Tuyên Quang đề xuất đầu tư Dự án PPP cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ trị giá 3.271 tỷ đồng

Đây là tuyến cao tốc được xây dựng mới theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT có quy mô 4 làn xe hạn chế kết nối 2 tỉnh: Tuyên Quang và Phú Thọ với tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Một đoạn cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Một đoạn cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang vừa có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư Dự án BOT đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai do UBND tỉnh này là cấp quyết định đầu tư; doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường là đơn vị lập đề xuất dự án.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai có mục tiêu làm mới đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ với tổng chiều dài khoảng 40,2 km, quy mô 4 làn xe hạn chế với bề rộng mặt đường là 14m.

Tuyến đi qua địa 2 bàn tỉnh: Tuyên Quang và tỉnh Phú Thọ (địa phận tỉnh Tuyên Quang khoảng 11,63 km; địa phận tỉnh Phú Thọ khoảng 28,57 km). Dự án có điểm đầu tại Km0+00 (QL2 - Km127+500) thuộc xã Lưỡng Vượng, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang; điểm cuối tại Km40+200 kết nối với nút giao IC9 đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai thuộc thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ.

Tổng mức đầu tư Dự án này được tạm xác định là 3.271 tỷ đồng. Để đảm bảo phương án tài chính, vốn ngân sách Trung ương (Hỗ trợ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng) sẽ phải tham gia khoảng 500 tỷ đồng; vốn Ngân sách địa phương (Hỗ trợ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng) là 10,79 tỷ đồng; phần còn lại sẽ do nhà đầu tư huy động (2.760,3 tỷ đồng) bằng nguồn vốn chủ sở hữu và vốn tín dụng. Thời gian hoàn vốn công trình dự kiến là 19 năm 2 tháng với thời gian bắt đầu thu là năm 2023.

Theo ông Phạm Minh Huấn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, do Tuyên Quang là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế khó khăn, hệ thống giao thông chủ yếu bằng đường bộ cấp thấp, không có đường sắt và đường hàng không, mặc dù có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch, công nghiệp và về địa lý cách thủ đô Hà Nội khoảng 120 km.

Tuy nhiên, do chưa có đường cao tốc nên chưa kích thích được tăng trưởng kinh tế - xã hội, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của du khách cả nước, quốc tế về thăm khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, Kim Bình.

Hiện tại, việc kết nối Tuyên Quang với Thủ đô Hà Nội chủ yếu bằng tuyến đường QL2. Theo kết quả đếm xe tháng 3/2017 (10.554 xe quy đổi/ngày đêm) và dự báo tăng trưởng trung bình 7,5%/năm, thì đến năm 2020 QL2 đoạn Phú Thọ - Tuyên Quang với quy mô đường cấp III như hiện nay sẽ ùn tắc. Khi đó tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh trong khu vực càng khó khăn về đi lại, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Trong trường hợp đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ được đầu tư thì hành trình từ thành phố Tuyên Quang về Hà Nội (đến cầu Nhật Tân), dài 126,2km với thời gian di chuyển chỉ mất 1h35p (vận tốc 80km/h), trong đó đoạn Tuyên Quang – IC9 dài 40,2km, đoạn IC9 đến Nội Bài dài 66km và đoạn từ Nội Bài về Nhật Tân dài 20km. Trong khi đi từ Tuyên Quang về Hà Nội theo tuyến Quốc lộ 2 thì chiều dài là 141km với thời gian 3h25p và theo Quốc lộ 2C là 120km hết 3h di chuyển.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục