Công bố thông tin doanh nghiệp là hết sức cần thiết, giúp minh bạch và chuyên nghiệp hóa thị trường. Với từng loại thông tin, từng loại hình doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về công bố thông tin. Bởi có những thông tin nếu không được cơ quan quản lý công bố kịp thời, sẽ gây thiệt hại cho cổ đông, nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng, ví dụ như trường hợp của công ty đa cấp Liên Kết Việt. Ngược lại, đối với vụ việc của Công ty Chế biến và kinh doanh thực phẩm Việt (Vietfoods) mới đây, việc cơ quan quản lý công khai thông tin vội vàng khi chưa có kết luận rõ ràng, đã khiến doanh nghiệp này điêu đứng.
Vậy, công bố thông tin như thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất, nhất là với thông tin nhạy cảm như an toàn thực phẩm?
Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, Khoản 4, Điều 68, Luật An toàn thực phẩm quy định, hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm phải bảo đảm nguyên tắc “khách quan, chính xác, công khai, minh bạch”, đồng thời phải “bảo vệ bí mật thông tin, tài liệu, kết quả kiểm tra... khi chưa có kết luận chính thức”.
Trở lại câu chuyện của Vietfoods, doanh nghiệp này đã phát đi thông điệp để ngỏ khả năng khởi kiện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội.
Đại diện của Vietfoods khẳng định, việc Đội 14 (thuộc Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) công bố thông tin sai sự thật đã gây thiệt hại nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh của Công ty, thiệt hại ước tính hơn 10 tỷ đồng. Dù đã được minh oan, nhưng tổn thất về thương hiệu đã khiến Vietfoods lâm vào hoàn cảnh bi đát. Vietfoods đề nghị một lời xin lỗi công khai để lấy lại danh dự, uy tín và yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội hủy biên bản vi phạm hành chính với Vietfoods.
Chiều 30/5, khi Báo Đầu tư Chứng khoán liên lạc, nhưng lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã từ chối trả lời về vụ việc.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho hay, quyết định trả lời khiếu nại của cơ quan thẩm quyền là cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp có quyền đề nghị bồi thường.
Trước đó, năm 2014, Công ty TNHH Mạnh Cầm đã khởi kiện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội trước quyết định xử phạt hành chính 6.000 hộp sữa dê do nghi ngờ chất lượng sản phẩm. Sau khi kiểm nghiệm, toàn bộ số sữa trên đều đạt chất lượng. Dù được “minh oan” sau đó, ước tính thiệt hại mà Công ty TNHH Mạnh Cầm phải chịu là trên 26 tỷ đồng, nhưng quan trọng hơn, uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Việc doanh nghiệp khiếu kiện cơ quan chức năng trước chốn công đường là vạn bất đắc dĩ, tuy nhiên, cũng khó có cách nào khác để doanh nghiệp có thể chứng minh sự trong sạch và có thể phần nào cứu vãn được tổn thất.
Còn nhớ, năm 2015, việc Công ty Phú Lễ (bị truy thu và phạt gần 5,6 tỷ đồng) thắng kiện Cục Thuế TP. HCM đã tháo gỡ nhiều khúc mắc của doanh nghiệp liên quan đến chiết khấu, cho tặng và khuyến mãi. Trong vụ việc này, Công ty Phú Lễ bán sỉ rượu nếp và rượu chuối hột, có hợp đồng với đại lý kèm thỏa thuận, nếu đại lý mua hàng đạt doanh số trên 100 triệu đồng thì được hưởng chiết khấu thương mại 5%. Khi thanh tra, Cục Thuế TP.HCM cho rằng, khoản chiết khấu này không được chấp nhận và xem đây là khuyến mãi. Do đó, doanh thu của doanh nghiệp này được xác định lại là cao hơn và bị truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp. Sau khi xem xét, tòa án khẳng định, chiết khấu thương mại không đồng nghĩa với khuyến mãi và doanh nghiệp thắng kiện.
Bàn về rủi ro của doanh nghiệp trong xã hội thông tin hiện nay, Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng, việc một doanh nghiệp phá sản chỉ sau một đêm là hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này xuất phát từ sự chưa rõ ràng, thiếu nhất quán của quy định pháp lý. Thậm chí, nếu người thực thi công vụ không thường xuyên cập nhật kiến thức về chuyên môn, sẽ dễ dẫn đến sai lầm và gây hậu quả khôn lường.
Luật sư Truyền cho hay, nếu môi trường kinh doanh là lành mạnh thì tính minh bạch phải được đặt lên hàng đầu. Quy định pháp luật chính là “hành lang” để cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp cùng bước trên đó. Bất cứ vi phạm từ bên nào đều phải được xử lý triệt để, khách quan và minh bạch.