Vì sao TVS quyết định bỏ ra một lượng vốn không nhỏ để xây dựng hệ thống giao dịch hoàn toàn mới, thưa bà?
Sau khi các mảng kinh doanh trụ cột là ngân hàng đầu tư (IB) và đầu tư vốn (PI) đạt được tốc độ tăng trưởng tốt, bền vững, TVS bắt đầu tiếp sức cho mảng quản lý quỹ, quản lý danh mục đầu tư thông qua Công ty Quản lý quỹ Thiên Việt (TVAM) và mảng môi giới, nhằm tận dụng mạng lưới khách hàng có sẵn từ các mảng kinh doanh IB và PI.
Tổng giám đốc TVS Nguyễn Thanh Thảo
Ngoài ra, chúng tôi đánh giá tiềm năng tăng trưởng lớn của TTCK trong giai đoạn tới, khi các cơ quan quản lý đang thúc đẩy để sớm vận hành nghiệp vụ chứng khoán phái sinh, cũng như tham vọng đưa TTCK Việt Nam trở thành thị trường mới nổi có mặt trong chỉ số MSCI Index, nhằm thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn nước ngoài.
Với chiến lược phát triển bán lẻ năng động, TVS đã đầu tư lớn về vốn, nhân lực cho xây dựng hệ thống giao dịch hoàn toàn mới theo tiêu chuẩn của các TTCK phát triển hàng đầu thế giới như Hồng Kông, Singapore. Hệ thống này vận hành hoàn toàn tự động nên ổn định và thân thiện với người dùng.
Đâu là những tính năng nổi bật của hệ thống giao dịch mới? Việc TVS vừa đưa vào vận hành hệ thống này mang lại những tiện ích gì cho khách hàng, giúp tạo ra những lợi thế cạnh tranh mới nào cho TVS, thưa bà?
Hệ thống giao dịch mới có một số ưu thế nổi bật so với hệ thống giao dịch của nhiều CTCK khác. Hệ thống mới của TVS vận hành rất ổn định nhờ hạ tầng đồng bộ, tự động hóa các mảng trước và sau giao dịch. Điều này cho phép tinh giảm các bước xử lý thủ công, qua đó nâng cao hiệu suất và giảm thiểu rủi ro sai sót do yếu tố con người. Đặc biệt, hệ thống được thiết kế thông minh, cho phép kiểm soát rủi ro về dòng tiền ra vào, về nguồn vốn đối ứng. Với nhân viên nghiệp vụ của TVS, hệ thống luôn tối ưu hóa và tự động hóa các nghiệp vụ tạo nợ, thanh toán nợ, ứng trước, rút tiền.
Với khách hàng, khi sử dụng hệ thống giao dịch online Vi-trade mới của TVS sẽ được trải nhiệm rất nhiều tiện ích, đặc biệt là các tính năng cao cấp, được thiết kế riêng cho thị trường Việt Nam như: đồ thị cho phân tích kỹ thuật theo thời gian thực, các chỉ số phân tích cơ bản luôn được cập nhật, các dịch vụ chuyển khoản tiền, chứng khoán, ứng trước, rút tiền... Tất cả đều thực hiện online.
Ngoài những tiện ích mà khách hàng, NĐT đang được trải nghiệm như trên, hệ thống mới có cho phép TVS phát triển thêm các tính năng, nhằm tạo sự linh hoạt, hiệu quả trong đáp ứng yêu cầu triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới trong tương lai?
Chúng tôi đã lên kế hoạch phát triển cho những giai đoạn tiếp theo. Cụ thể, hệ thống sẽ được bổ sung nhiều tiện ích cho khách hàng bằng việc kết nối với các bên thứ ba như: ngân hàng, công ty thanh toán trực tuyến. Ở giai đoạn sau, Vi-trade không chỉ đơn thuần là một hệ thống giao dịch chứng khoán truyền thống, mà sẽ trở thành trung tâm quản lý tài sản, đưa ra tư vấn đầu tư và cung cấp các dạng thức thanh toán trực tuyến hiện đại…
Ngoài đầu tư cho hệ thống giao dịch mới, để phát triển thêm khách hàng, TVS có triển khai chính sách gì mới, thưa bà?
Nhu cầu sử dụng dịch vụ quản lý đầu tư chứng khoán của NĐT ngày càng cấp thiết, khi TTCK ngày càng phát triển cả về quy mô lẫn độ phức tạp. TVS đã thử nghiệm thành công dịch vụ tư vấn đầu tư cho khách hàng VIP trong hơn 3 năm qua và đạt được những kết quả khả quan. Chúng tôi tin tưởng, với kinh nghiệm của bộ phận PI, TVS có thể mang lại lợi ích cho nhiều NĐT khác bằng cách nhân rộng mô hình quản lý đầu tư này. Đây là mô hình TVS đang áp dụng rất hiệu quả cho Công ty và khách hàng ủy thác đầu tư. Năm 2015, TVS đã thành lập TVAM nhằm đẩy mạnh hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư.
Đối với phân khúc khách hàng cá nhân, TVS sắp triển khai các gói chính sách, sản phẩm linh hoạt dựa trên việc cung cấp các giải pháp đầu tư tài chính trọn gói, chuyên sâu theo nhu cầu, khẩu vị rủi ro và nguồn vốn của từng NĐT.