Tướng to ở KKR nhảy việc

(ĐTCK) William Sonneborn đột nhiên nộp đơn xin nghỉ việc, với lý do rất chung chung “để tìm kiếm những thách thức mới”.
William Sonneborn William Sonneborn

Chuyện nhảy việc, hay nói chính xác hơn là chuyện thường xuyên thay đổi công việc hiện đã trở thành hiện tượng khá phổ biến ở khắp nơi trên thế giới, đủ ở mọi cấp: lao động phổ thông, nhân viên, cán bộ quản lý…

Lý do có nhiều, nhưng chủ yếu là theo tiếng gọi của đồng tiền. Nơi nào trả lương cao hơn, thì… nhảy việc. Đấy là nói chung, còn việc các nhân vật chủ chốt ở nhiều công ty, tập đoàn có tiếng trên thế giới tự dưng bỏ việc đến chỗ béo bở hơn, dường như cũng hiếm hoi hơn. Chính vì vậy, việc ông William Sonneborn, 43 tuổi, Giám đốc điều hành (CEO) KFN, công ty  chuyên đầu tư tài chính, là công ty con của Tập đoàn đầu tư tư nhân KKR (Kohlberg Kravis Roberts) của Mỹ “nhảy việc” vào đầu tuần này đã gây được sự chú ý của giới đầu tư Mỹ và quốc tế.

Đang yên vị ở chiếc ghế “rất thơm và màu mỡ”, với mức lương cỡ vài triệu USD/năm, vậy mà đột nhiên ông nộp đơn xin nghỉ việc, với lý do rất chung chung “để tìm kiếm những thách thức mới”.

Người phát ngôn của KKR đã phát biểu, lãnh đạo Tập đoàn rất làm tiếc trước quyết định ra đi đột ngột của ông William Sonneborn, một trong những nhà quản lý và kinh doanh tài ba nhất Tập đoàn, song hoàn toàn tôn trọng nguyện vọng riêng tư, chính đáng của ông. Để phòng xa việc ông gia nhập đội ngũ các đối thủ chính, như Carlyle Group, TPG Capital…, KKR đã đạt được thoả thuận dành cho ông chức “cố vấn cao cấp”. Có chức đương nhiên là được hưởng lương, song đây hiểu ngầm là cách “trói” ông, không cho ông đến làm việc cho các đối thủ.

Theo nhiều nhà phân tích, đúng như nhận định của KKR, ông William Sonneborn là nhà quản lý, kinh doanh có tài và có nhiều kinh nghiệm thực tế. Được đào tạo từ “lò” có tiếng hạng nhất là Tập đoàn tài chính Goldman Sachs, ông là chuyên gia về mảng mua bán và sáp nhập (M&A). Cuối năm 2008, ông William Sonneborn đã gia nhập KKR, khi đang là nhà quản lý cao cấp của TCW Group. Ít lâu sau đó, TCW Group đã bị Carlyle Group thâu tóm.

Cuối năm 2008, khi ông William Sonneborn về đảm nhiệm chức CEO KFN, cổ phiếu của KFN mới ở mức 75 UScent/cổ phiếu, nay đã leo lên 11 USD/cổ phiếu, tức là tăng tới hơn 14 lần trong vòng chưa đầy 5 năm. Một thành tích đáng nể.

“Đây là thời điểm thích hợp nhất để tôi có một sự thay đổi. Nếu bạn muốn có một kết thúc thật có hậu, thì cần phải biết dừng lại đúng lúc”, ông William Sonneborn đã phát biểu như vậy với báo giới.

Ngay sau đó, lãnh đạo KKR cũng đã bổ nhiệm ông Craig Farr, 41 tuổi, Giám đốc bộ phận các thị trường vốn của KKR thay thế.

Thực ra, cái tên KKR cũng không mấy xa lạ với nhà đầu tư Việt Nam, hay những người quan tâm đến mảng đầu tư tài chính. Tháng 1 năm nay, KKR đã quyết định đầu tư thêm 200 triệu USD vào CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer), qua đó nâng số vốn đầu tư vào đây lên 359 triệu USD. Thương vụ đầu tư này được đánh giá là lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á của KKR. Tất nhiên, đây chỉ được coi là thương vụ lớn mở đầu ở khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Đầu tháng 7 vừa qua, KKR đã công bố huy động được 6 tỷ USD cho quỹ đầu tư dành riêng cho khu vực châu Á, vượt cả Carlyle Group, TPG Capital, Affinity Equity Partners... Qua đó, có thể thấy tham vọng của KKR ở khu vực châu Á là rất lớn.

Theo thông tin do chính KKR đưa ra, từ năm 2005 đến nay, KKR đã đầu tư tổng cộng hơn 5 tỷ USD vào khu vực châu Á, với danh mục đầu tư vào hơn 30 công ty Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc... (sử dụng hơn 100.000 lao động).

Henry Kravis, Jerry Kohlberg và George là 3 nhà sáng lập ra KKR vào năm 1976. Tính đến ngày 31/3/2013, KKR quản lý tổng tài sản trị giá 78,3 tỷ USD, với danh mục đầu tư gồm nhiều ngành, lĩnh vực, như năng lượng, bất động sản, các quỹ đầu cơ...

Tháng 7/2010, KKR đã thực hiện việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở GDCK New York.

Trước đó, năm 1989, KKR đã tạo ra dấu ấn và gây tiếng vang lớn khi mua lại Tập đoàn RJR Nabisco (Mỹ), với giá hơn 31 tỷ USD. Đây là thương vụ đầu tư vốn tư nhân có quy mô lớn nhất đến thời điểm đó.

Cần phải nói thêm rằng, KKR không chỉ có tiếng trong lĩnh vực đầu tư, mà còn được biết là công ty rất khéo trong tuyển mộ những chính khách nổi tiếng đã nghỉ hưu, hay bị “phốt” nào đó về làm việc. KKR cần đến các mối quan hệ sẵn có của các vị này với chính quyền, cơ quan chức năng... 

Gần đây nhất, đầu năm nay, KKR đã mời ông David Petraeus, 60 tuổi, nguyên Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) bị thất sủng về làm Giám đốc Viện KKR Global Institute mới được thành lập. Trước đó, ông này đã có hơn 37 năm phục vụ trong quân đội Mỹ và là tướng 4 sao.


Trung Hiếu (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục