Tranh cãi liên quan đến khoản tiền hơn 72 tỷ đồng của 36 nhà thầu thi công cho chủ đầu tư Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất Housing Group (dự án B5 Cầu Diễn) đã diễn ra gay gắt tại phiên tòa phúc thẩm vụ án cựu Đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga lừa đảo hồi giữa tháng 4/2018. Trong danh sách các nhà thầu tư vấn, thi công với Housing Group có một số cái tên quen thuộc như Công ty cổ phần Licogi 12, Công ty cổ phần Tư vấn kiến trúc đô thị Hà Nội UAC, Công ty cổ phần liên danh Tư vấn và Xây dựng – COFEC…
Đây là những nhà thầu mà Housing Group đã ký kết hợp đồng tư vấn, thiết kế, thi công để thực hiện các hạng mục cho dự án B5 Cầu Diễn như đền bù giải phóng mặt bằng, thuê đo đạc lập bản đồ hiện trạng, thuê thiết kế bản vẽ, khoan khảo sát địa chất công trình, lập quy hoạch tổng mặt bằng, thi công cọc nhồi đại trà…
Theo bản án chiều 16/4/2018, cho đến thời điểm hiện nay, dự án B5 Cầu Diễn chưa được phê duyệt quy hoạch điều chỉnh và chưa được cấp giấy phép xây dựng. Tuy nhiên từ năm 2009 - 2013, bị cáo Châu Thị Thu Nga (nguyên Chủ tịch HĐQT Housing Group) đã chỉ đạo thông tin gian dối tình trạng pháp lý dự án, thuê lập mô hình dự án, thi công cọc khoan nhồi để khách hàng tin tưởng nộp tiền mua căn hộ hình thành trong tương lai.
Có 726 khách hàng góp số tiền 377,2 tỷ đồng. Trong đó, 43 khách hàng rút 28,7 tỷ đồng. Số tiền còn lại 348 tỷ đồng bị bị cáo Nga chiếm đoạt sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Trong đó, Housing Group đã chi 72 tỷ đồng trả cho 36 nhà thầu trên. Hành vi này của bị cáo phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tòa án xác định, số tiền trả cho nhà thầu có nguồn gốc do bị cáo Nga chiếm đoạt của khách hàng và sử dụng trái phép. Căn cứ theo khoản 2 Điều 41 Bộ luật Hình sự về vật chứng, tòa buộc 36 công ty phải trả lại số tiền đã nhận để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án bồi thường của Housing Group; gồm Licogi 12 hoàn trả 8,2 tỷ đồng; UAC là 1,1 tỷ đồng; COFEC 1,7 tỷ đồng…
Quá trình giải quyết, các doanh nghiệp đồng loạt phản đối quyết định trên vì cho rằng số tiền nhận từ chủ đầu tư là do được thuê làm việc. Tiền các doanh nghiệp có được là hợp pháp. Tuy nhiên, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội không chấp nhận ý kiến trên của doanh nghiệp và tuyên giành quyền khởi kiện cho các nhà thầu đòi lại tiền chủ đầu tư bằng vụ án dân sự khác.
Không giống những vụ án lừa đảo thông thường, các vụ việc liên quan đến dự án thì vật chứng như tiền chiếm đoạt đã được chuyển hóa bằng các công việc thực hiện cho chủ đầu tư. Khi đó, doanh nghiệp lấy cớ rằng không cần biết dự án có hợp pháp không vì họ chỉ là đơn vị làm thuê. Chủ đầu tư có chi những đồng tiền bất hợp pháp thì doanh nghiệp đã lao động bằng mồ hôi công sức và kiếm tiền hợp pháp. Có ý kiến còn cho rằng, không biết thì không có tội.
Theo luật sư Nguyễn Văn Thái (Công ty luật hợp danh Bross và cộng sự), có một nguyên tắc là vật chứng thì phải được thu hồi để đảm bảo quyền lợi cho các bị hại. Đồng thời, pháp luật vẫn sẽ bảo hộ quyền lợi cho bên thứ ba (người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan) như các nhà thầu, ngân hàng… bằng việc trao cho họ quyền được khởi kiện đòi tiền pháp nhân đã ký hợp đồng; ở góc độ nhất định, họ có những thiệt thòi nhất định. Tuy nhiên, nhà làm luật đã tính đến phần lỗi của các bên.
“Trên thực tế, có những gói thầu được triển khai là thủ đoạn lừa đảo mà nhà thầu vô tình tiếp tay, giúp sức cho tội phạm lừa đảo để khách hàng tin tưởng dự án có thật để đổ tiền.
Mặc dù pháp luật không quy định cụ thể bên nhận thầu phải có nghĩa vụ biết rõ hồ sơ pháp lý của dự án nhưng với doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, có năng lực, chuyên nghiệp phải biết rằng, để triển khai dự án thì dự án phải có giấy phép. Việc các nhà thầu ký kết hợp đồng với đơn vị đứng ra với tư cách là chủ đầu tư có nguy cơ bị tuyên bố hợp đồng dân sự vô hiệu.
Câu chuyện này tương tự như việc thợ xây xây nhà trên đất bất hợp pháp thì quá trình tiến hành xây dựng hoàn toàn có thể bị cưỡng chế, đập bỏ”, luật sư cho biết thêm.