Từ vụ dị vật trong sản phẩm của Coca-Cola: Nghĩa vụ chứng minh sản phẩm lỗi thuộc về ai?

(ĐTCK) Sau 5 năm, vụ việc tranh chấp giữa Coca-Cola và khách hàng đã ngã ngũ, song những thắc mắc liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của các bên vẫn còn bỏ ngỏ.
Sản phẩm nước cam ép Splash của Coca-Cola Sản phẩm nước cam ép Splash của Coca-Cola

Người tiêu dùng thua kiện

Trong đơn khởi kiện đề ngày 28/12/2011, bà Nguyễn Thị Bình Minh (sinh năm 1982, tại P. Tây Tựu, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, ngày 5/10/2011, bà mua 5 chai nước cam ép thủy tinh mang nhãn hiệu Splash của hãng Coca-Cola (sản xuất ngày 29/6/2011, hạn sử dụng ngày 29/12/2011) do Chi nhánh Coca-Cola tại Hà Nội sản xuất.

Lẫn trong số hàng này, bà Minh phát hiện có 1 chai Splash còn nguyên nắp, nhưng bên trong chứa nhiều tạp chất như mảnh thủy tinh, mẩu giấy có chữ…

Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bà Minh ủy quyền cho 1 công ty luật làm việc với Công ty TNHH Coca-Cola Việt Nam. Sau nhiều lần đàm phán bất thành, hai bên không thống nhất được việc giám định chai nước cam ép Splash nhằm làm sáng tỏ đây có phải là sản phẩm của Coca-Cola hay không?

Do không tìm được cơ quan có thẩm quyền kiểm định độc lập 5 mẫu kể trên, bà Minh đã khởi kiện Coca-Cola Việt Nam ra tòa án với 3 yêu cầu: được bồi thường số tiền mua 1 chai nước cam ép Splash; được xin lỗi công khai trên 5 số báo liên tiếp và Coca-Cola Việt Nam có văn bản giải thích rõ về nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện tạp chất trong sản phẩm.

Và cuộc chiến pháp lý giữa hai bên kéo dài từ đó, trong suốt 5 năm qua.

Trước đề nghị từ phía người tiêu dùng, Coca-Cola khẳng định, sẽ chỉ công nhận tính nguyên vẹn của sản phẩm khi kết quả kiểm định chai nước có dị vật đáp ứng đủ 4 tiêu chí (mức độ đóng chặt nắp chai, độ kín bao bì, hàm lượng đường, vị-mùi-ngoại quan của sản phẩm).

Tòa án đã 2 lần trưng cầu giám định của Viện Khoa học hình sự thuộc Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an. Khi vụ việc đưa ra xét xử, cơ quan tố tụng tiếp tục triệu tập giám định viên đến tòa án nhằm làm sáng tỏ vấn đề.

Ngày 23/9/2015, TAND quận Bắc Từ Liêm đã tuyên bác yêu cầu của bà Minh. Nhận định trong bản án thể hiện, “dấu vết dập ép ở nắp mẫu vật có sự khác biệt với dấu vết dập ép của 63 chai thủy tinh mẫu so sánh” chứng tỏ, sản phẩm này không phải do dây chuyền dập nắp của Coca-Cola thực hiện. Vỏ chai nước cam ép là loại được tái sử dụng nhiều lần. Dây chuyền dập nắp sản phẩm kể từ ngày 29/6/2011 đến ngày cung cấp mẫu đối chứng cuối cùng không có sự thay thế, mà chỉ có sự bảo dưỡng, sửa chữa và Coca-Cola chỉ có một dây chuyền duy nhất.

Không “tâm phục, khẩu phục”, nguyên đơn tiếp tục kiện lên cấp phúc thẩm. Song cũng vì không có cơ sở đối với đơn kháng án của nguyên đơn, TAND TP. Hà Nội vẫn giữ nguyên bản án sơ thẩm, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng thua kiện. 

Nghĩa vụ chứng minh sản phẩm lỗi thuộc về ai?

Đã có những câu hỏi được đặt ra sau phiên tòa phúc thẩm ngày 14/3/2016. Đơn cử, với điều kiện kinh tế và kỹ thuật hạn chế, làm thế nào người tiêu dùng chứng minh lỗi đối với sản phẩm khuyết tật là hàng chính hãng, không phải “hàng fake” trên thị trường để bảo vệ quyền lợi của mình? Đặc biệt là với sản phẩm có giá trị nhỏ, không có hóa đơn, chứng từ. Thứ nữa, có cần thiết phải chứng minh hàng khuyết tật ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng thì người tiêu dùng mới được bồi thường?

Điều 42, Luật Bảo vệ người tiêu dùng quy định: “Người tiêu dùng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, trừ việc chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ”.

Tuy nhiên, Điều 79, Bộ luật Tố tụng dân sự cũng đề cập về nghĩa vụ chứng minh: “Đương sự có quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời phải đưa ra chứng cứ để chứng minh yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp”.

Trích dẫn Điều 8, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật sư Phạm Ngọc Minh (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn) cho rằng, người tiêu dùng chỉ cần cung cấp sản phẩm lỗi, nghĩa vụ chứng minh lỗi đó thuộc về nhà sản xuất. Trong trường hợp không có lỗi, nhà sản xuất vẫn phải có trách nhiệm bồi thường. Nhưng nếu buộc người tiêu dùng phải chứng minh sản phẩm lỗi, sẽ rất khó.

Trở lại vụ kiện, cơ quan tố tụng còn nhắc đến những phương thức giải quyết tranh chấp như thương lượng, kiện người bán hàng thông qua cơ quan, tổ chức xã hội bảo vệ quyền người tiêu dùng. Song rõ ràng, việc lựa chọn cách thức nào, như trong vụ án này, bà Minh khởi kiện Coca-Cola ra tòa án, thì đó đơn thuần là quyền của người tiêu dùng.            

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục