Từ vụ Merrill Lynch: Nhìn lại khía cạnh thực và khía cạnh tài chính của nền kinh tế

(ĐTCK-online) Hệ thống tài chính là một phần của nền kinh tế hiện đại. Các nhà kinh tế đã xây dựng một công trình hữu ích về mặt phân tích nhằm phân biệt giữa nền kinh tế thực và nền kinh tế tài chính. Theo đó, nền kinh tế thực bao gồm lực lượng lao động, máy móc thiết bị và đất đai sử dụng để sản xuất hàng hóa và dịch vụ.
Nhà đầu tư nên tập thói quen tiếp nhận những đánh giá khác biệt của các tổ chức tài chính với một thái độ đúng mực hơn. Nhà đầu tư nên tập thói quen tiếp nhận những đánh giá khác biệt của các tổ chức tài chính với một thái độ đúng mực hơn.

Các nhà kinh tế và không ít nhà hoạch định chính sách cho rằng, hệ thống tài chính tuy tinh xảo thật đấy, nhưng lại ít có đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng.

Thực tế cho thấy, quan điểm trên tỏ ra là công cụ phân tích hiệu nghiệm khi lý giải những nhân tố dẫn đến tăng trưởng của một quốc gia. Nhưng không phải công cụ phân tích như thế lúc nào cũng luôn luôn đúng, do các nhà kinh tế thường quá dễ dãi rơi vào thói quen tư duy, cái thứ nhất thì quan trọng còn cái thứ hai thì không. Đây là một sai lầm lớn.

Bất kỳ nền kinh tế hiện đại nào cũng đều đòi hỏi một hệ thống tài chính tinh vi để hỗ trợ khía cạnh thực của nó. Rất tiếc khía cạnh hỗ trợ này của hệ thống tài chính thường bị các nhà kinh tế bỏ quên khi đưa ra các dự báo về triển vọng tăng trưởng tương lai của một quốc gia.

Sai lầm trong nhận định như thế đôi khi lại được hỗ trợ bằng những chứng cứ thực nghiệm. Chẳng hạn, khi tranh luận về việc có nên kiểm soát vốn hay không thì các nhà kinh tế lại đưa ra khá nhiều bằng chứng cho thấy, nếu nền kinh tế thực là tốt thì cho dù có kiểm soát hay không vốn vẫn chảy vào nơi nó cần đến. Thế là họ đâm ra chủ quan và không thấy hết là khi hệ thống tài chính bắt đầu trở nên tồi tệ thì chúng sẽ lây lan một cách nhanh chóng sang các khía cạnh thực của nền kinh tế.

Đó là cái giá mà các nhà kinh tế đã phải trả từ bài học của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Bài học từ sự chủ quan vẫn còn nóng hổi, nên khi liên hệ với TTCK Việt Nam , chúng ta thật tình không thể hiểu nổi số liệu dòng vốn gián tiếp chảy vào TTCK trong thời gian qua là bao nhiêu, cho đến giờ này vẫn còn là một ẩn số. Đồng ý là triển vọng tăng trưởng của Việt Nam vẫn đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài bám trụ lâu dài, nhưng cũng sẽ thật nguy hiểm nếu như có một cú sốc hay bất ổn nào đó xuất hiện ngay trong hệ thống tài chính, khi đó một sự hoảng loạn và mất kiểm soát tình hình có thể xuất hiện và nó sẽ làm tan nát những khía cạnh thực của nền kinh tế.

Từ cách tiếp cận vấn đề như thế, bây giờ chúng ta thử liên hệ với những đánh giá của các định chế tài chính quốc tế như HSBC, Merrill Lynch, WB, IMF trong thời gian gần đây để có cách nhìn đúng mực hơn. Nếu những đánh giá này là tốt, chúng sẽ được sự đồng tình rất cao. Điều này là hiển nhiên do chúng phù hợp với khía cạnh thực của nền kinh tế, nhưng nếu đó lại là đánh giá bi quan thì thường nhận được những phản ứng khá quyết liệt. Chúng ta thường cho đó là những nhận định phiến diện. Nói chung, chúng ta áp dụng triệt để “khía cạnh thực” của nền kinh tế là cái quyết định nhất và là cái quan trọng nhất để nhìn nhận vấn đề. Đa phần ý kiến đánh giá bi quan của các tổ chức tài chính vì vậy thường được chúng ta nhìn nhận, đó là những nhận định mang tính ngắn hạn vì nó không tương thích với khía cạnh thực của nền kinh tế (cho dù trong cách đánh giá của mình, các tổ chức này không hề hàm ý như thế?)

Thường thì chúng ta cho rằng, Việt Nam là một quốc gia đầy tiềm năng nên đương nhiên điều này sẽ tác động tốt đến hệ thống tài chính, mà TTCK là một điển hình của sự tăng trưởng từ tiềm năng của nền kinh tế. Nhưng, như đã đề cập, nếu chỉ đặt nặng đến khía cạnh thực và xem nhẹ khía cạnh hệ thống tài chính thì không khéo chúng ta sẽ lặp lại sai lầm mà các nước đã phải trả giá 10 năm về trước. Có lẽ cách mà chúng ta nên làm là cần nghiên cứu một cách cẩn thận những đánh giá trái chiều của họ (bài viết này không đề cập đến khả năng về những nhận định “có ý đồ” của các định chế tài chính nếu có).

Một số nhà lãnh đạo ở các nước khi nghiên cứu về những thành công hay thất bại của các triều đại trước, thay vì nhờ vào các công trình sử học trong nước thì giờ đây họ lại bắt đầu nghiên cứu các đánh giá của sử gia nước ngoài. Họ làm thế để biết, dưới góc nhìn của người nước ngoài thì những thành công hay thất bại này sẽ được nhìn nhận như thế nào, và cũng để tránh đi sự đánh giá chủ quan của người trong cuộc. Hơn nữa, biết họ nghĩ tốt hay xấu về mình như thế nào để tìm cách đối phó cũng là một cách ứng xử khôn ngoan.

Trên góc nhìn đó, chúng ta cần đánh giá đúng mức những gì mà các định chế tài chính nước ngoài công bố, nếu giả sử như họ có những đánh giá không chính xác, chúng ta cũng nên thấy đây là điều bình thường. Chẳng phải họ đã liên tục mắc phải sai lầm hay sao khi mà chẳng ai trong số các định chế tài chính tầm cỡ phát hiện ra những dấu hiệu bất ổn dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính 1997. Trước đây, chẳng phải cũng chính các tổ chức này đã ca ngợi hết lời những thành công ngoạn mục của các nền kinh tế như Thái Lan, để rồi sau đó họ đã thất vọng đó hay sao.

Điều cần nói thêm là chúng ta cần hiểu đúng phương pháp đánh giá của các tổ chức tài chính. Thậm chí, ngay cả những tổ chức chuyên xếp hạng rủi ro quốc gia như S&P, người ta cũng thấy là họ không đưa những mô hình toán ứng dụng nào ghê gớm lắm để đánh giá rủi ro quốc gia hay xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp. Thay vào đó, họ chỉ sử dụng những thông tin đã được công bố mà phần lớn được thu thập từ thông tin của nước chủ nhà.

Những số liệu về các chỉ số kinh tế vĩ mô như nợ nần, lạm phát, tăng trưởng đầu tư, tỷ giá thực của Việt Nam và các nước do IMF hay WB công bố, phần lớn cũng đều lấy từ số liệu do nước chủ nhà cung cấp. Do đó, nếu như chúng ta cung cấp số liệu cho họ có vấn đề thì tất nhiên các đánh giá sẽ bị sai lệch. Đánh giá của các định chế như IMF, WB, HSBC hay Merrill Lynch gần đây nếu có lệch lạc cũng nên xem đó là một khả năng, nhất là đối với Việt Nam, nơi mà nguồn số liệu thống kê vẫn còn phải cải tiến nhiều hơn nữa mới theo kịp chuẩn mực thống kê quốc tế.

Đó là chưa kể đến các đánh giá này còn phụ thuộc vào trình độ kinh nghiệm, thậm chí cả học vấn của người phân tích. Mà nói đến những yếu tố thuộc về học vấn hay kinh nghiệm thì vô cùng bởi rất khó đánh giá nó trong một sớm một chiều. Cách tốt nhất trong dài hạn là các phương tiện truyền thông cần tìm cách công bố rộng rãi cho công chúng đầu tư những thông tin này và để cho họ tự quyết định, thay cho cách phân tích theo kiểu chê bai như với Merrill Lynch hay IMF đã tự hạ thấp mình. Có thể một trong số họ đã phạm phải sai lầm, nhưng còn chủ quan đánh giá quá thấp toàn bộ nhận định của họ là điều không nên làm. Lẽ nào một đội bóng có đẳng cấp cao lại tự đánh mất mình chỉ vì một vài trận thua?

Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam là điều hiển nhiên không cần phải bàn cãi, nhưng nếu như chúng ta quá dựa vào đó mà xem nhẹ đánh giá khía cạnh tài chính của nền kinh tế thực từ các tổ chức tài chính quốc tế (như hội chứng phát hành cổ phiếu tăng vốn làm giảm EPS của các doanh nghiệp hay những bất cập trong ban hành chính sách và cơ chế giám sát tài chính…) thì đó là điều không nên chút nào. Còn nhà đầu tư cũng nên tập thói quen tiếp nhận những đánh giá khác biệt của họ với một thái độ đúng mực hơn, thay vì phản ứng thái quá dễ dẫn đến những quyết định đầu tư sai lầm.

PGS.TS Trần Ngọc Thơ
PGS.TS Trần Ngọc Thơ

Tin cùng chuyên mục