Trước đó, ngày 21/8, Công ty này đã hạ thủy, vận hành kỹ thuật tuyến buýt sông số 1. Đến nay, việc thi công, lắp ráp, chỉnh trang bến bãi cùng các điểm đón, trả khách theo lộ trình của tuyến buýt này đã cơ bản hoàn tất. Ngoài việc bảo đảm an toàn, đơn vị còn phải đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, mỹ quan... tại những trạm dừng này.
Hiện các bến bãi chính của tuyến số 1 như Bạch Đằng, Linh Đông đã được kết nối với mạng lưới xe buýt của TPHCM nhằm tạo thuận lợi cho người dân di chuyển.
Vừa qua, Công ty Thường Nhật đã đề xuất việc kết nối tuyến buýt sông số 1 với 3 tuyến xe điện loại 4 bánh, gắn với các điểm du lịch, khách sạn, bảo tàng trên địa bàn. Hiện đề xuất này được Sở GTVT TPHCM chấp thuận và đang trình UBND Thành phố và Bộ GTVT có ý kiến xem xét, thống nhất và hướng dẫn thực hiện.
Theo Sở GTVT TP HCM, việc thí điểm xe điện 4 bánh là cần thiết để phục vụ người dân đi lại và tham quan du lịch. Đồng thời, cũng phát huy hiệu quả của tuyến buýt đường sông chuẩn bị đưa vào khai thác.
Tuyến số 1 (Bạch Đằng-Linh Đông) dài 10,8 km gồm các bến Bạch Đằng (Quận 1)-Sài Gòn Pearl (Bình Thạnh), Bình An, Thảo Điền (Quận 2), Tầm Vu, Thanh Đa (Bình Thạnh), Bình Triệu, Hiệp Bình Chánh, Linh Đông (Thủ Đức).
Trong khi đó, tuyến số 2 (Bạch Đằng-Lò Gốm) dài 10,3 km gồm các bến Bạch Đằng-Nguyễn Thái Bình (Quận 1)-Khánh Hội (Quận 4)-cầu Chữ Y-chợ Hòa Bình-Nguyễn Tri Phương (Quận 5)-Bình Đông (quận 8)-Bình Tây (Quận 6)-chùa Long Hòa (Quận 8)-bến số 2-11 Lò Gốm (quận 6).
Giá vé toàn tuyến số 1 Bạch Đằng-Linh Đông được đưa ra là 15.000 đồng/lượt, sau đó sẽ điều chỉnh theo chặng.
Việc triển khai dự án buýt sông được kỳ vọng sẽ góp phần giảm tải giao thông đường bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại bằng vận tải hành khách công cộng của người dân cũng như khai thác lợi thế cảnh quan sông nước gắn với phát triển văn hoá du lịch của Thành phố.