Nhắc đến ngày 11/3 kinh hoàng 3 năm về trước, nhiều người chưa hết bàng hoàng về sự mất mát khủng khiếp mà đất nước, con người Nhật Bản phải hứng chịu trước sức mạnh tàn phá của tự nhiên. Thế nhưng, việc nhanh chóng đứng dậy hồi sinh và hiên ngang trụ vững chỉ trong một thời gian ngắn của đất nước Nhật Bản cũng khiến bao người thán phục. Điều đó cho thấy, chỉ cần sức mạnh của ý chí và tình đoàn kết, con người có thể vượt qua mọi khó khăn.
Nhưng, thảm họa ấy cũng nhắc nhở chúng ta rằng, sức mạnh của thiên nhiên là vô cùng. Thế giới đang phải đối mặt ngày càng nhiều với những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, bất thường, hệ quả của biến đổi khí hậu trước những tác động tiêu cực của con người tới tự nhiên, môi trường.
Và Việt Nam cũng chính là một trong 10 quốc gia trên thế giới sẽ hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề nhất do hậu quả của biến đổi khí hậu.
Hạn hán, lũ lụt, mưa bão sẽ khắc nghiệt, thường xuyên hơn, một phần diện tích rất lớn của Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM có thể bị ngập sâu khi nước biển dâng, khiến đời sống của hàng triệu người dân bị đe dọa.
Vì vậy, ứng phó với biến đối khí hậu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, giảm thải khí nhà kính, thân thiện với môi trường đang là yêu cầu bức thiết với Việt Nam và mọi quốc gia trên thế giới.
Trong những năm qua, Nhật Bản cũng chính là một trong những quốc gia dành cho Việt Nam những khoản vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại khá lớn để đối phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể, Việt Nam đã nhận được 45 tỷ yên (tương đương 450 triệu USD) vốn ODA Nhật Bản cho các chương trình này.
Thực tế cho thấy, Chính phủ đã có những động thái và chiến lược cụ thể, nhưng quá trình chuyển đổi sang tăng trưởng xanh ở Việt Nam đang phải đối mặt với sức ép nội tại của nền kinh tế. Thực trạng phát triển kinh tế và tiêu dùng phụ thuộc quá nhiều vào khai thác thô, sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên và năng lượng hóa thạch, thâm dụng lao động…, nên không dễ cắt giảm.
Tuy nhiên, tăng trưởng xanh dẫu khó cũng phải làm ngay từ bây giờ, bởi sẽ là quá muộn nếu tiếp tục theo đuổi lập luận “tăng trưởng trước, xử lý hậu quả, làm sạch sau”. Hãy lấy thảm họa của Nhật Bản làm bài học, khi thiên nhiên đã nổi giận, sẽ không gì ngăn cản được!