Từ vụ Vạn Thịnh Phát, đề nghị bắt buộc công chứng hồ sơ doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là phát biểu của đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) khi thảo luận tại tổ về dự án Luật Công chứng (sửa đổi) chiều 17/6.

Chiều 17/6, sau khi Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật này.

Cần quy định bắt buộc công chứng hồ sơ doanh nghiệp

Góp ý vào dự án luật, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng cần quy định bắt buộc công chứng hồ sơ thành lập doanh nghiệp, nhất là sau bài học của vụ án Vạn Thịnh Phát.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội)

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội)

Theo đại biểu, thủ tục thành lập doanh nghiệp hiện nay quá dễ dàng nên chưa bảo đảm chặt chẽ, thậm chí tạo ra kẽ hở dễ bị lợi dụng vào các mục đích phi pháp. Chỉ cần có một bản sao căn cước công dân và 2 triệu đồng phí dịch vụ là có thể thành lập một doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp không cần xuất hiện, thậm chí không cần ký vào hồ sơ.

Ngoài ra, đại biểu nhận định, việc giả mạo chữ ký trong điều lệ doanh nghiệp, biên bản họp hội đồng quản trị, hội đồng thành viên và các văn bản nội bộ doanh nghiệp diễn ra nhiều, đã có nhiều vụ án liên quan, để lại hậu quả lớn.

Trong đó, điển hình là vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với hàng loạt hành vi làm giả hồ sơ doanh nghiệp, lập khống hồ sơ vay vốn, thuê người đứng tên cổ phần… Bị cáo Trương Mỹ Lan bị cáo buộc thao túng 95% cổ phần Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và điều hành hơn 1.000 doanh nghiệp, gây thiệt hại hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, hiện tượng nâng khống vốn điều lệ, thuê người đứng tên doanh nghiệp, giả mạo hồ sơ doanh nghiệp, thành lập doanh nghiệp bừa bãi để hợp thức hóa các hành vi vi phạm pháp luật như trốn thuế, rửa tiền, thao túng giá cả thị trường, làm “quân xanh” trong hoạt động đấu giá, đấu thầu xuất hiện thường xuyên, gây mất trật tự, an toàn xã hội.

Do đó, đại biểu cho rằng, cần có công cụ kiểm soát tính hợp pháp đối với hồ sơ thành lập doanh nghiệp và các giao dịch trong nội bộ doanh nghiệp, phòng ngừa rủi ro cho các chủ thể giao dịch với doanh nghiệp.

"Do đó, cần thiết phải bắt buộc công chứng điều lệ doanh nghiệp, hồ sơ thành lập doanh nghiệp và các biên bản họp của hội đồng quản trị, đại hội đồng cổ đông, hội đồng thành viên trong các doanh nghiệp để bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và an ninh kinh tế", ông Hà nói.

Vẫn còn ý kiến khác nhau về trách nhiệm chứng thực bản dịch của công chứng viên

Tại tổ TP. Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Phó giám đốc Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ đồng tình với điểm mới của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) là công chứng viên chỉ cần chứng nhận chứ không cần chứng thực nội dung bản dịch.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh phát biểu về Luật Công chứng chiều 17/6 (Ảnh: M.Minh)

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh phát biểu về Luật Công chứng chiều 17/6 (Ảnh: M.Minh)

Theo đại biểu, hiện nay có hai đơn vị làm việc chứng thực bản dịch là các Sở Tư pháp và các đơn vị hành nghề công chứng, sản phẩm có giá trị pháp lý ngang nhau. Tuy nhiên, việc phải chứng thực bản dịch gây áp lực cho các công chứng viên, nhất là đối với những ngoại ngữ không phổ biến; do đó thời gian gần đây lượng bản dịch cần chứng thực chuyển về các Sở Tư pháp tăng gấp 6 lần, gây quá tải cho cơ quan tư pháp.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An) cho rằng, việc quy định công chứng viên công chứng bản dịch như Luật Công chứng hiện hành sẽ có nhiều vướng mắc trong thực tiễn, bởi vì công chứng viên không thể thông thạo một lúc nhiều ngoại ngữ, thậm chí là tiếng dân tộc thiểu số để hành nghề.

Đại biểu Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An)

Đại biểu Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An)

Nếu sử dụng đội ngũ cộng tác viên phiên dịch thì phải chia sẻ trách nhiệm (có nghĩa là phải quy định rõ trách nhiệm của người phiên dịch đối với tính chính xác của bản dịch với bản gốc). Điều này sẽ không phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật cũng như trách nhiệm cá nhân trong hoạt động công chứng.

Do đó, đại biểu Trần Nhật Minh cho rằng, việc quy định như dự thảo Luật “công chứng viên chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực” là phù hợp.

Trước đó, khi thẩm tra dự thảo Luật này, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng tán thành với quy định của dự thảo luật về việc không bắt buộc công chứng viên chứng thực bản dịch, tránh việc trong thực tế nhiều công chứng viên từ chối thực hiện công chứng bản dịch do không đủ trình độ về ngoại ngữ để chứng nhận tính chính xác, hợp pháp của văn bản, tổ chức hành nghề công chứng cũng không xây dựng được đội ngũ cộng tác viên phiên dịch, gây ra sự “quá tải” về chứng nhận bản dịch tại Phòng Tư pháp một số địa phương khi thay vì đến tổ chức hành nghề công chứng, người dân lựa chọn chứng thực chữ ký người dịch.

Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Cần Thơ) lại nêu vấn đề, công chứng viên chỉ xác thực chữ ký người dịch, vậy ai là người xác thực, chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch?

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Cần Thơ) - Ảnh: Phan Thảo

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Cần Thơ) - Ảnh: Phan Thảo

“Chúng ta tách ra để công chứng viên không chịu rủi ro, vậy ai chịu rủi ro? Đề nghị công chứng phải xác thực cả nội dung bản dịch và tính chính xác của bản dịch. Nếu công chứng viên không đủ trình độ ngoại ngữ thì họ phải có cộng tác viên”, ông Phương nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (đoàn Bình Định) cũng cho rằng, công chứng viên phải chịu trách nhiệm với việc chứng thực bản dịch, cả về nội dung, chứ không chỉ là chứng thực chữ ký người dịch.

Cần có lộ trình thí điểm công chứng điện tử

Về công chứng điện tử, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) cho rằng, đây là điểm mới nên thực hiện cần có lộ trình thí điểm, tiến hành thận trọng, có bước đi hợp lý. Trước mắt, chỉ áp dụng công chứng điện tử ở phạm vi hẹp với một số giao dịch đơn giản, ở những địa phương đáp ứng đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật…

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM đề nghị cần phải có lộ trình thực hiện nhất định và thời gian thích hợp cho việc đảm bảo các điều kiện để công chứng viên có thể khai thác được cơ sở dữ liệu phục vụ công chứng điện tử, vì hiện nay cơ sở dữ liệu chưa đầy đủ nhất là các thông tin về tài sản hay các giao dịch liên quan để thực hiện công chứng.

Điều quan trọng là việc xác định hành vi, năng lực dân sự không thể thực hiện nếu công chứng viên không gặp trực tiếp, vì việc này liên quan đến kinh nghiệm của công chứng viên trong phát hiện hành vi lừa đảo, dụ dỗ, ép buộc, lôi kéo để làm trái hoặc không đúng với mong muốn của các bên giao dịch dân sự…

"Bên cạnh đó, với thực tiễn công nghệ AI đang rất phát triển có thể giả danh giọng nói, hình dạng…, nên nếu chỉ giao dịch trực tuyến thì sẽ không đảm bảo, do đó cần phải nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng để đưa vào dự thảo luật", bà Lệ nói.

Nêu quan điểm về nội dung này, đại biểu Trần Thị Vân (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Ninh) cho rằng, việc dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) lần này bổ sung các quy định về công chứng điện tử là hết sức cần thiết nhằm xây dựng hành lang pháp lý cho việc thực hiện và công nhận công chứng điện tử. Đây là sự thay đổi phương thức thực hiện không thay đổi bản chất và đặc điểm công chứng.

Đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh)

Đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh)

Tuy nhiên, theo bà Vân, các nội dung tại dự thảo Luật mới chỉ dừng lại ở việc chỉnh lý và quy định một số nội dung cốt lõi nhất, các nguyên tắc vẫn còn rất chung chung và việc giao Chính phủ quy định chi tiết về các vấn đề liên quan như lộ trình thực hiện, cơ sở dữ liệu về công chứng, yếu tố kỹ thuật, công nghệ thông tin… phải đảm bảo tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch.

Đại biểu tỉnh Bắc Ninh đề nghị, cần cân nhắc hết sức thận trọng để xây dựng đầy đủ khung pháp lý cho công chứng điện tử phù hợp với đòi hỏi, sự thay đổi, điều chỉnh các quy định về đất đai, dân sự, nhà ở, thương mại, doanh nghiệp, thuế… theo hướng xử lý hồ sơ điện tử. Nói cách khác, để xây dựng được thể chế và thúc đẩy tiến trình công chứng điện tử, cần có sự thay đổi lớn trong hệ thống pháp luật.

Đề nghị nghiên cứu, thực hiện thí điểm đối với một số giao dịch đơn giản như giấy uỷ quyền, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp… và có quy định rõ lộ trình thực hiện để đảm bảo hoàn thiện cơ sở dữ liệu và các yếu tố khác có liên quan trong 7 yếu tố cốt lõi của hợp đồng công chứng. Hiện nay, chỉ có 4/7 yếu tố có thể được các công cụ điện tử thực hiện chính xác và có thể thay thể hoàn toàn con người. Tuy nhiên, còn 3/7 yếu tố mà máy móc chưa thể đảm bảo thay thế hoàn toàn được vai trò của con người…, bà Vân lưu ý.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục