Xóa rào cản để tín dụng tiêu dùng phát triển

(ĐTCK) Mức độ nhận biết về các tổ chức tín dụng tiêu dùng hợp pháp của người tiêu dùng còn thấp và đây là một trong những rào cản lớn nhất cho sự phát triển của lĩnh vực tín dụng tiêu dùng.
Xóa rào cản để tín dụng tiêu dùng phát triển

Dư địa tín dụng tiêu dùng vẫn lớn

2018 được cho là năm “giảm nhiệt” của lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Có nhiều cách lý giải cho tình trạng này, trong đó bao gồm việc các ngân hàng sắp xếp lại danh mục kinh doanh của mình, trong đó chủ động hạn chế mở rộng cho vay tín chấp và tập trung hơn vào các sản phẩm cho vay tiêu dùng truyền thống. Nguyên nhân là bởi sau thời gian tập trung đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, mở rộng thị trường, lợi nhuận của các tổ chức tài chính này đang bước vào giai đoạn tăng chậm lại, trong khi tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng cao.

Xóa rào cản để tín dụng tiêu dùng phát triển ảnh 1

Ông Nguyễn Mai Long

Tuy vậy, cần phải nhìn nhận rằng, tài chính tiêu dùng mặc dù không còn là “con gà đẻ trứng vàng” của các ngân hàng, nhưng vẫn sẽ đóng góp tỷ trọng không nhỏ trong lợi nhuận chung của hoạt động ngân hàng. Có thể nói, đây là “cánh tay nối dài” khá linh hoạt và hiệu quả cho các ngân hàng trong tương lai gần.

Căn cứ cho nhận định này chính là dư địa tài chính tiêu dùng ở Việt Nam còn khá lớn, với quy mô dân số trên 90 triệu dân; trong đó, trên 70% dân số đang trong độ tuổi lao động. Đi cùng với đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình trên 6%/năm.

Tín hiệu cho sức hấp dẫn của lĩnh vực này là sự đổ bộ ồ ạt của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường bán lẻ Việt Nam trong những tháng cuối năm 2018, cho thấy niềm tin vào tiềm năng phát triển của ngành tài chính tiêu dùng ở Việt Nam, ít nhất là trong 5 năm tới. Đây chính là cơ hội cho các công ty tài chính tiêu dùng nói chung và Easy Credit nói riêng đẩy mạnh tăng trưởng hoạt động.

Sau 5 tỉnh, thành phố đầu tiên, Easy Credit đã mở rộng sự hiện diện của mình tại 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ từ tháng 1/2019 để đáp ứng nhu cầu của khách hàng tiềm năng tại đây. Easy Credit muốn đẩy mạnh thị trường miền Tây trước thực trạng "tín dụng đen” đang có dấu hiệu ngày càng nóng, đặc biệt là các vùng quê nghèo.

Với những bước đi thận trọng và chắc chắn, Easy Credit đang từng bước thực hiện kế hoạch mang đến dịch vụ tài chính tiêu dùng dễ dàng và thuận tiện cho người dân trên khắp cả nước. Dự kiến, Easy Credit sẽ có mặt tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc vào quý II năm nay và tiếp tục phủ rộng mạng lưới dịch vụ toàn quốc vào cuối năm 2019.

Theo thống kê gần nhất của Easy Credit, gần 90% khách hàng nhận được kết quả đồng ý duyệt vay trong vòng 24 giờ kể từ khi nộp hồ sơ trực tuyến qua website. Hiện tại, số lượng hồ sơ vay vốn hàng tháng của Easy Credit có mức tăng trưởng trung bình trên 150% mỗi tháng. Số tiền vay trung bình của khách hàng là 25 triệu đồng, với thời hạn vay trung bình là 27 tháng.

Xóa rào cản để tín dụng tiêu dùng phát triển

Cầu về tài chính tiêu dùng của người dân Việt Nam sẽ vẫn duy trì ở mức cao trong năm 2019. Bởi theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào tháng 10/2018, mức GDP bình quân đầu người tại Việt Nam năm 2018 vào khoảng 2.540 USD, vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu 3.500 USD vào năm 2020. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng của người dân vẫn tiếp tục tăng lên nhờ vào nỗ lực kích cầu của cộng đồng doanh nghiệp. Như vậy, sẽ xuất hiện khoảng trống giữa nhu cầu tiêu dùng và điều kiện tài chính để đáp ứng nhu cầu đó.

Xóa rào cản để tín dụng tiêu dùng phát triển ảnh 2

Khoảng trống này chính là cơ hội để các tổ chức tài chính tiêu dùng cung cấp các sản phẩm phục vụ cho khách hàng tiềm năng, vốn chiếm tới 48% dân số Việt Nam. Đối với Easy Credit, mặc dù vừa ra mắt thị trường vào đầu tháng 10/2018, nhưng Công ty đã ghi nhận những phản ứng tích cực của người tiêu dùng đối với sản phẩm vay tiêu dùng do Easy Credit cung cấp.

