Tung tin đồn, xử phạt làm gương

(ĐTCK) Thông tin Bộ Công an đã điều tra phát hiện 3 đối tượng vì những động cơ khác nhau, đưa thông tin sai lệch lên mạng Internet với nội dung ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV bị bắt, tác động tiêu cực đến thị trường tài chính là sự kiện có tính răn đe cao trong toàn xã hội.
Tung tin đồn, xử phạt làm gương

> Điều tra mở rộng đối tượng tung tin đồn "bắt Chủ tịch BIDV"

Kết quả được công bố trước tiên cho thấy, các cơ quan chức năng đã bắt tay vào cuộc điều tra thực sự, không để một sự việc gây hậu quả nghiêm trọng cho thị trường tài chính lại rơi vào lãng quên. Đây là dấu hiệu tích cực, bởi nếu nhớ lại thời điểm từ khi ông Nguyễn Đức Kiên, lãnh đạo Ngân hàng ACB bị bắt, TTCK đã có một thời gian “sống trong sợ hãi”, bởi liên tiếp xuất hiện những tin đồn về một nhân vật, doanh nhân nổi tiếng nào đó bị vướng vòng lao lý. Đặt trong bối cảnh đó, có thể hiểu được vì sao tin đồn ông Hà bị bắt lại có khả năng tác động mạnh đến TTCK đến thế.

Tung tin đồn, xử phạt làm gương ảnh 1Mỗi người cần phải thận trọng trong mỗi phát ngôn của mình

Tuy nhiên, theo những thông tin truyền thông đã đưa, 3 đối tượng này đều còn khá trẻ, là nhà đầu tư nhỏ và tham gia tung tin trên các diễn đàn mạng xã hội dưới những biệt danh khác nhau. Quyết định của Bộ Công an là xử phạt hành chính và không nêu danh tính của 3 đối tượng này, vì lý do đối tượng “không có mục đích phá hoại, nhưng có mục đích vụ lợi về kinh tế, do các đối tượng này đều là nhà đầu tư nhỏ lẻ trên TTCK. Mặt khác, các đối tượng này bị ảnh hưởng bởi các trang mạng phản động, những thông tin trái chiều về tình hình thay đổi nhân sự cấp cao của Đảng và Nhà nước; đồng thời muốn tỏ ra là người thạo tin nên đã tung tin đồn, gây sự chú ý trên các diễn đàn mạng”. Xem ra vi phạm của các đối tượng trên phần nhiều là do thiếu ý thức trách nhiệm và do thói quen thể hiện trên các diễn đàn mạng. Xét đến cùng, 3 đối tượng này cũng chỉ làm tin đồn lan truyền nhanh từ hành động thiếu ý thức của mình, chứ không phải là chủ mưu tung tin đồn.

Việc điều tra và xử phạt của Bộ Công an hẳn sẽ khiến không ít người phải giật mình, bởi đã tham gia truyền tin về việc ông Hà hay các nhân vật khác bị bắt thông qua các phương tiện như chat, điện thoại... Từ đây, mỗi người sẽ phải thận trọng hơn với những phát ngôn của mình. 

Nhìn lại sự việc tin đồn ông Hà bị bắt làm chao đảo TTCK, bản thân các cơ quan chức năng cũng cần rút kinh nghiệm trong việc truyền thông, công khai các loại thông tin nhạy cảm. Đã có những quãng thời gian sau sự việc “bầu Kiên” bị bắt,  mỗi phiên giao dịch, chủ đề mà giới đầu tư, môi giới bàn luận chủ yếu là ai bị bắt, ai bị cơ quan công an mời lên làm việc, hay bị cấm đi khỏi nơi cư trú… Có những giai đoạn, thông tin nhạy cảm tràn ngập thị trường, xuất phát từ nhiều lý do. Chẳng hạn,  khi cơ quan điều tra đến mời một sáng lập viên ngân hàng tư nhân về trụ sở làm việc phục vụ điều tra thì yêu cầu những lãnh đạo khác trong ngân hàng không tiết lộ vụ việc ra bên ngoài, nhưng việc áp giải người được thực hiện công khai giữa trụ sở ngân hàng đó, với sự chứng kiến của nhiều nhân viên. Chính những thông tin dập dình như thế, thay vì công khai việc khởi tố, hay mời một cá nhân nào đó lên cơ quan công an làm việc đã khiến cho thị trường trở nên đặc biệt nhạy cảm với các loại tin đồn.

Suy cho cùng, việc xử phạt nghiêm các đối tượng tung tin là hết sức cần thiết, nhưng giải pháp gốc rễ để ngăn chặn tin đồn và tác hại của tin đồn là các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác truyền thông. Thông tin kịp thời, chính xác trên các phương tiện thông tin báo chí chính thống sẽ là phương tiện hữu hiệu để ngăn chặn tin đồn.        

Minh An
Minh An

Tin cùng chuyên mục