Tương lai hợp tác Singapore - Việt Nam rất tươi sáng

0:00 / 0:00
0:00
Trải qua nửa thế kỷ gắn bó, quan hệ Việt Nam - Singapore có nhiều bước tiến vượt bậc, với sự tăng cường hợp tác trong một số lĩnh vực mới, đặt nhiều trọng tâm vào đổi mới, năng lượng và phát triển bền vững.
Hạ tầng là lĩnh vực mà Việt Nam và Singapore có nhiều cơ hội hợp tác đầu tư. Ảnh: Lê Toàn Hạ tầng là lĩnh vực mà Việt Nam và Singapore có nhiều cơ hội hợp tác đầu tư. Ảnh: Lê Toàn

Ông Jaya Ratnam, Đại sứ Singapore tại Việt Nam có bài viết riêng cho Báo Đầu tư về việc triển khai mối quan hệ hợp tác, cũng như triển vọng trong thời gian tới.

Khi kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 58 của Singapore trong tháng này, thì chúng ta cũng kỷ niệm hai dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Ngày 1/8/2023 đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược giữa Singapore và Việt Nam. Trong suốt những thập kỷ này, quan hệ giữa hai nước đã phát triển vượt bậc và tôi tin tưởng là sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai.

Nền tảng của mối quan hệ được xây dựng trên sự tin tưởng lẫn nhau mạnh mẽ giữa các nhà lãnh đạo của hai nước, bắt đầu từ năm 1991, khi Thủ tướng Lý Quang Diệu tư vấn cho Việt Nam về mở cửa nền kinh tế. Điều này đánh dấu sự khởi đầu của mối quan hệ cá nhân gần gũi giữa các thế hệ lãnh đạo kế tiếp của chúng ta.

Ngày nay, các nhà lãnh đạo hai nước gặp nhau thường xuyên và có mối quan hệ tuyệt vời. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm chính thức tới Singapore vào tháng 2 năm nay và chúng tôi mong muốn đáp lại bằng chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Lý Hiển Long tới Việt Nam. Hai nước đã trao đổi các chuyến thăm cấp nhà nước vào năm 2022 và Tổng thống Singapore Halimah Yacob cũng đã có cuộc gặp gỡ rất tốt đẹp với Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng gần đây tại London (Anh).

Ông Jaya Ratnam, Đại sứ Singapore tại Việt Nam

Ông Jaya Ratnam, Đại sứ Singapore tại Việt Nam

Tăng cường hợp tác

Hợp tác kinh tế sâu sắc đã làm cho mối quan hệ cùng có lợi và sẽ vẫn là nền tảng của hợp tác song phương. Các Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) trên khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam của Việt Nam là những biểu tượng tiêu biểu cho sự hợp tác này.

VSIP đầu tiên được thành lập vào năm 1996. Đến nay, có 14 VSIP tại 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam, thu hút 18,4 tỷ USD vốn đầu tư và tạo ra khoảng 300.000 việc làm. Các khu công nghiệp này đã đóng góp đáng kể cho lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, tạo việc làm và nâng cao chất lượng nhân lực. Các VSIP tận dụng thế mạnh bổ sung của cả hai quốc gia và liên tục phát triển để hỗ trợ nhu cầu phát triển của hai nước, với trọng tâm mới nhất là đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.

Nhìn về phía trước, có rất nhiều cơ hội để hai nước hợp tác trong những lĩnh vực mới, đặc biệt là kinh tế số, năng lượng tái tạo, tín chỉ carbon, an ninh mạng và kết cấu hạ tầng bền vững.

Nói rộng hơn, chúng ta đã phát triển các khung khổ hợp tác được thể chế hóa lâu dài và độc đáo. Hiệp định Khung về kết nối Singapore - Việt Nam (CFA), khởi xướng vào năm 2006, được coi là nền tảng để các bộ kinh tế của hai nước và các cơ quan liên quan phối hợp đưa ra định hướng và giám sát quá trình đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước. Để phù hợp với chương trình hợp tác song phương ngày càng phát triển, CFA đã được mở rộng, bao gồm cả các cuộc thảo luận trong các lĩnh vực tăng trưởng mới về đổi mới, năng lượng và số hóa.

Nền tảng cho những bước phát triển trên là nền kinh tế Việt Nam ổn định và tăng trưởng nhanh kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới vào năm 1986. Điều này khiến các doanh nghiệp Singapore tin tưởng vào triển vọng kinh tế dài hạn của Việt Nam. Như một tín hiệu thể hiện niềm tin này vào tương lai của Việt Nam, Singapore đã trở thành nguồn đầu tư nước ngoài hàng đầu của Việt Nam kể từ năm 2020. Tính đến tháng 12/2022, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai của Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 70,8 tỷ USD.

Diễn đàn Doanh nghiệp khu vực Singapore (SRBF) lần thứ bảy đã được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 7/2023 để đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.

Đây là lần đầu tiên, SRBF được tổ chức bên ngoài Singapore và phản ánh tiềm năng kinh tế to lớn của Việt Nam cũng như mối quan hệ đối tác lâu dài giữa hai nước. Sự lựa chọn này cũng phản ánh quan điểm của Khảo sát Doanh nghiệp quốc gia do Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) thực hiện. Theo đó, Việt Nam là một trong 3 quốc gia hàng đầu được các công ty Singapore mở rộng hoạt động ra nước ngoài trong ngắn hạn.

SRBF đã thành công rực rỡ với sự tham dự của hơn 800 lãnh đạo doanh nghiệp, quan chức cấp cao của chính phủ và các nhà ngoại giao đến từ hơn 500 công ty và tổ chức tại hơn 30 quốc gia và nền kinh tế.

Hướng tới tương lai

Nhìn về phía trước, có rất nhiều cơ hội để hai nước hợp tác trong những lĩnh vực mới, đặc biệt là kinh tế số, năng lượng tái tạo, tín chỉ carbon, an ninh mạng và kết cấu hạ tầng bền vững. Khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sang thăm Singapore vào tháng 2/2023, hai nước đã nhất trí thực hiện Bản ghi nhớ về việc thiết lập Quan hệ Đối tác kinh tế xanh - kinh tế số Việt Nam - Singapore (GDEP).

GDEP là một khuôn khổ chung, nhằm nâng cấp mối quan hệ song phương để tập trung vào năng lượng, phát triển bền vững, kết nối kinh tế, kết cấu hạ tầng, kinh tế số và đổi mới sáng tạo. Điều này sẽ không chỉ hỗ trợ các khát vọng xanh và kỹ thuật số của cả hai quốc gia, mà còn cho phép sự hợp tác giữa hai nước đóng vai trò là người mở đường trong ASEAN.

Tôi muốn nêu bật 3 lĩnh vực mà Singapore và Việt Nam đang đẩy mạnh hợp tác để nắm bắt các cơ hội trong thập kỷ tới và làm sâu sắc hơn sự hợp tác giữa hai nước.

Một là, đổi mới sáng tạo. Singapore và Việt Nam nằm trong 3 hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu Đông Nam Á. Với mục tiêu chung là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua công nghệ và đổi mới sáng tạo, Singapore và Việt Nam có cơ hội khai thác hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của nhau để xây dựng các quan hệ đối tác, tài trợ, và phát triển nhân tài.

Sự hợp tác của hai nước trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo đã có được động lực thông qua BLOCK71 Sài Gòn - sự hợp tác giữa NUS Enterprise thuộc Đại học Quốc gia Singapore và Becamex IDC của Việt Nam, nơi đã nuôi dưỡng hơn 1.000 công ty khởi nghiệp, vườn ươm doanh nghiệp và các hạt giống kể từ năm 2011.

Động lực nữa của sự hợp tác này là Văn phòng của Liên minh Đổi mới toàn cầu tại TP.HCM, nơi Enterprise Singapore hợp tác với Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo TP.HCM và Công ty đầu tư mạo hiểm Quest Ventures để tạo điều kiện trao đổi các công ty khởi nghiệp giữa hai quốc gia.

Tháng 12/2022, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) của Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ về việc thành lập Nhóm công tác Đổi mới sáng tạo Singapore - Việt Nam nhằm kết nối các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo giữa hai nước. NIC cũng đã ký biên bản ghi nhớ với một số cơ sở giáo dục đại học của Singapore và các tập đoàn như UOB và Keppel để thúc đẩy quan hệ đối tác chặt chẽ hơn.

Hai là, kết nối năng lượng. Singapore và Việt Nam có chung tầm nhìn về việc đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việc mở rộng quy mô năng lượng tái tạo và phát triển lưới điện khu vực sẽ không chỉ hỗ trợ các nỗ lực khử carbon của từng nước chúng ta, mà còn thúc đẩy kết nối hạ tầng lớn hơn để đẩy mạnh các mục tiêu năng lượng bền vững của khu vực.

Cùng với Dự án Tích hợp điện năng rộng hơn có sự tham gia của 4 nước Lào - Thái Lan -Malaysia - Singapore (LTMS-PIP), sự hợp tác giữa Việt Nam và Singapore sẽ đóng góp vào tầm nhìn lớn hơn về Lưới điện ASEAN. Biên bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng được ký kết vào tháng 10/2022 giữa Singapore và Việt Nam đã mở đường cho hai bên tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực như phát triển năng lượng tái tạo, mua bán điện xuyên biên giới, thị trường điện và khí thiên nhiên hóa lỏng, carbon thấp, cũng như các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả. Điều này sẽ mở ra nhiều nền tảng và cơ hội hơn cho các doanh nghiệp hình thành quan hệ đối tác.

Ba là, phát triển bền vững. Hai nước cần khẩn trương đẩy nhanh các hành động liên quan vấn đề biến đổi khí hậu nhằm đáp ứng các mục tiêu của Hiệp định Paris. Thị trường carbon có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình khử carbon của các quốc gia, đặc biệt là trong các lĩnh vực khó giảm phát thải carbon.

Vào tháng 10/2022, Singapore và Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về tín chỉ carbon, phù hợp với Điều 6, Hiệp định Paris. Việc này tạo điều kiện rất tuyệt vời cho hai nước nắm bắt các cơ hội do thị trường carbon tạo ra. Chúng tôi mong muốn được cùng thực hiện các dự án tạo tín chỉ carbon trong những năm tới, từ đó có thể thúc đẩy thị trường carbon sôi động hơn trong khu vực.

Như chúng ta mong đợi, tương lai cho mối quan hệ Singapore - Việt Nam rất tươi sáng và đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, để đảm bảo được điều này, chúng ta cần tiếp tục xây dựng mối quan hệ giao lưu nhân dân bền chặt. Chính vì lý do này, chúng ta sẽ kết thúc lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước bằng một sự kiện mang tên Spotlight Singapore tại Việt Nam. Sự kiện này sẽ quy tụ hơn 200 thanh niên, nghệ sĩ và doanh nhân trẻ từ Singapore đến Hà Nội và TP.HCM để tham gia một loạt sự kiện văn hóa, thể thao và kinh doanh trong thời gian từ ngày 19 đến ngày 25/10/2023.

Chỉ thông qua những mạng lưới hữu nghị như vậy, quan hệ song phương hai nước mới có thể tiếp tục được duy trì và phát triển trong những thập kỷ tới.

Jaya Ratnam
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục