Thời điểm đó, câu chuyện ở trời Tây đã gây tiếng vang trên thị trường trong nước bởi quy mô toàn cầu của hai tập đoàn này. Đây cũng là câu chuyện điển hình được nhắc đi nhắc lại trong giới kiểm toán về bài học đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm nghề nghiệp của kiểm toán viên và trách nhiệm xã hội của kiểm toán viên.
Đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên là gì?
Bất cứ kiểm toán viên nào tốt nghiệp chuyên ngành về kế toán kiểm toán, có chứng chỉ kiểm toán viên của Hiệp hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) hay các chứng chỉ hành nghề chuyên nghiệp của các hiệp hội nghề nghiệp về kế toán như Kế toán viên công chứng Anh (ACCA), Kế toán viên công chứng Úc (CPA Australia), đều hiểu qua khái niệm về đạo đức nghề nghiệp như tính chính trực, sự khách quan, năng lực chuyên môn và thận trọng, tính bí mật, tư cách nghề nghiệp, tuân thủ các chuẩn mực nghề nghiệp.
Những nội dung trong đạo đức nghề nghiệp có vẻ chung chung và hiển nhiên này, khi được mổ xẻ sâu hơn, nó được phát triển dựa trên một nền tảng về trách nhiệm của kiểm toán viên: trách nhiệm với ai và trách nhiệm về cái gì, như thế nào. Câu hỏi đầu tiên và lớn nhất đó là trách nhiệm với ai?
Dễ thấy rằng kiểm toán là một dịch vụ và ban lãnh đạo của DN là người ký kết hợp đồng kiểm toán; trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ thường được hiểu là đối với bên ký kết hợp đồng dịch vụ. Ở DN mà ban lãnh đạo đồng thời là chủ DN thì trách nhiệm của kiểm toán viên là đối với người ký kết hợp đồng là ban lãnh đạo đồng thời là chủ DN.
Tuy nhiên, với một công ty cổ phần hoặc công ty cổ phần niêm yết, nơi ban lãnh đạo đại diện cổ đông điều hành công ty thì trách nhiệm của kiểm toán viên không chỉ với ban quản lý, người có quyền quyết định trong việc chọn lựa kiểm toán viên, ký kết hợp đồng kiểm toán; mà là với cổ đông nói chung, những người có thể không tham gia điều hành công ty và không hề làm việc với kiểm toán viên. Chính vì trách nhiệm đối với số lượng cổ đông lớn và có thể hoàn toàn không liên quan đến hoạt động của công ty cũng như hoạt động kiểm toán, tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi kiểm toán viên phải đảm bảo tính chính trực, sự khách quan và sự cẩn trọng nghề nghiệp. Những tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp này là kim chỉ nam cho những ứng xử và quyết định của kiểm toán viên, đặc biệt trong những tình huống bị áp lực từ ban quản lý cũng như những tình huống có rủi ro gian lận từ ban quản lý.
Bài học từ Enron
Quay trở lại câu chuyện của Enron và Arthur Andersen, giới phân tích đã chỉ ra một số gian lận trong BCTC được kiểm toán của Enron. Thứ nhất, Enron thành lập hàng trăm công ty con với mục đích đặc biệt để giấu các khoản lỗ và nợ. Các công ty con này được phân loại là không cần phải được báo cáo trong BCTC hợp nhất của Enron. Kết quả là các khoản nợ và lỗ của Tập đoàn đã được loại trừ ra khỏi BCTC hợp nhất. Do đó, Enron vẫn báo cáo tăng trưởng đều đặn về doanh thu và lợi nhuận, trong khi thực tế Tập đoàn đang bị lỗ.
Thứ hai, áp dụng chính sách kế toán không phù hợp đối với doanh thu: Enron áp dụng chính sách ghi nhận doanh thu phức tạp và khác với các công ty trong ngành như Duke Energy, Reliant Energy… Các chính sách kế toán này giúp báo cáo doanh thu của Enron tăng 750% từ 13,3 tỷ USD năm 1996 lên 100,8 tỷ USD năm 2000, mức tăng trung bình 65%/năm được xem là không có tiền lệ trong ngành (khoảng 2 - 3%/năm). Mức tăng trưởng doanh thu này đưa Enron vào Top 50 của Fortune Global 500 và giá cổ phiếu của Enron đạt đỉnh 90,56 USD/cổ phiếu vào tháng 8/2000.
Tuy nhiên, những gian lận và bất thường này không được đưa ra trong báo cáo kiểm toán của Arthur Andersen. Khi Enron phá sản, Ban Kiểm soát của Enron đã thành lập một hội đồng đặc biệt gọi là The Powers Committee (tạm dịch là Hội đồng được uỷ quyền). Hội đồng này đã điều tra và đưa ra nhận định: “Andersen đã không hoàn thành trách nhiệm nghề nghiệp khi kiểm toán BCTC của Tập đoàn Enron, cũng như không hoàn thành trách nhiệm phải báo cáo với Ban Kiểm soát về những giao dịch bất thường với các công ty con với mục đích đặc biệt…”.
Sau vụ phá sản và những bê bối liên quan đến BCTC được kiểm toán của Enron, hàng loạt khách hàng của Arthur Andersen đã chấm dứt hợp đồng với công ty kiểm toán này và Andersen phải giải thể. Đơn giản, không một nhà đầu tư, cổ đông nào có niềm tin vào dịch vụ kiểm toán của Andersen.
Từ câu chuyện của Enron có thể thấy, trên TTCK, nhà đầu tư sử dụng báo cáo được kiểm toán để làm cơ sở ra quyết định đầu tư. Vì thế, dịch vụ kiểm toán mang ý nghĩa vô cùng thiết yếu đối với sự phát triển của thị trường, bởi không có niềm tin, nhà đầu tư khó có thể đặt tiền của mình vào những công ty mà họ không có cơ hội quản lý cũng như tiếp cận thông tin đầy đủ, kịp thời.
Vụ việc xảy ra tại CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC), cũng như những câu hỏi chưa được giải đáp xoay quanh số tiền mặt 433 tỷ đồng (chiếm tương ứng 23% nguồn vốn và 17,4% tổng tài sản của Công ty) được báo cáo trên BCTC cho giai đoạn từ 1/1/2014 đến 31/3/2015; được kiểm toán bởi KPMG cho thấy, nhà đầu tư trong môi trường hiện tại vẫn chịu rất nhiều rủi ro. Và câu hỏi đặt ra, hiện dịch vụ kiểm toán đã phát huy vai trò của mình trong sự tồn tại và phát triển của TTCK ở mức độ nào?