Theo báo cáo của Ngân hàng Citi, trong giai đoạn 2004 - 2006, VND mất giá (tỷ giá VND/USD tăng) đều đặn ở mức 0,8 - 0,9%/năm, nhưng 2 tháng đầu năm nay, đồng Việt Nam đã đảo chiều và tăng giá, khiến tỷ giá giảm khoảng 0,3%. Xu hướng tăng giá nội tệ đã được chặn lại vào những tháng tiếp đó, nhưng trong 3 tháng gần đây, đồng Việt Nam đã tăng giá trở lại, khoảng 0,6% so với USD.
Tỷ giá đến thời điểm hiện tại là 16.138 đồng/USD, dù vẫn thấp hơn so với tỷ giá hồi giữa tháng 1/2007 (16.142 đồng/USD), nhưng đã cao hơn khá nhiều so với mức 16.060 đồng/USD vào giữa tháng 2/2007.
Việc mua ngoại tệ vào của NHNN với khối lượng lớn trong thời gian qua đã làm giảm nguồn cung ngoại tệ trên thị trường và điều này được coi là nguyên nhân của việc kéo tỷ giá tăng trở lại. NHNN khẳng định, sẽ tiếp tục mua ngoại tệ vào nhằm tăng dự trữ ngoại tệ và đảm bảo cho tỷ giá diễn biến theo đúng kế hoạch của năm nay, tức là tăng khoảng 1%.
Chính vì vậy, theo các báo cáo của Ngân hàng Citi, HSBC, Standard Chartered..., trong thời gian ngắn tới đây, tỷ giá giữa VND và USD vẫn tiếp tục tăng nhẹ. Nhưng mức thặng dư cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam tiếp tục lớn, bởi các nguồn vốn đổ vào từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kiều hối và đầu tư gián tiếp..., sẽ lại tạo sức ép tăng giá lên đồng nội tệ, thay vì giảm giá trong ngắn hạn như hiện nay.
Trước sức ép trên, mong muốn đưa một cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn theo hướng nới lỏng hơn của NHNN sẽ gặp thách thức lớn khi thiếu công cụ phòng vệ và kinh nghiệm trong nghiệp vụ này. Việc để một biên độ biến động tỷ giá rộng hơn nữa so với mức 0,5% hiện nay (biên độ này là khung dao động tỷ giá mà các ngân hàng thương mại được phép áp dụng so với tỷ giá liên ngân hàng mà NHNN công bố hàng ngày) khiến tỷ giá có thể biến động mạnh hơn, cho dù điều này giúp tỷ giá giao dịch của các ngân hàng thương mại linh hoạt hơn, phản ánh đúng hơn diễn biến tỷ giá trên thị trường.
Đối với sự can thiệp vào tỷ giá hiện tại, có một vấn đề mà nhiều chuyên gia tài chính tỏ ra quan ngại, đó là việc mua vào lượng ngoại tệ quá lớn dẫn đến cung tiền tăng cao, trong điều kiện các công cụ tác động vào thị trường tiền tệ còn yếu, sẽ gây khó khăn cho NHNN trong mục tiêu kiểm soát lạm phát. Trên thực tế, với việc mua vào một lượng ngoại tệ lớn trong 6 tháng đầu năm, NHNN cũng đã phải đưa ra một lượng nội tệ lớn tương ứng.
Điều này không phải bây giờ mới được đề cập, mà các báo cáo của các tổ chức lớn như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ngay từ nửa đầu năm, đã lên tiếng cảnh báo về tác động của vốn ngoại trong điều hành chính sách tiền tệ. Thậm chí, WB còn khẳng định rằng, dòng vốn đầu tư đang thách thức chính sách tiền tệ.
Việc vừa phải tung tiền ra để mua ngoại tệ tăng dự trữ trong điều kiện thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt để kiểm soát lạm phát là 2 hành động ngược chiều nhau. Chính vì vậy, các giải pháp chính sách cần được đưa ra hết sức thận trọng mới có thể đạt được cả 2 mục tiêu. Mới đây nhất, NHNN đã nâng tỉ lệ dự trữ bắt buộc lên 10%, cũng nhằm thực hiện mục tiêu thắt chặt tiền tệ và thu ngược tiền về ngân hàng. Tuy nhiên, hiệu quả thế nào thì cần vài tháng tới mới có thể thẩm định được, bởi độ trễ của chính sách.