Áp lực từ bên ngoài nhạt dần
Có thể thấy, tỷ giá USD/VND trong năm 2018 chịu áp lực lớn nhất từ động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Cụ thể, cơ quan này đã có tới 4 lần tăng lãi suất trong năm 2018, hiện đang ở mức 2,25 - 2,5%/năm, khiến USD mạnh lên và tương ứng, nhiều đồng tiền chủ chốt nằm trong rổ tiền tệ tính tỷ giá trung tâm mất giá từ 3 - 10% so với USD. Điều này đã tạo sức ép lên tỷ giá USD/VND, tỷ giá trung tâm và tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng, thị trường tự do đều tăng cao.
Tuy nhiên, nhờ kiều hối về Việt Nam của năm 2018 đạt mức kỷ lục là 16 tỷ USD, cán cân thương mại cũng thặng dư kỷ lục 6,8 tỷ USD, vốn FDI giải ngân đạt tới 19,1 tỷ USD, làm cho thanh khoản USD trên thị trường ổn định, giảm áp lực lên tỷ giá. Tỷ giá USD/VND có xu hướng giảm trong thời gian cận Tết và sau đó nhanh chóng ổn định trở lại.
TS. Bùi Quang Tín
Các dự báo đưa ra, tỷ giá năm nay sẽ ổn định và có điều kiện giảm. Bởi lẽ, các yếu tố hỗ trợ tích cực cho tỷ giá như kiều hối, thặng dư thương mại và giải ngân vốn FDI… được nhận định sẽ tiếp tục duy trì đà tăng. Đáng nói nhất là yếu tố có khả năng tác động mạnh nhất đến tỷ giá là Fed tăng lãi suất lại đang chững lại.
Sau cuộc họp tháng 3/2019, tín hiệu phát ra từ Ngân hàng Trung ương Mỹ là cơ quan này sẽ hạn chế việc tăng lãi suất USD. Chỉ số USD-Index thời gian qua giảm 1,5% và các ngoại tệ khác tăng giá so với USD… cho thấy xu hướng USD giảm giá.
Cuối năm 2018, Fed từng đưa ra lộ trình tăng lãi suất 2 lần trong năm 2019. Tuy nhiên, sau cuộc họp ngày 20/3/2019, Fed chấm dứt chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ đã kéo dài 3 năm qua bằng cách tuyên bố không nâng lãi suất trong năm 2019, trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu của sự giảm tốc kinh tế Mỹ. Ngoài ra, Fed cũng tuyên bố sẽ dừng việc bán ra tài sản vào tháng 9/2019.
Chủ tịch Fed - Jerome Powell cho biết, sẽ giữ lãi suất ổn định trong một khoảng thời gian vì kinh tế tăng trưởng chậm và áp lực lạm phát giảm. Với việc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát, các nhà hoạch định chính sách của Fed dự đoán lãi suất liên bang sẽ ổn định trong khoảng 2,25 - 2,5%, ít nhất là trong suốt năm 2019. Lãi suất được cho là sẽ đạt đỉnh 2,6%/năm vào một thời điểm nào đó trong năm 2020.
Việc Fed kết thúc thời kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ từ năm 2019 diễn ra sớm hơn so với dự kiến ban đầu mà cơ quan này đưa ra vào cuối năm 2015. Chính điều này sẽ tác động tiêu cực lên sức khỏe của đồng bạc xanh thời gian tới.
Ngoài câu chuyện tăng lãi suất của Fed thì một diễn biến có ảnh hưởng rất lớn tới tỷ giá trong năm qua là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Rất có thể sau đình chiến 90 ngày kể từ cuối năm 2018, cuộc chiến này sẽ tiếp tục leo thang. Khi ấy, Trung Quốc không thể dùng đòn thương mại với Mỹ mà ngược lại, họ sẽ phải sử dụng chính sách tiền tệ. Đó là phá giá đồng Nhân dân tệ để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu. Có thể thấy, 3 tháng vừa qua, đồng Nhân dân tệ mất giá gần 10%. Giá trị VND theo đó được dự báo tăng khoảng 1,5 - 2% trong năm nay. Tỷ giá USD/VND từ đó có chiều hướng giảm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh.
Dự trữ ngoại hối tiếp tục cải thiện
Theo thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tổng vốn huy động bằng ngoại tệ trong năm qua tăng 17%, qua đó, đưa nguồn vốn ngoại tệ chiếm 9,9% tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng. Diễn biến này tạo điều kiện để tỷ giá tiếp tục ổn định và đi xuống không chỉ thời điểm cuối năm 2018, mà đây cũng là xu hướng chung của tỷ giá USD/VND trong năm 2019.
Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước (FDI) ngoài trong quý I/2019 đạt mức kỷ lục; nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) tăng mạnh; nguồn tiền thu được khoảng 265 triệu USD do
Vietcombank phát hành riêng lẻ cổ phiếu mới cho 2 nhà đầu tư nước ngoài hồi đầu năm nay… góp phần tăng cung ngoại tệ lớn cho hệ thống ngân hàng. Tình trạng găm giữ ngoại tệ đã không diễn ra do tỷ giá ổn định.
Ngoại tệ từ nhiều nguồn đang chảy vào ngân hàng
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục mua ròng ngoại tệ trong quý đầu năm. Trước đó, thông tin từ Chính phủ cho biết, trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2019, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào khoảng 4 tỷ USD, nâng quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia lên khoảng 63 tỷ USD.
Từ sau Tết đến nay, tính toán từ một số thành viên lớn tham gia thị trường liên ngân hàng, ước tính, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua ròng thêm khoảng 2,5 tỷ USD và nâng dự trữ ngoại hối quốc gia lên mức kỷ lục mới, nhiều khả năng vượt mốc 65 tỷ USD vào cuối quý I/2019. Với quy mô trên, ước tính quy mô dự trữ ngoại hối Việt Nam tăng khoảng gấp đôi trong ba năm qua, cải thiện rõ nét một nguồn lực chủ động của quốc gia.
Tính toán trên đi cùng với diễn biến của tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng, với nhiều thời điểm mức giá USD giao dịch giữa các thành viên trên thị trường này xuyên thủng ngưỡng 23.200 đồng/USD - mức giá mua vào của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước. Quy mô mua vào lượng ngoại tệ nói trên trên cũng gấp nhiều lần so với mức thặng dư thương mại của Việt Nam đạt được trong quý đầu năm nay.
Điều này cho thấy, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thành công trong định hướng chuyển hóa và kích thích nguồn lực ngoại tệ trong dân cư và nền kinh tế, thay vì bị găm giữ thường thấy trong nhiều năm trước. Chính nguồn lực dự trữ ngoại hối tăng mạnh như trên đang tiếp tục củng cố vị thế đối ngoại của Việt Nam, tỷ giá ổn định.
Nguồn lực dự trữ ngoại hối cải thiện một mặt tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước chủ động hơn trong điều hành chính sách và thực hiện mục tiêu ổn định tỷ giá, mặt khác góp phần củng cố niềm tin và thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp và gián tiếp.