Sau khoảng 3 tháng đi vào hoạt động, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng tháng của hồ sơ vay hiện nay đối với các sản phẩm của Easy Credit là trên 150%. Con số này chắc chắn sẽ tăng gấp nhiều lần khi Easy Credit đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tiếp thị song hành cùng với việc mở rộng thị trường phía Nam bắt đầu từ năm nay.

Tuy nhiên, việc phát triển hoạt động tín dụng tiêu dùng hiện nay vẫn gặp nhiều rào cản, hạn chế. Rào cản lớn nhất có lẽ nằm ở mức độ nhận biết về các tổ chức tín dụng tiêu dùng hợp pháp của người tiêu dùng hiện còn thấp.

Cụ thể, người dân chưa nắm rõ đâu là những đơn vị tín dụng hoạt động với sự quản lý và giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đâu là những đơn vị không được cấp phép. Sự bùng phát tràn lan của các băng nhóm kinh doanh "tín dụng đen" núp bóng ngân hàng hay các công ty tài chính cũng bắt nguồn từ lý do này.

Vì thế, nhiều cá nhân đã rơi vào bẫy của các băng nhóm này, dẫn đến hậu quả đáng tiếc về người và của, gây nhiều hệ lụy cho xã hội, đồng thời làm xấu đi hình ảnh của hoạt động tín dụng tiêu dùng nói chung.

Trong khi đó, hành lang pháp lý để bảo vệ các hoạt động cho vay tài chính tiêu dùng hợp pháp vẫn còn chưa hoàn thiện. Điều này vô hình trung đặt các tổ chức tín dụng hợp pháp vào tình thế phải chịu sự cạnh tranh không lành mạnh từ các tổ chức "tín dụng đen".

Cần nhấn mạnh lại rằng, hoạt động tín dụng tiêu dùng do các tổ chức tài chính hợp pháp cung cấp chính là một trong những công cụ đắc lực nhất giúp cơ quan quản lý xử lý triệt để tệ nạn "tín dụng đen” đang hoành hành hiện nay. Hy vọng, các động thái quyết liệt gần đây của cơ quan quản lý nhà nước sẽ đem lại kết quả rõ rệt hơn trong năm 2019.

Một hạn chế nữa là hoạt động đánh giá tín dụng cá nhân độc lập chưa phát triển tại Việt Nam. Điều này cũng dễ hiểu, do tín dụng tiêu dùng chỉ mới bùng nổ trong thời gian gần đây. Hiện nay, chỉ có Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) là đơn vị chính thức hoạt động trong lĩnh vực này. Dữ liệu và dịch vụ do CIC cung cấp là cần thiết, nhưng chưa đủ đối với bối cảnh sôi động của thị trường hiện nay.

Kinh nghiệm từ các thị trường đã trải qua giai đoạn bùng nổ của tài chính tiêu dùng cho thấy, sự xuất hiện của các đơn vị đánh giá tín dụng độc lập và hiệu quả sẽ hỗ trợ đáng kể cho công tác quản trị rủi ro trong ngành, là một trong những yếu tố then chốt cho sự phát triển lành mạnh của thị trường.

Easy Credit có lợi thế của đơn vị đi sau, nên có thể tránh được "vết xe đổ" của những đối thủ đi trước. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ tiên tiến từ những đối tác hàng đầu, cũng như định hướng phát triển năng lực công nghệ nội bộ, Easy Credit hướng đến việc phát triển bền vững thông qua việc xây dựng dữ liệu khách hàng thật chuẩn từ đầu, phân loại khách hàng chặt chẽ, cùng các sản phẩm phù hợp với nhu cầu và khả năng trả nợ, đảm bảo quản lý hiệu quả rủi ro tín dụng trong hoạt động.

Easy Credit là thương hiệu tài chính tiêu dùng của Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance). Chính thức gia nhập vào thị trường tín dụng tiêu dùng từ 10/2018. Easy Credit ra mắt gói vay tiền mặt tại 5 tỉnh, thành phố, bao gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Vũng Tàu. Khách hàng có thể vay với mức tối thiểu là 10 triệu đồng, tối đa là 90 triệu đồng trong 60 tháng. Đối tượng khách hàng Easy Credit nhắm đến là những nhóm khách hàng chưa được các ngân hàng đặc biệt quan tâm và nhóm khách hàng có thu nhập trung bình với mức thu nhập tối thiểu là 4,5 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Mai Long, Giám đốc điều hành Easy Credit (Khối tín dụng tiêu dùng của EVN Finance)
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2019

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục