Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chỉ ra điểm hạn chế trong công tác xét xử án hình sự là nhiều trường hợp mức án tuyên chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, một số vụ án được dư luận, cử tri quan tâm, nhưng bản án chưa nhận được sự đồng tình cao trong việc xác định tội danh, có trường hợp bị tòa án cấp phúc thẩm hủy vì sai tội danh.
Đơn cử, vụ VN Pharma được cấp sơ thẩm xác định là tội “buôn lậu” nhưng cấp phúc thẩm hủy án, trả hồ sơ cho viện kiểm sát để điều tra lại và xác định có nhiều dấu hiệu phạm tội "sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh".
Thuốc là một ngành đặc biệt, theo PGS-TS. Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế phụ trách lĩnh vực Dược, trong nhiều vụ việc đã xảy ra, bài học kinh nghiệm với cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp là xử lý công việc phải rất rõ ràng. Nếu sai về mặt tư duy, chiến lược thì không thể thoát ra được.
Để minh chứng, ông Truyền kể lại 2 vụ việc nhập khẩu thuốc có thể coi là kinh điển, là bài học cho cả doanh nghiệp và nhà quản lý.
“Vào những năm 90, Việt Nam cần nhập 40 tấn Ampixilin. Giá trị lô hàng mấy trăm nghìn USD khi đó là rất lớn. Bộ giao cho Vimedimex nhập thuốc của Ấn Độ. Lô thuốc được nhập về, Vinacontrol kiểm nghiệm đạt hết. Tuy nhiên, khi Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương kiểm định thì có tới 26 tấn thuốc không đạt chất lượng”, ông Truyền kể câu chuyện thứ nhất.
“Báo chí làm ầm lên truy trách nhiệm của tôi”, ông Truyền nói.
“Họ đặt câu hỏi, tại sao Vinacontrol kết luận đạt nhưng Bộ Y tế lại không công nhận, mà lại lấy kết quả của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương. Vinacontrol là cơ quan kiểm nghiệm của Bộ Công thương”, ông nói và cho biết, nếu Bộ Y tế công nhận kết quả kiểm nghiệm của Vinacontrol, đó sẽ là một cái bẫy. Bởi họ là cơ quan kiểm nghiệm thuốc ngoài ngành y tế, dư luận sẽ chất vấn Bộ Y tế dựa trên căn cứ khoa học nào để công nhận kết quả kiểm nghiệm?
“Bộ Y tế không công nhận kết quả kiểm nghiệm của Vinacontrol, mà công nhận kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương. Chúng tôi có viện kiểm nghiệm thuốc và tôi tin kết quả kiểm nghiệm của viện này. Nếu họ kiểm nghiệm sai, chúng tôi sẽ kỷ luật họ. Bộ Y tế không thể chấp nhận thuốc không đạt nhập vào Việt Nam và Bộ sẽ xử lý doanh nghiệp nào nhập thuốc không đạt chất lượng”, ông Truyền kể.
Câu chuyện thứ hai mà vị chuyên gia này kể lại cũng cho thấy sự nhạy cảm trong ranh giới chất lượng thuốc.
“Thời đó Việt Nam rất thiếu thuốc, thị trường có một loại thuốc tổng hợp gồm B1, B6, B12 nhập của Pháp. Một công ty có tên Calipharco do một Việt kiều thành lập, đăng ký nhập một loại thuốc giống như viên thuốc trên và đặt tên na ná. Hồi đó, hệ thống kiểm nghiệm của Việt Nam rất kém.
Họ đăng ký kiểm nghiệm bằng phương pháp vi sinh cho lô thuốc. Viện Kiểm nghiệm TP.HCM có 1 cái máy kiểm nghiệm hóa học và phát hiện thuốc không đạt tiêu chuẩn bằng phương pháp hóa học. Tuy nhiên, Viện Kiểm nghiệm Hà Nội lại nói thuốc đạt chất lượng. Cơ quan quản lý tin ai đây?”, ông Truyền kể.
“Nếu tôi tin phía Sài Gòn, thì phía Hà Nội sẽ khó chịu và ngược lại. Hơn nữa, dù tôi có công nhận kết quả của phía nào đi chăng nữa thì doanh nghiệp cũng có thể không công nhận, vì các viện kiểm nghiệm không làm theo phương pháp doanh nghiệp đã đăng ký”, vị chuyên gia này nói.
Một cuộc họp với 2 tổ chức kiểm nghiệm được triệu tập và ông Truyền yêu cầu đưa viên thuốc ra.
“Tôi cầm viên thuốc lên thấy có mấy chấm đen, liền hỏi: Thế các anh đã kiểm nghiệm xem thuốc có nhiễm vi sinh, nhiềm nấm mốc hay chưa? Các vị ấy ngớ người ra, báo cáo ‘chưa làm’”, ông nói.
Sau 7 ngày, kiểm định yếu tố trên (hệ thống máy Việt Nam làm được), kết quả cho thấy thuốc không đạt chất lượng, chỉ số vi sinh không đạt, nấm không đạt. Lô thuốc đã không được cấp phép nhập về Việt Nam.