nhất, nhiều người nghĩ rằng, lãi suất cơ bản giảm sẽ làm đồng Việt Nam mất giá, nên chuyển hướng sang nắm giữ USD. Thứ hai, trên thị trường đang xuất hiện tin đồn có một số nhà đầu tư nước ngoài (trong đó có cả tổ chức) hoạt động khó khăn do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ, nên thu bớt một phần vốn đầu tư tại Việt Nam về nước. Thứ ba, một số người đang lợi dụng cơ hội nhằm đẩy giá lên kiếm lời.

Còn việc Vietcombank rút về ngoại tệ, nhưng lại tăng nhẹ giá mua USD là vì khoản này Ngân hàng không thể bán ra. Đây là khoản vốn Vietcombank phải bảo toàn. Vì vậy, tôi cho rằng, người tiêu dùng nên thận trọng trước diễn biến của tỷ giá hối đoái hiện nay. Theo tôi, lúc này nắm giữ tiền đồng vẫn được xem là giải pháp khôn ngoan, vì lãi suất tiền đồng hiện cao gấp 3 lần so với lãi suất tiết kiệm bằng USD. Mặt khác, theo dự đoán của tôi, từ nay đến cuối năm tỷ giá sẽ không biến động mạnh. Có thể tỷ giá nhích nhẹ để hỗ trợ phần nào cho các nhà xuất khẩu, nhưng chắc chắn NHNN sẽ có biện pháp điều hành, không để tỷ giá tăng đột biến, vì cung ngoại tệ đang dồi dào.

 

Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN - Chi nhánh TP. HCM:

Tỷ giá hối đoái tăng nhẹ trong những ngày gần đây hoàn toàn do yếu tố tâm lý chi phối, trong đó không loại trừ việc đầu cơ gom hàng nhằm đẩy giá lên để kiếm lời. Do đó, người tiêu dùng nên thận trọng để tránh mắc bẫy của các "cò" trên thị trường chợ đen. NHNN không thể để thiếu ngoại tệ và sẽ có biện pháp điều hành linh hoạt nhằm ổn định thị trường. Tỷ giá hối đoái từ nay đến cuối năm sẽ ổn định, nên không lý do gì để nắm giữ USD, trong khi lãi suất tiền đồng đang cao hơn 3 lần so với lãi suất tiền gửi ngoại tệ như hiện nay.

 

Ông Đào Hồng Châu, Phó tổng giám đốc Eximbank:

Nhu cầu vốn ngoại tệ của DN có tăng từ 2 tháng trước, khi lãi suất đầu ra bằng tiền đồng còn ở mức khá cao. Nhiều ngân hàng đã tung ra chương trình tài trợ DN xuất nhập khẩu bằng tiền đồng theo lãi suất USD, nhằm giảm bớt áp lực lãi suất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong những ngày qua, khi tỷ giá hối đoái biến động nhẹ, nhiều DN bắt đầu tỏ ra e ngại, vì sợ rủi ro về tỷ giá như những tháng đầu năm. Trong khi đó, huy động vốn bằng ngoại tệ vẫn ổn định. Hiện các quầy thu đổi ngoại tệ của Eximbank trên thị trường tự do giao dịch bình thường, chưa có hiện tượng đột biến. Theo tôi, tỷ giá hối đoái nhích nhẹ trong những ngày qua là do cung - cầu.

 

Bà Mai Thị Bích Phượng, Giám đốc quan hệ Phòng Đầu tư Tổ chức, CTCK EPS:

Giá USD nhích lên so với VND khiến không ít nhà đầu tư phải quan tâm. Tuy nhiên, khác với nhà đầu tư nhỏ lẻ, giới chuyên nghiệp chờ lúc giá lên để chốt lời bán ra. Trên thị trường tự do, giao dịch USD chưa có nhiều biến động. Nhưng trước hiện tượng này đã thu hút được nhiều người quan tâm, vì hiện các công cụ đầu tư khác đang rơi vào trạng thái điều chỉnh: chứng khoán giảm, vàng tụt về sát mức 16,5 triệu đồng/lượng, lãi suất tiền đồng không còn hấp dẫn như trước.

 

Vân Linh thực hiện.

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,250.46 1.83 0.15% 233,085 tỷ
HNX 234.52 1.56 0.66% 2,523 tỷ
UPCOM 91.57 0.47 0.51% 880 tỷ