“Túng làm liều” trên báo cáo tài chính

(ĐTCK) Tình trạng ghi nhận doanh thu ảo, ghi nhận khi chưa đủ điều kiện, áp dụng sai chuẩn mực kế toán vẫn tiếp tục tái diễn, đặc biết là với các DN gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh.
“Túng làm liều” trên báo cáo tài chính

Dù trước mùa lập BCTC năm, cơ quan quản lý đã có hội nghị rút kinh nghiệm về những “sai sót thường gặp” trên BCTC của DN niêm yết, nhưng tình trạng đó vẫn tái diễn trên BCTC đã được công bố, đặc biệt ở các DN bất động sản, khối DN gặp nhiều khó khăn trong năm qua. 

Khái quát của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) về những sai sót, rủi ro trên BCTC năm 2012 của nhóm DN bất động sản, xây lắp niêm yết, khối DN chiếm khoảng 30% số lượng DN niêm yết đã phần nào cho thấy bức tranh của chất lượng BCTC năm 2012. Có thể kể đến tình trạng ghi nhận doanh thu ảo, ghi nhận khi chưa đủ điều kiện, áp dụng sai chuẩn mực kế toán, như DN là chủ đầu tư vẫn áp dụng chuẩn mực kế toán số 15 - Hợp đồng xây dựng để ghi nhận doanh thu theo tiến độ xây dựng, trong khi đúng ra phải áp dụng chuẩn mực kế toán số 14 - Doanh thu và thu nhập khác, vẫn tiếp tục tái diễn. Thậm chí, tình trạng thuyết minh chính sách kế toán một đằng, thực tế áp dụng một nẻo, đặc biệt là các khoản mục có cách hạch toán đặc thù như doanh thu, giá vốn. Nhiều DN trong khối đã không thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dù giá bất động sản trong năm qua đã giảm mạnh, có dự án giảm tới 40 - 50%. Đối với DN xây lắp, có thể có các công trình đã ghi nhận hết doanh thu, những vẫn còn giá trị sản lượng dở dang chưa được kết chuyển xác định giá vốn, hoặc giá trị sản lượng dở dang lớn hơn giá trị doanh thu còn được ghi nhận…

“Túng làm liều” trên báo cáo tài chính ảnh 1

Nhiều DN bất động sản đã “xào” BCTC để có một bản báo cáo sáng sủa hơn

Hầu hết những sai sót trên BCTC của nhóm DN này đều nằm trong nhóm “sai sót thường gặp” mà cơ quan quản lý đã lưu ý các DN niêm yết và các DN kiểm toán hồi cuối năm 2012 cũng như không nằm ngoài những dự liệu của cơ quan quản lý trước mùa công bố BCTC 2012. Bởi năm qua được coi là đỉnh điểm khó khăn của các DN, đặc biệt là khối DN bất động sản khi thị trường gần như tê liệt, rất ít giao dịch thành công và để có những con số đẹp trên BCTC, nhiều DN bất động sản đã phải vận đến rất nhiều thủ thuật kế toán để “xào nấu” số liệu tài chính.

Nhìn rộng ra khối DN niêm yết trên thị trường, số lượng báo cáo tài chính có “vấn đề” không nhỏ. Chẳng hạn, tại CTCP Thái Hòa (THV), đơn vị kiểm toán đã ngoại trừ khoản mục hàng tồn kho lên tới trên 555,6 tỷ đồng, với lý do “hạn chế từ phía đơn vị”, không thể tham gia chứng kiến kiểm kê tiền mặt, hàng tồn kho, tài sản cố định tại thời điểm 31/12/2012 và cũng không thể thực hiện thủ tục kiểm kê tại thời điểm kiểm toán. Điều khiến người đọc BCTC nghi ngờ về tính xác thực của thông tin hàng tồn kho mà THV đưa ra là bởi theo logic thông thường, không có lý gì một DN đang đứng trước sức ép nợ phải trả ngắn hạn lên tới gần 1.100 tỷ đồng như THV lại để số dư hàng tồn kho lớn như vậy, trong khi hàng tồn kho của THV (là cà phê) không phải không có khả năng thanh khoản. Với khoản mục hàng tồn kho bị ngoại trừ chiếm tới gần 40% tổng tài sản, BCTC của THV liệu có còn đáng tin về tính trung thực và hợp lý hay không? 

Việc DN không thực hiện trích lập dự phòng rủi ro khoản phải thu quá hạn, không trích lập dự phòng các khoản đầu tư tài chính cũng khá phổ biến. Trường hợp CTCP Docicmexco (FDG) là một ví dụ. Với khoản nợ dự phòng chưa được trích lập lên tới trên 6 tỷ đồng, mà kiểm toán lưu ý sẽ “làm chi phí quản lý bị thiếu và lợi nhuận trước thuế tăng lên với số tương ứng”, FDG làm nhẹ đi con số thua lỗ trong năm 2012, khi dừng lại ở mức 31,1 tỷ đồng. Hay CTCP Mirea (KMR) không thực hiện trích lập dự phòng phải thu khó đòi của Công ty Mirea Fiber Tech, cổ đông lớn của KMR tại Hàn Quốc. Kiểm toán đã lưu ý, nếu trích lập dự phòng khoản phải thu khó đòi này theo quy định thì vốn chủ sở hữu của Công ty sẽ giảm đi 23,47 tỷ đồng, đồng thời lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cũng giảm tương ứng. Hẳn KMR có lý do để làm điều này, bởi dù không trích lập dự phòng khoản phải thu 22,47 tỷ đồng thì năm 2012, Công ty chỉ lãi trước thuế 2,2 tỷ đồng...

Những vi phạm chuẩn mực kế toán vẫn diễn ra ngày càng nhiều, dù gần đây, cơ quan quản lý đã tăng cường hợp tác với hội nghề nghiệp kiểm toán để kiểm tra, phát hiện những sai sót trên BCTC sau kiểm toán. Sau cuộc tọa đàm về các vấn đề cần lưu ý liên quan đến BCTC của các DN đầu tư, kinh doanh bất động sản và xây lắp do Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cùng VACPA phối hợp tổ chức mới đây, VACPA cho biết, Hội đặt kế hoạch sẽ tổ chức các cuộc tọa đàm hàng quý về BCTC của từng nhóm ngành. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở mức độ nhắc nhở những DN có sai sót và yêu cầu giải trình, thì e rằng, “đến hẹn lại lên”, nhiều DN vẫn áp dụng các chiêu thức không minh bạch để ra được một bản BCTC sáng sủa hơn.

Hằng Phương
Hằng Phương

Tin cùng chuyên mục