Tỷ giá lại gây khó cho doanh nghiệp

(ĐTCK-online) Lãi suất cho vay vừa giảm nhẹ thì các doanh nghiệp lại phải chiến đấu với việc tỷ giá tăng liên tục trong một tháng qua.

Tỷ giá liên ngân hàng đã có tới 11 lần tăng trong thời gian này. Song đáng chú ý là mức tăng luỹ kế của tỷ giá liên ngân hàng vẫn không thấm tháp gì so với mức tăng của tỷ giá trên thị trường tự do. Tính đến ngày 25/10, tỷ giá trên thị trường tự do đã bỏ xa trần tỷ giá tới hơn 800 đồng/USD. Thông thường, tỷ giá trên thị trường tự do mới phản ánh sát thực nhu cầu ngoại tệ trên thị trường. Theo đó, tỷ giá thực mà các ngân hàng áp dụng cho các giao dịch ngoại tệ có thể gần với tỷ giá tự do hơn là tỷ giá trần mà họ niêm yết.

Phân tích nguyên nhân tăng tỷ giá, một số chuyên gia cho rằng, nó có thể là việc một nhóm ngân hàng và Công ty Vàng bạc đá quý SJC phải mua USD để chuẩn bị ngoại tệ đáp ứng nhu cầu nhập khẩu vàng, bù vào lượng vàng đã bán theo chương trình bình ổn giá trong nước.

Tuy nhiên, không chỉ có vậy, theo một số doanh nghiệp, có hiện tượng đầu cơ ngoại tệ khi có ngân hàng cổ phần cũng tham gia mua gom, khiến ngoại tệ đã thiếu lại càng trở nên khan hiếm.

Động thái mua gom này xuất phát từ dự báo sức cầu ngoại tệ sẽ tăng cao vào cuối năm, thời điểm đáo hạn nhiều khoản vay ngoại tệ. Nhu cầu mua USD để nhập khẩu vàng cũng góp phần làm cho nguồn cầu ngoại tệ trong tương lai tăng mạnh. Chính những yếu tố này làm cho tỷ giá USD nhanh chóng tăng cao.

Và một khi tỷ giá tăng thì sức ép lên lạm phát vẫn còn.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, hầu hết doanh nghiệp không tỏ ra quá lạc quan trước những tín hiệu lạm phát hạ nhiệt, vì hơn ai hết, họ là đối tượng đầu tiên nhìn thấy giá cả hàng hóa có thể lại tăng do giá nguyên vật liệu nhập khẩu sẽ tăng theo tỷ giá. Dễ cảm nhận được tác động này nhất là các doanh nghiệp ngành thép, chăn nuôi, phân bón, nhựa...

Hiện nay, do sức mua trên thị trường yếu nên doanh nghiệp chưa thể bán hàng, chi phí tỷ giá sẽ ăn vào lợi nhuận. Trong thời gian dài hơn, khi chi phí cho tỷ giá được chuyển vào giá bán, tất yếu sẽ tác động đến lạm phát.

Như vậy, trong quý IV này, lãi suất vừa dễ thở hơn với doanh nghiệp thì gánh nặng tỷ giá đã dồn xuống. Đáng chú ý, ở thời điểm này, dù lãi suất đã giảm hơn nhưng nhu cầu tiêu thụ của thị trường tiếp tục suy giảm, nên doanh nghiệp hạn chế vay mượn. Lãi suất giảm chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí vốn vay chứ chưa đủ tác động kích thích thị trường tiêu thụ, giúp doanh nghiệp tăng sản lượng

bán hàng.

Nếu tỷ giá chính thức không được giữ ổn định như cam kết của Ngân hàng Nhà nước và quan trọng hơn là cơ quan này phải can thiệp để bình ổn được tỷ giá trên thị trường tự do thì cả trước mắt và lâu dài, các doanh nghiệp sẽ còn gặp khó khăn. Trước mắt là chi phí nguyên vật liệu tăng và dài hạn là chi phí vốn tăng.

Phong Lan
Phong Lan

Tin cùng chuyên mục