Tỷ giá không ổn định sau Tết Nguyên đán
Trong tháng đầu năm 2014, trước Tết Nguyên đán, thị trường ngoại hối tiếp tục duy trì đà ổn định. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng được NHNN giữ nguyên ở mức 21.036 và mua vào ngoại tệ tại mức 21.100. Sau năm 2013 đạt mức cân bằng về cán cân thương mại, theo Tổng cục Hải quan, tháng 1/2014 dự kiến xuất siêu nhẹ khoảng 80 triệu USD. Bên cạnh các dòng ngoại tệ khác khá ổn định như FDI, ODA và thời điểm đầu năm thường là mùa cao điểm của kiều hối, TTCK cũng ghi nhận mức độ mua ròng khá lớn của khối ngoại với khoảng 54 triệu USD.
Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tăng mạnh trong tháng 1/2014 khiến chênh lệch lãi suất USD, VND bình quân được nới rộng lên khoảng 4 - 4,1%/năm so với mức 2,7 - 2,8%/năm của tháng 12/2013. Tỷ giá USD/VND dao động trong biên độ 21.080 - 21.102, trong đó phần lớn thời gian đi ngang quanh tỷ giá mua vào của NHNN trước khi giảm khá nhanh trong tuần giáp Tết về quanh mức 21.080. Do vậy, các NHTM đã chủ động đẩy mạnh trạng thái âm duy trì, bổ sung nguồn cung khá lớn đối với thị trường, giúp dự trữ ngoại hối quốc gia tiếp tục được tăng lên.
Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán, tỷ giá đã không giữ được đà ổn định mà tăng nhẹ. Tỷ giá ngoại tệ ngày 11/2/2014 được Vietcombank công bố mua vào 21.085 đồng/USD, bán ra 21.135 đồng/USD, tăng thêm 5 đồng so với ngày 10/2/2014 với giá mua vào – bán ra là 21.080 - 21.130 đồng/USD. BIDV và Agribank vẫn giữ mức giá mua - bán USD như ngày hôm trước, tương ứng là 21.085/21.130 đồng/USD và 21.070/21.125 đồng/USD. Còn VietinBank, giá mua vào được giữ nguyên trong khi giá bán ra giảm xuống 5 đồng là 21.075/21.125 đồng/USD.
NHNN công bố tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của đồng Việt Nam với đô la Mỹ, áp dụng cho ngày 11/2/2014 vẫn là 21.036. Tỷ giá trên thị trường tự do phổ biến ở mức 21.210 mua vào và 21.230 bán ra, nhưng vẫn đang trong biên độ giới hạn bởi NHNN. Đặc biệt, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục giảm. Lãi suất qua đêm và kỳ hạn 1 tuần ngày 10/2 lần lượt là 3,48%/năm và 3,90%/năm (giảm lần lượt 0,32% và 0,53% so với ngày 7/2). Lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng lần lượt là 4,85%/năm và 5,58%/năm (giảm lần lượt 0,2% và 0,22% so với ngày 7/2).
Nguyên nhân tỷ giá dao động
Nhận định về việc tỷ giá tăng, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho rằng, khó có khả năng có biến động mạnh về tỷ giá.
Giám đốc kinh doanh tiền tệ một ngân hàng phân tích, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục giảm thể hiện tiền đồng đang dư. Tuy nhiên, tỷ giá nhích lên cũng mới dao động trong khoảng hẹp, chỉ từ 5 đến 10 đồng, nên chưa nói lên được nhiều điều. Những biến động nếu có phải dựa trên một nhu cầu thực, trong khi vấn đề cơ bản là nhu cầu của nền kinh tế đang vận động rất chậm. Chưa bao giờ tháng trước và cả sau Tết nhu cầu lại chậm đến như vậy, nên chắc sẽ không có biến động mạnh về tỷ giá.
“Mặc dù các DN đã hoạt động trở lại, nhưng để có một kế hoạch cụ thể cho kinh doanh, tôi nghĩ chắc phải 1 - 2 tuần nữa. Đây cũng là thời gian cần có để xem biến động dòng tiền của các quỹ đầu tư nước ngoài, khi có thông tin về việc rút vốn của các quỹ này tại các thị trường mới nổi, dù Việt Nam không bị tác động nhiều, vì nguồn đầu tư vẫn còn hạn chế”, vị Giám đốc trên nói.
“Trước Tết Nguyên đán, một vài ngân hàng có chút khó khăn về thanh khoản khiến lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tăng nhẹ. Một vài ngân hàng có tiềm lực tốt đã bán ngoại tệ để hưởng chênh lệch lãi suất tiền đồng. Sau Tết, cùng với việc bù lại trạng thái âm và huy động vốn tăng khá mạnh, ngân hàng có biểu hiện dư thanh khoản, nên việc mua vào ngoại tệ cũng là điều bình thường”, Tổng giám đốc một NHTM nhận định.
Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc phụ trách nguồn vốn của VIB cũng cho rằng, không có yếu tố nào khiến tỷ giá có biến động, tỷ giá dao động nhỏ trong 5 đến 10 đồng cũng chỉ là theo cung cầu hàng ngày.
Tỷ giá ổn định trong năm 2014
Trong Bản tin lãi suất - tỷ giá của Ban Kinh doanh vốn & tiền tệ BIDV công bố cuối tháng 1/2014 nhận định, tỷ giá USD/VND trong tháng 2/2014 dự báo giao dịch trong biên độ 21.100 - 21.150. Chính sách tỷ giá nhiều khả năng sẽ được NHNN giữ nguyên khi nguồn cung trên thị trường dồi dào và NHNN tiếp tục mua vào ngoại tệ để bổ sung dự trữ ngoại hối.
Cán cân thanh toán tổng thể tiếp tục hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá khi nguồn cung nhiều khả năng vẫn vượt trội so với nhu cầu, mặc dù các dòng vốn ngoại tệ ra - vào trong nước sẽ chịu ảnh hưởng bởi yếu tố thời vụ khi Tết Nguyên đán rơi vào tháng 2 và kỳ nghỉ lễ khá dài ngày. Dù kim ngạch xuất nhập khẩu có xu hướng giảm mạnh, đầu tư trực tiếp nước ngoài và hỗ trợ phát triển chính thức khá khiêm tốn, nhưng kiều hối dự báo duy trì tốt.
Bên cạnh đó, lãi suất VND liên ngân hàng thường có xu hướng giảm trở lại sau kỳ nghỉ lễ, dự báo dao động quanh biên độ 3 - 4%/năm kỳ hạn qua đêm, 1 tuần. Lãi suất VND giảm khiến chênh lệch lãi suất so với USD thu hẹp và các NHTM tạm thời sẽ chưa mở rộng thêm trạng thái âm duy trì. Với tâm lý thị trường lạc quan, các cá nhân, tổ chức kinh tế có thể tiếp tục bán ra ngoại tệ.
“Do vậy, thị trường ngoại hối tháng 2 được dự báo sẽ chưa có nhiều thay đổi so với tháng trước khi các yếu tố hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá nhìn chung đều duy trì tốt”, Bản tin của BIDV dự báo.
“Trong năm 2014, tỷ giá vẫn tiếp tục ổn định, bởi đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng; cán cân thanh toán tốt lên rất nhiều, cung cầu đang rất cân bằng”, ông Lê Quang Trung nói, đồng thời cho rằng, việc hạn chế cho vay ngoại tệ đã làm giảm mạnh tỷ lệ đô la hóa trên thị trường, do đó, nếu có biến động tỷ giá cũng chỉ là vài đồng, chứ vài chục đồng sẽ rất khó.
Trước dự báo của HSBC về xuất khẩu Việt Nam sẽ có một năm tăng mạnh nữa khiến nhiều luồng ý kiến cho rằng đồng Việt Nam sẽ phá giá để hỗ trợ xuất khẩu, một chuyên gia kinh tế phân tích: Việt Nam là một nền kinh tế nhập siêu, vừa phải nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, vừa phải nhập khẩu công nghệ cũng như các mặt hàng làm nguyên liệu cho đầu vào các hoạt động sản xuất trong nước. Trong bối cảnh công nghệ phụ trợ còn yếu kém, chưa phát triển, thì phần lớn các mặt hàng nhập khẩu là phục vụ cho hoạt động xuất khẩu, nên có thể nhận thấy, việc phá giá đồng Việt Nam sẽ có tác động hai chiều tới nền kinh tế trong nước.
“Việc phá giá đồng Việt Nam có tác động khuyến khích hoạt động xuất khẩu của nền kinh tế, tuy nhiên, cũng tác động trực tiếp và tiêu cực tới chỉ số giá nhập khẩu, sản xuất, góp phần làm gia tăng chỉ số giá tiêu dùng trong nước”, vị chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.
Tuy nhiên, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương cuối tháng 12 vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã cho biết, năm 2014, tỷ giá sẽ điều chỉnh linh hoạt hơn, một mặt làm sao hỗ trợ cho xuất khẩu, nhưng vẫn đảm bảo cân đối vĩ mô nói chung và mức điều chỉnh không quá 2%.