Tỷ giá không biến động lớn

(ĐTCK-online) Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thay đổi lại mục tiêu kiềm chế mức biến động tỷ giá xuống mức 0,5% trong năm 2007, thay vì mức dự kiến 1% của kế hoạch đầu năm đã khiến một số tổ chức tài chính lớn thay đổi lại dự đoán của họ về tỷ giá giữa VND/USD. Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng ANZ, tỷ giá đến tháng 12/2007 sẽ ở mức 16.136 đồng/USD, và với sự tác động của nhiều yếu tố khác thì tỷ giá đến cuối năm 2008 cũng chỉ ở mức 16.221 đồng/USD.
Tỷ giá không biến động lớn

Vẫn lên giá nhẹ

Với xu hướng chung của các nước trong khu vực là đồng nội tệ lên giá, thì sau khi Việt Nam gia nhập WTO, tự do hóa giao dịch vãng lai và dần tự do hóa các giao dịch vốn, các dự báo về Việt Nam cũng tương tự đó là đồng Việt Nam sẽ lên giá so với ngoại tệ. Thực tế cũng chứng minh xu hướng này, bởi luồng ngoại tệ vào Việt Nam từ năm ngoái, đặc biệt là vốn gián tiếp đã tạo sức ép rất lớn lên đồng nội tệ theo hướng tăng giá.

Điều này “tưởng chừng” đã xảy ra trong những tháng đầu năm nay khi đồng Việt Nam lên giá 0,3% (tỷ giá giảm) so với USD, mức giao dịch thực tế có lúc đã xuống dưới mức 16.000 đồng/USD. Nhưng với sự can thiệp mạnh mẽ bằng biện pháp mua vào ngoại tệ của NHNN đã khiến tỷ giá được phục hồi và tỷ giá vào tháng 8/2007 đã vượt trên mức 16.200 đồng/USD.

Nhưng kể từ đầu tháng 9/2007, khi NHNN “tạm dừng” mua vào khoảng 1 tháng đã khiến tỷ giá lại giảm trở lại và hiện tại, tỷ giá giao dịch mà các ngân hàng áp dụng chỉ ở mức khoảng 16.080 đồng/USD.

Theo ANZ, mặc dù tỷ giá đã xuống thấp so với 2 tháng trước đây, nhưng kể từ khi NHNN phục hồi việc mua vào ngoại tệ  từ giữa tháng 10, đồng thời với tuyên bố là sẽ giữ mức tăng tỷ giá trong năm nay (trong khoảng 0,5%) thì tỷ giá dự báo sẽ tăng trở lại. Tuy nhiên, theo dự đoán của ANZ, tỷ giá VND/USD đến cuối năm nay cũng chỉ ở mức 16.136 đồng/USD.

 

Giữ khó khăn

Các dòng vốn ngoại tệ đổ vào từ đầu tư trực tiếp, gián tiếp, ODA, kiều hối,… vẫn nhiều hơn cả mức nhập siêu kỷ lục năm nay đang tạo ra và duy trì sức ép nhất định về việc tăng giá đồng nội tệ.

Mặc dù vậy, về mặt chính sách, NHNN vẫn tỏ ra giữ quan điểm cần điều chỉnh giảm giá nhẹ đồng nội tệ để ổn định tiền tệ và hỗ trợ xuất khẩu. Điều này được thực hiện trong gần 4 năm qua khi tỷ giá mỗi năm chỉ tăng trong mức 1%. Kế hoạch năm nay cũng tương tự với mức giảm giá VND không quá 1%, và trên thực tế với sự can thiệp lên thị trường bằng việc mua và bán ngoại tệ khối lượng lớn đã giúp NHNN duy trì được chính sách này, cho dù trong từng thời điểm có sự biến động mạnh về tỷ giá.

Tuy nhiên, việc NHNN điều chỉnh lại mục tiêu kế hoạch mới đây là tỷ giá chỉ tăng trong mức 0,5% đã cho thấy, chính sách giảm giá đồng nội tệ đang trở nên khó khăn hơn trong điều kiện kinh tế mới.

“Mục tiêu mới (giảm giá 0,5% đồng nội tệ) là tín hiệu cho thấy, việc duy trì chính sách giảm giá đồng nội tệ của Chính phủ trở nên không bền vững trong điều kiện tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường nội địa, lạm phát cao và sự tăng mạnh của dòng vốn ngoại tệ đổ vào”, ANZ nhận định.

Trả lời ĐTCK, chuyên gia từ các ngân hàng thương mại lớn đều có chung nhận định  rằng, sau khi NHNN “nối lại” việc mua vào ngoại tệ đã khiến thị trường ngoại hối bớt căng thẳng hơn so với hồi cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua. Tuy nhiên, việc các ngân hàng thương mại vẫn giao dịch ở mức tỷ giá sàn cho phép (thấp hơn 0,5% so với tỷ giá liên ngân hàng do NHNN công bố) cho thấy, tình trạng nguồn cung ngoại tệ cho các ngân hàng vẫn rất dồi dào.

Cũng theo nhận định từ các ngân hàng nội địa, việc tăng giảm tỷ giá thời gian tới hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách của NHNN thông qua việc can thiệp mua vào nhiều hay ít ngoại tệ từ thị trường. Nhưng xét về lâu dài, nếu nguồn vốn tiếp tục đổ vào lớn làm gia tăng cán cân thanh toán ngoại tệ thì khả năng tăng giá đồng nội tệ trong trung hạn hoàn toàn có thể xảy ra.           

Trần Kiên
Trần Kiên

Tin cùng chuyên mục