TVB và TVC: Tiền đâu mua cổ phiếu quỹ?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cả Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt (Tập đoàn Trí Việt, mã chứng khoán TVB) và Công ty Chứng khoán Trí Việt (mã chứng khoán TVC) có lỗ lũy kế lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Nguồn vốn để thực hiện kế hoạch mua lại cổ phiếu của TVB và TVC đang là dấu hỏi Nguồn vốn để thực hiện kế hoạch mua lại cổ phiếu của TVB và TVC đang là dấu hỏi

Kế hoạch mua cổ phiếu quỹ

Sau biến cố năm 2022 liên quan tới lãnh đạo cũ của doanh nghiệp và nhóm Louis Family của ông Đỗ Thành Nhân, cổ phiếu TVC và TVB giảm giá mạnh.

Tính tới ngày 23/6/2023, phiên giao dịch gần nhất của cổ phiếu TVC do bị hạn chế giao dịch, giá cổ phiếu này là 6.800 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 46,8% so với giá trị sổ sách là 12.782 đồng/cổ phiếu. Ngày 29/6/2023, giá cổ phiếu TVB là 5.640 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 48,3% so với giá trị sổ sách là 10.921 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, cả cổ phiếu TVB và TVC đang có thị giá thấp hơn gần một nửa so với giá trị sổ sách ghi nhận ở thời điểm tháng 3/2023 dù đã có những phiên tăng giá liên tục với mức tăng hàng chục phần trăm so với giá đáy chỉ quanh 3.000 - 4.000 đồng/cổ phiếu.

Trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, bên cạnh các giải pháp về kinh doanh, cả Tập đoàn Trí Việt và Chứng khoán Trí Việt đều có một giải pháp chung, đó là mua lại cổ phiếu, giảm vốn điều lệ đã được đại hội cổ đông mới đây thông qua.

Cụ thể, đại hội cổ đông Chứng khoán Trí Việt ngày 17/6/2023 đã thông qua việc mua lại 5 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,46% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến triển khai trong năm 2023. Nguồn vốn để mua cổ phiếu là vốn chủ sở hữu, ước tính hơn 28 tỷ đồng (theo giá ngày 29/6/2023).

Đại hội cổ đông Tập đoàn Trí Việt ngày 24/6/2023 đã thông qua việc mua lại tối đa 10 triệu cổ phiếu, tương ứng 8,43% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành, triển khai trong năm 2023. Nguồn vốn để mua cổ phiếu là vốn chủ sở hữu, ước tính khoảng 68 tỷ đồng (theo giá ngày 23/6/2023).

Mua lại cổ phiếu sẽ giúp doanh nghiệp giảm số lượng cổ phiếu đang lưu hành, hỗ trợ giá cổ phiếu, đặc biệt là lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS).

Tính đến 31/3/2023, Tập đoàn Trí Việt có tổng tài sản 2.248,5 tỷ đồng và vay nợ 96,4 tỷ đồng. Trong tổng tài sản, các khoản phải thu ngắn hạn là 1.136,2 tỷ đồng, chiếm 50,5%; đầu tư tài chính ngắn hạn 1.008,6 tỷ đồng, chiếm 44,9%.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, Tập đoàn Trí Việt cho vay hoạt động giao dịch ký quỹ tại Chứng khoán Trí Việt trị giá 328,5 tỷ đồng, các khoản hợp tác đầu tư 320 tỷ đồng, đầu tư 622,55 tỷ đồng cổ phiếu HPG, đầu tư 292,7 tỷ đồng cổ phiếu FPT, đầu tư 57,6 tỷ đồng cổ phiếu MWG, đầu tư 20 tỷ đồng cổ phiếu NKG …

Tại Chứng khoán Trí Việt, tính tới cuối quý I/2023, Công ty có tổng tài sản 1.280,7 tỷ đồng và vay nợ không đáng kể. Trong tổng tài sản, có 481,9 tỷ đồng các khoản phải thu khác, chiếm 37,6%; 335,7 tỷ đồng các khoản cho vay (hầu hết là cho vay giao dịch ký quỹ), chiếm 26,2%; 274,1 tỷ đồng tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS), chiếm 21,4%; 92,9 tỷ đồng các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), chiếm 7,3%.

Đối với danh mục đầu tư, Chứng khoán Trí Việt đầu tư 183,3 tỷ đồng cổ phiếu FPT; 90,7 tỷ đồng cổ phiếu HPG; 57,6 tỷ đồng cổ phiếu MWG; 20 tỷ đồng cổ phiếu NKG; 3,5 tỷ đồng cổ phiếu MBB.

Lỗ luỹ kế lớn

So với số liệu tại thời điểm 31/3/2023, giá cổ phiếu TVC và TVB đang khá thấp so với giá trị sổ sách. Tuy nhiên, nếu so với báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 (công bố cuối tháng 6/2023), chất lượng tài sản của hai doanh nghiệp không được tốt như doanh nghiệp công bố trước đó và giải trình cũng chưa đầy đủ về các khoản phải thu.

Báo cáo tài chính năm 2022, Tập đoàn Trí Việt ghi nhận trích lập 10,4 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi, nhưng sau kiểm toán, giá trị trích lập lên tới 517,3 tỷ đồng.

Trong đó, kiểm toán cho biết, số dự phòng tổn thất được trích lập cho một số khoản phải thu là 506,87 tỷ đồng, tương ứng 70% tổng giá trị khoản phải thu; tổng giá trị thuần của các khoản phải thu còn gần 297 tỷ đồng, kiểm toán không thể thu thập được các bằng chứng kiểm toán hữu hiệu để đánh giá về mục đích, đối tượng tham gia và giá trị còn lại nên không thể đánh giá được về tính phân loại, giá trị còn lại của các khoản phải thu và giá trị dự phòng tổn thất cần trích lập đối với các khoản phải thu tại thời điểm 31/12/2022.

Năm 2022, sau kiểm toán, Tập đoàn Trí Việt ghi nhận lỗ 682,7 tỷ đồng, gấp đôi con số tự lập; còn lợi nhuận sau thuế của Chứng khoán Trí Việt chuyển từ lãi 17,4 tỷ đồng sang lỗ 317,9 tỷ đồng.

Theo đó, sau kiểm toán, Tập đoàn Trí Việt ghi nhận lỗ 682,7 tỷ đồng năm 2022 cáo hơn số lỗ tự nhận trước kiểm toán là 341,9 tỷ đồng), nâng lỗ luỹ kế lên 233,9 tỷ đồng, bằng 19,7% vốn điều lệ.

Theo Điều 36, Luật Chứng khoán năm 2019, doanh nghiệp mua lại cổ phiếu phải có đủ nguồn vốn để mua lại từ các nguồn như thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu được sử dụng để bổ sung vốn điều lệ theo quy định của pháp luật. Cả hai công ty này đều không ghi rõ dùng quỹ nào để mua cổ phiếu quỹ trong các khoản mục của vốn chủ sở hữu.

Như vậy, giả sử báo cáo tài chính quý I/2023 của Tập đoàn Trí Việt ghi nhận lãi 75,3 tỷ đồng như trước đó đã công bố (chưa điều chỉnh tại thời điểm 31/12/2022 sau kiểm toán), doanh nghiệp có lỗ luỹ kế 158,6 tỷ đồng. Nếu cộng lỗ luỹ kế với các khoản mục khác trong vốn chủ sở hữu (ngoại trừ vốn điều lệ), giá trị vẫn là con số âm (âm 22,4 tỷ đồng), không đủ điều kiện để mua cổ phiếu quỹ.

Tại Chứng khoán Trí Việt, sau kiểm toán năm 2022, dự phòng suy giảm giá trị các khoản phải thu tăng từ gần 5,8 tỷ đồng lên 242,3 tỷ đồng, đồng thời lợi nhuận sau thuế chuyển từ lãi 17,4 tỷ đồng sang lỗ 317,9 tỷ đồng. Tính tới 31/12/2022, tổng lỗ luỹ kế là 182,4 tỷ đồng, bằng 16,3% vốn điều lệ.

Giả sử trong quý I/2023, Chứng khoán Trí Việt lãi như công bố là 1,04 tỷ đồng, luỹ kế Công ty vẫn lỗ 181,4 tỷ đồng. Nếu cộng lỗ luỹ kế với các khoản mục khác trong vốn chủ sở hữu (ngoại trừ vốn điều lệ), giá trị là con số âm còn lớn hơn, 251 tỷ đồng.

Như vậy, căn cứ quy định của Luật Chứng khoán cũng như căn cứ vào việc Tập đoàn Trí Việt và Chứng khoán Trí Việt đang ghi nhận số âm từ quỹ thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu, cả hai doanh nghiệp này khó có thể thực hiện mua lại cổ phiếu như kế hoạch, nếu như kết quả kinh doanh trong các quý tới không khởi sắc, lợi nhuận tạo ra đủ để có nguồn vốn mua lại cổ phiếu.

Hạc Hiên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục