Từ vụ JVC: Dấu hỏi về cơ chế bảo vệ cổ đông

(ĐTCK) Các cổ đông lớn của CTCP Y tế Việt Nhật (JVC) đều tỏ ra bất ngờ, hoang mang trước những thông tin gần đây liên quan đến tình hình quản trị Công ty, dù họ là NĐT tổ chức chuyên nghiệp. Câu chuyện JVC liệu có phải là một tiếng chuông cảnh báo về sự yếu kém trong công tác bảo vệ quyền lợi NĐT, không chỉ là NĐT cá nhân nhỏ lẻ?
Ảnh Internet Ảnh Internet

Sự ngỡ ngàng của những NĐT chuyên nghiệp…

“Chiều qua, trên một forum của skype, một người đưa tin Chủ tịch HĐQT JVC bị bắt nhưng ngay lập tức lại xóa đi. Sáng nay, tôi gọi điện thoại cho tất cả mọi người từ HĐQT, Ban Tổng giám đốc, đến mấy cậu thư ký nhưng tất cả đều khóa máy. Anh Hướng (nguyên Chủ tịch HĐQT JVC -PV)  thường không hay nghe máy đã đành, nhưng những người khác đều không nghe máy thì kỳ quá, không hiểu là như thế nào nữa”. 

Đây là chia sẻ của lãnh đạo một quỹ đầu tư lớn nước ngoài, người từng thiếu chút nữa ngồi vào HĐQT và tham gia phụ trách một mảng tại JVC sáng ngày 10/6/2015, ngày đầu tiên cổ phiếu JVC bị chất sàn đồng loạt.

Có quãng thời gian vài năm đồng hành cùng JVC, chưa khi nào vị đại diện quỹ này nghĩ rằng, có một ngày, mình không thể liên lạc được với bất kỳ ai tại Công ty, không biết được điều gì đang diễn ra tại đây.

Với anh, JVC tưởng như công ty người nhà, khi anh luôn tham dự các cuộc họp lớn, từng chia sẻ những kế hoạch, kỳ vọng của Ban lãnh đạo về tương lai cho JVC.

Thế nhưng, tâm trạng băn khoăn, rối bời không chỉ có từ đại diện quỹ này.

Cuối ngày 20/6/2015, khi thông tin miễn nhiệm và bầu mới Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc của JVC được công bố, lãnh đạo một quỹ đầu tư nước ngoài có tên tuổi tại Việt Nam cho biết, ông cảm thấy như đi vào ngõ cụt vì không biết sẽ ứng xử như thế nào với khoản đầu tư vào JVC.

“Tôi có cảm giác như mọi thứ mà mình biết về doanh nghiệp đều không đúng. Tôi không biết JVC sẽ đi về đâu, có tiếp tục hoạt động được không? Ban lãnh đạo mới liệu có dẫn dắt được Công ty tiếp tục kế hoạch kinh doanh? Những thông tin về tình hình kinh doanh, tài sản, kết quả kinh doanh trước đây của JVC có phản ánh đúng, hay sau sự cố này sẽ lộ ra một tình trạng kinh doanh bết bát? Tôi cảm thấy xấu hổ với các NĐT của mình vì bây giờ, muốn thoái vốn cũng không được”, vị này nói. 

… và bất lực của NĐT cá nhân

Từng làm Tổng giám đốc một CTCK lớn trong nước, Giám đốc đầu tư một quỹ đầu tư của Anh tại Việt Nam, một NĐT khác của JVC, đang sinh sống tại TP. HCM cũng phải thốt lên: “Thương vụ này tôi chết vì quá nhiều thông tin”. Theo đó, vị này đã mua vào 10% giá trị tài khoản của mình chỉ vài ngày trước khi cổ phiếu JVC bị bán sàn.

“Tôi đã tìm hiểu kỹ tất cả tài liệu DN công bố, từ các CTCK và các quỹ đầu tư. Mọi người đều đưa ra nhận xét tốt về JVC”, NĐT nói trên cho biết.

Xui xẻo hơn là trong phiên giao dịch ngày 16/6/2015, vị này lại tiếp tục mua vào vì tin tưởng vào khả năng “thoát hiểm” của Chủ tịch HĐQT JVC.

“Một nguồn tin nói rằng, ông Hướng bị bắt vì bán tài sản đã thế chấp tại ngân hàng. Tôi đã hỏi và được trả lời là do nhân viên bên đó bán nhầm, nên đã khắc phục xong rồi. Vì thế, tôi tin JVC sẽ lại như cũ”, vị này đưa ra lý do tham gia bắt đáy cổ phiếu JVC ở mức giá 16.000 đồng/CP, để đến hôm qua, 30/6/2015, giá cổ phiếu tiếp tục giảm thêm gần 50% kể từ giá đáy này. So với mức giá đã mua từ trước đó, chỉ trong vòng gần 3 tuần, khoản đầu tư vào JVC của vị này bốc hơi trên 64%. 

Dấu hỏi về cơ chế bảo vệ cổ đông

Không phải ngẫu nhiên mà Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá Việt Nam xếp thứ 117 trên tổng số 189 nền kinh tế về mức độ bảo vệ NĐT trong đánh giá môi trường kinh doanh tại Việt Nam năm 2015. Dù đã cải thiện 40 bậc xếp hạng so với vị trí tại báo cáo đánh giá môi trường kinh doanh tại Việt Nam năm 2014, nhưng con số này vẫn cho thấy đánh giá không cao của thế giới đối với Việt Nam.

Câu chuyện JVC, với phản ứng bắt đầu từ tin đồn, rồi đến phủ nhận của doanh nghiệp và cuối cùng là xác minh tin đồn là một tiền lệ xấu.

Không phải ai cũng được tiếp cận tin đồn sớm để bán ra vào phiên cổ phiếu JVC giảm sàn đầu tiên. Không phải ai cũng có thông tin để biết rằng, phủ nhận của DN thực ra là… không đúng.

NĐT được khuyến cáo không nên ra quyết định đầu tư theo tin đồn, nhưng hết trường hợp này đến trường hợp khác, tin đồn lần lượt được xác minh là đúng.

TTCK là thị trường được xây dựng dựa trên niềm tin. Tiếc rằng, đến tận bây giờ, khi thị trường đang phản ứng tiêu cực với JVC, khi niềm tin NĐT đang lung lay, thì họ lại chưa thấy một động thái nào (một cách rõ ràng) từ phía các cơ quan hữu quan trong việc bảo vệ họ.

Bùi Sưởng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục