Tỷ giá cuối năm là bao nhiêu?

(ĐTCK-online) Tỷ giá trên thị trường tự do đột ngột giảm xuống dưới mức 17.000 VND/USD vào giữa tuần trước đã khiến nhiều nhà đầu tư vào USD phải giật mình. Tỷ giá này thấp hơn rất nhiều so với mức đỉnh vào tháng trước là 19.500 VND/USD, câu hỏi được đặt ra là tỷ giá sẽ diễn biến như thế nào trong thời gian tới. Theo nhận định mới nhất của Nhóm nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đưa ra thì tỷ giá mức cao nhất cuối năm nay có thể đạt tới là 17.200 VND/USD.
Tỷ giá cuối năm là bao nhiêu?

Theo nhóm nghiên cứu BIDV, giá trị đối ngoại của đồng Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào mức độ thăng bằng của cán cân thương mại và cán cân thanh toán, mà hiện đang có hai kịch bản cho cán cân thanh toán Việt Nam năm 2008 (xem bảng).

Theo kịch bản 1 thì thâm hụt thương mại là 22 tỷ USD, giải ngân FDI đạt 11 tỷ USD, ODA và kiều hối đạt khoảng 10,5 tỷ USD giúp cho cán cân tổng thể thặng dư 1 tỷ USD. Còn kịch bản 2 kém lạc quan hơn, mức nhập siêu lên tới 24 tỷ USD và mức giải ngân FDI chỉ đạt 10 tỷ USD, điều này khiến cán cân thanh toán tổng thể năm 2008 âm 2 tỷ USD. Nhưng dù với kịch bản 2 thì sức ép lên dự trữ ngoại hối (20,7 tỷ USD) là không lớn.

VN-Index có thể đạt từ 500 – 550 điểm

Nhóm nghiên cứu BIDV hoạt động theo mô hình nhóm nghiên cứu độc lập, đưa ra các báo cáo riêng dựa trên sự phân tích khách quan không phản ánh quan điểm của BIDV. Bản báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam vừa qua là báo cáo đầu tiên của nhóm này, đưa đánh giá, dự báo và khuyến nghị tới nhiều mặt của nền kinh tế.

Về TTCK, nhóm nghiên cứu BIDV cho rằng, VN-Index cuối năm 2008 có thể đạt từ 500 – 550 điểm và có thể cao hơn nếu các yếu tốt kinh tế vĩ mô trở nên ổn định hơn. Những nhân tố hỗ trợ cho VN-Index bao gồm: Thị trường sẽ có thêm cổ phiếu mới có chất lượng hơn niêm yết; Công tác quản lý đang theo hướng tốt hơn; Những đánh giá về kinh tế gần đây đã theo hướng tích cực hơn trong 6 tháng cuối năm; Quỹ nước ngoài vẫn quan tâm tới thị trường này, cụ thể hàng loạt thị trường lớn tại châu Á đang rơi vào tình trạng thoái vốn ở mức độ cao, riêng TTCK Việt Nam dòng vốn đầu tư vẫn thặng dư với mức 386 triệu USD trong nửa đầu năm.

Với hai kịch bản trên, diễn biến tỷ giá cũng xảy ra theo 2 tình huống. Trường hợp thứ nhất, với nhập siêu vượt ngưỡng 20 tỷ USD, nhưng FDI giải ngân trên 10 tỷ USD, đồng thời ODA và kiều hối đạt khoảng 10,5 tỷ USD sẽ giúp cán cân thanh toán cân bằng và tỷ giá dao động trong mức 17.000 – 17.200 VND/USD. Trường hợp thứ hai lạc quan hơn khi nguồn vốn gián tiếp chảy mạnh vào TTCK như cuối năm 2007, thâm hụt thương mại được kiềm chế dưới 20 tỷ USD thì tỷ giá sẽ ở mức 16.500 – 17.000 VND/USD.

“Căn cứ vào tình hình thực tế và xu hướng trong 6 tháng cuối năm, trường hợp 1 được đánh giá là có nhiều khả năng xảy ra hơn”, Nhóm nghiên cứu BIDV nhận định.

Thâm hụt thương mại với con số rất lớn là mối lo ngại lớn nhất cho cán cân thanh toán tổng thể và diễn biến tỷ giá trong thời gian tới. Tuy nhiên, Nhóm nghiên cứu BIDV cho rằng, vai trò của hệ thống ngân hàng là rất lớn trong kiềm chế thâm hụt thương mại, đây là cơ sở để khẳng định nhập siêu trong 6 tháng cuối năm không cao hơn 6 tháng đầu năm.

Cụ thể, hệ thống ngân hàng đang hỗ trợ tốt cho xuất khẩu, lãi suất dù tăng theo mặt bằng chung, nhưng vẫn có ưu đãi nhất định với doanh nghiệp xuất khẩu. Về phía nhập khẩu, với chính sách hạn chế nhập khẩu rất gắt gao như cung ứng ngoại tệ đúng đối tượng, không mở LC nhập các mặt hàng không thiết yếu, tỷ giá đã được điều chỉnh tăng 3% so với đầu năm… là những yếu tốt kiềm chế kim ngạch nhập khẩu.

Ngoài tác động của cán cân thanh toán, tỷ giá đang chịu tác động của yếu tốt tâm lý rất lớn. Điều này thể hiện rõ ở chỗ trong 6 tháng đầu năm, số người chuyển tiền gửi tiết kiệm từ VND sang USD rất lớn, khiến tỷ lệ đô la hóa tiền gửi lên tới 24% do lo ngại tỷ giá còn tiếp tục tăng. Nhu cầu mua USD lớn khiến tỷ giá trên thị trường tự do bị đẩy lên gần 20.000 VND/USD.

Theo ông Nguyễn Mạnh, Trưởng ban nguồn vốn BIDV, việc can thiệp mạnh của NHNN đưa tỷ giá xuống dưới mức 17.000 VND/USD đã khiến nhu cầu USD giảm hẳn trong vài ngày qua. Cũng theo ông Mạnh, việc giữ tỷ giá ổn định sẽ khiến nhiều người chuyển tiết kiệm từ USD trở lại VND, giúp tăng nguồn cung USD cho thị trường và tác động ngược trở lại giúp cung cầu cân bằng và tỷ giá càng ổn định hơn.

Với những tín hiệu tốt từ các biện pháp kiềm chế nhập siêu và kiểm soát lạm phát, việc ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm có những cơ sở của nó. Tuy nhiên, theo Nhóm nghiên cứu BIDV, mức nhập siêu các tháng cuối năm thường cao hơn các tháng đầu năm. Vì vậy, nếu việc kiềm chế nhập khẩu các tháng tới không hiệu quả, nguy cơ thâm hụt thương mại lớn hơn mức dự báo 22 tỷ USD là có thể xảy ra. Khi đó, thâm hụt cán cân thanh toán có thể lớn hơn mức dự báo 2 tỷ USD và có thể gây sức ép lên tỷ giá và dự trữ ngoại hối.

Hai kịch bản về cán cân thanh toán Việt Nam 2008

Đơn vị: tỷ USD

 

2007

Dự báo 2008 – kịch bản 1

Dự báo 2008 – kịch bản 2

A. Tài khoản vãng lai

-7.1

-17.1

-19.1

Cân đối thương mại

-10.4

-22

-24

Chuyên chở, bảo hiểm, dịch vụ

-0.9

-0.9

-0.9

Chuyển lợi nhuận FDI về nước

-2.2

-2.4

-2.4

Kiều hối

6.4

8.2

8.2

B. Tài khoản vốn

17.5

18.1

17.1

FDI (giải ngân)

6.6

11

10

Vay nước ngoài

2.1

2.5

2.5

Đầu tư gián tiếp

6.2

2

2

Tiền gửi

2.6

2.6

2.6

C. Cán cân thanh toán tổng thể (A+B)

10.1

1.0

-2.0

Nguồn: BIDV  

Khánh Ngọc
Khánh Ngọc

Tin cùng chuyên mục