Tỷ giá USD/VND tăng 0,9%
Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Nguồn vốn và Ngoại hối, Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) cho biết, cuối năm 2018, tỷ giá USD/VND ở mức 23.000 và hiện nay khoảng 23.400, nghĩa là tỷ giá tăng 0,9%. Trong đó, tỷ giá USD/VND tăng gần 0,7% trong tháng 5, từ mức 23.260 ở đầu tháng lên 23.420 vào cuối tháng. Tỷ giá tăng hơn 150 điểm trong 1 tuần đầu tháng, trước khi chuyển sang mặt bằng giá mới quanh mức 23.300 - 23.430 trong khoảng thời gian còn lại của tháng 5.
Ông Trung cho rằng, biến động của tỷ giá trong tháng 5 bắt nguồn từ áp lực trên thị trường quốc tế gia tăng. Quan hệ thương mại Mỹ - Trung bất ngờ chuyển sang chiều hướng căng thẳng hơn sau khi hai bên tăng cường áp thuế lẫn nhau. Căng thẳng Mỹ - Trung leo thang đã tạo áp lực giảm giá mạnh đối với đồng nhân dân tệ (CNY) khi đồng tiền này mất giá gần 2,7% trong tháng 5. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc nên việc CNY mất giá cũng tạo áp lực lên tiền đồng.
“Những biến động bất ngờ trên thị trường quốc tế đã khiến tâm lý thị trường chuyển sang lo ngại. Tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do cũng diễn biến song song với đà tăng của tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng khi tăng tổng cộng hơn 100 điểm trong tháng 5”, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nói.
Đáng chú ý, cân đối cung - cầu ngoại tệ tổng thể duy trì thặng dư khoảng 600 triệu USD, song diễn biến này chủ yếu đóng góp từ giao dịch bán cổ phần của Vingroup cho Tập đoàn SK - Hàn Quốc (khoảng 1 tỷ USD) thời điểm giữa tháng 5, còn lại cân đối cung - cầu ngoại tệ dịch chuyển theo chiều hướng kém thuận lợi hơn so với tháng 4. Cụ thể, cán cân thương mại thâm hụt theo mùa vụ, ước nhập siêu 1,3 tỷ USD (theo số liệu của Tổng cục Thống kê) và dòng ngoại tệ chuyển lợi nhuận về nước của một số doanh nghiệp FDI gia tăng, ước khoảng 400 - 500 triệu USD.
Một nghiên cứu của Nhóm Kinh doanh vốn và tiền tệ, BIDV cho rằng, rủi ro tỷ giá trong tháng 6 vẫn đến từ yếu tố quốc tế, trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang có chiều hướng xấu đi rõ rệt với những động thái cứng rắn từ cả Mỹ và Trung Quốc. Có hai câu hỏi lớn về môi trường quốc tế được đưa ra trong tháng 6 đó là liệu Mỹ có áp thuế lên toàn bộ mặt hàng còn lại trị giá 325 tỷ USD của Trung Quốc và tỷ giá USD/CNY có vượt qua mốc 7,0?
Yếu tố vĩ mô và nội tại nền kinh tế sẽ hỗ trợ VND ổn định
Mặc dù thị trường ngoại hối có những biến động, nhưng ông Trung cho rằng, không có gì phải lo lắng. Ông Trung phân tích, đồng tiền của Việt Nam vẫn khá ổn định nếu so sánh tương quan với đồng tiền của một số quốc gia trong khu vực sau đợt biến động vừa qua. Điều này cho thấy sức chịu đựng của tỷ giá vẫn vững vàng với nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước ổn định và chính sách điều hành chủ động, linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước.
Đồng thời, các ngân hàng thương mại mua ngoại tệ chủ yếu để bán lại cho Ngân hàng Nhà nước, còn cầu ngoại tệ thực trên thị trường ít. Cho vay bằng ngoại tệ giảm, đòn bẩy tài chính cho ngoại tệ cũng giảm theo. Bên cạnh đó, yếu tố tâm lý lớn là tỷ giá USD/CNY dao động trong khoảng 6,92 - 6,95, chưa bao giờ vượt qua ngưỡng 7.
“VND sẽ mất giá khi không có sự hỗ trợ từ vĩ mô và dẫn đến quan ngại, nhưng hiện tại yếu tố vĩ mô và nội tại nền kinh tế đều hỗ trợ VND. Ví dụ, Ngân hàng Nhà nước luôn giữ mức lãi suất VND cao so với USD. Đây là sự chủ động trong điều hành lãi suất. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm 3% là Ngân hàng Nhà nước can thiệp ngay để giữ giá trị VND. Khi tỷ giá biến động, cơ quan quản lý có dư địa về chính sách tiền tệ để điều hành”, ông Trung nói.
Vị lãnh đạo VIB nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm khoảng 8,5 tỷ USD, nâng dự trữ ngoại hối lên gần 67 tỷ USD, tốc độ dòng vốn FDI vẫn chảy vào Việt Nam như hiện nay sẽ hỗ trợ thị trường ngoại hối. Nếu tỷ giá USD/CNY giữ quanh mức 7 sẽ không có lý do gì để VND mất giá hơn nữa so với hiện tại. Đặc biệt, Việt Nam được Hoa Kỳ đưa vào danh sách giám sát, đòi hỏi tỷ giá phải được giữ ổn định, vĩ mô ổn định, yếu tố quan trọng trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ.
Danh sách giám sát nhằm khuyến nghị chính sách cho Việt Nam
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 7 vừa qua, ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã công bố báo cáo về các chính sách kinh tế vĩ mô, thương mại và tỷ giá của các nước đối tác có quan hệ thương mại lớn với Hoa Kỳ và đưa ra danh sách 9 quốc gia cần phải theo dõi, giám sát, trong đó có Việt Nam. Theo đó, có 3 tiêu chí để đánh giá các quốc gia có quan hệ thương mại lớn với Hoa Kỳ.
“Thứ nhất, thặng dư thương mại với Hoa Kỳ trên 20 tỷ USD. Thứ hai, thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP. Thứ ba, can thiệp ngoại hối một chiều, tức là mua ròng ngoại tệ trong vòng 6 tháng liên tục, đạt 2% GDP”, ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, Việt Nam thỏa mãn 2 tiêu chí của Hoa Kỳ là có thặng dư thương mại với Hoa Kỳ lớn hơn 20 tỷ USD và có thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP. Còn về can thiệp ngoại hối một chiều, giá trị mua ròng ngoại tệ thấp hơn ngưỡng mà Hoa Kỳ đưa ra.
Mặt khác, báo cáo của phía Hoa Kỳ kết luận, không có quốc gia nào trong danh sách thực hiện việc thao túng tiền tệ. Việt Nam khẳng định, điều hành chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, không dùng chính sách kinh tế vĩ mô trong đó có chính sách tiền tệ, tỷ giá để tạo cạnh tranh, tạo lợi thế thương mại một cách không công bằng.
“Những khuyến nghị chính sách phía Hoa Kỳ đưa ra cũng tương tự và khá tương đồng với khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế hàng năm và đánh giá chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Những khuyến nghị chính sách của Bộ Tài chính Hoa Kỳ nằm trong lộ trình mà Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, trong đó có Ngân hàng Nhà nước triển khai và hoàn thiện các chính sách, cơ chế điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.
Chúng tôi, trong thời gian tới, theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng sẽ tiếp tục cùng với các bộ, ngành để trao đổi và cung cấp thông tin cần thiết cho phía Hoa Kỳ, làm rõ trong định hướng điều hành của Việt Nam cũng như diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến cán cân vãng lai, thương mại và đầu tư với phía Hoa Kỳ”, Thống đốc Lê Minh Hưng nói.