Vô lý khi đặt trần chi phí lãi vay cho doanh nghiệp thuần Việt

(ĐTCK) Hiện nay trong quản lý các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ đang đặt ra một mức trần về chi phí lãi vay. Điều này đã tác động thế nào tới các doanh nghiệp thuần Việt.
Vô lý khi đặt trần chi phí lãi vay cho doanh nghiệp thuần Việt

Trần chi phí lãi vay

Nghị định số 20/2017/NĐ-CPquy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Theo đó, các doanh nghiệp được xác định có giao dịch liên kết, sẽ phải chịu sự áp đặt về mức trần chi phí lãi vaytrong tổng chi phí kinh doanh. Theo quy định tại khoản 3, Điều 8,Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, thì mức trần chi phí lãi vay sẽ được tính trên cơ sở là 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ.

Để diễn giải quy định trên, có thể lấy một ví dụ như sau: Giả sử doanh nghiệp B đi vay doanh nghiệp A 100 tỷ đồng với lãi suất là 15%/năm. Hết thời hạn 01 năm, doanh nghiệp B phải trả cho doanh nghiệp A tổng số tiền là 15 tỷ đồng. Đối với trường hợp thông thường, thì chi phí này sẽ được hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp B.

Thế nhưng, nếu giao dịch giữa doanh nghiệp A và doanh nghiệp B được xác định là giao dịch liên kếtthì cách hạch toán sẽ khác. Lúc này doanh nghiệp Bchỉ được tính dựa trên công thức là 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp B cộng với chi phí lãi vay và chi phí khấu hao.

Giả sử trong năm đó, doanh nghiệp B kinh doanh không có lợi nhuận, tổng lợi nhuận thuần bằng 0 và chi phí khấu hao giả sử cũng bằng 0. Điều này có nghĩa, tổng chi phí lãi vay của doanh nghiệp Bđược trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ được tính bằng20% số tiền lãi thực trả15 tỷ đồng. 

Nhầm đối tượng chống chuyển giá

Nghịđịnh số 20/2017/NĐ-CPlà sự thể hiện quan điểm của Nhà nước về việc không chấp nhận toàn bộ chi phí được trừ để tính thuế thu nhập doanh nghiệp cho những trường hợp có giao dịch liên kết. Mục đích của quy định này chính là nhằmphòng, chống chuyển giá.

Chống chuyển giá thực ra không phải là điều lạ lẫm gì trong thị trường đầu tư của Việt Nam, cũng như tất cảcác nước họ có sự thu hút hoạt động đầu tư nước ngoài.

Điều này xuất phát từ một hiện tượng là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi sang một quốc gia khác đầu tư, nếu hoạt động kinh doanh phát sinh lợi nhuận thì thông thường doanh nghiệp phải nộp thuế theo quy định cho nước sở tại.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã đặt ra mục tiêu là hạn chế, tiết giảm số thuế phải nộp bằng việc chuyển giá ra nước ngoài. Việc chuyển giáthông qua cách thức như nâng các chi phí như mua bán nguyên vật liệu, vay nợ của công ty mẹ ở nước ngoài hay một công ty trong nhóm tập đoàn của họ ở nước ngoài...

Vì có các loại chi phí phát sinh này (chi phí vay, chi phí mua nguyên vật liệu hàng hóa…), dẫn đến các khoản thuếthu nhậpmà các doanh nghiệp phải nộp ở nước sở tại giảm đi hoặc thậm chí không phát sinh.

Như vậy, doanh nghiệp ở nước sở tại thì lỗ, nhưng thực tế việc kinh doanh cả tập đoàn lại thực lãi. Do đó, việc Nghị định số 20/2017/NĐ-CP đặt ra quy định về khống chế một mức trần chi phí lãi vay xem ra là phù hợp. Tuy nhiên, sự không phù hợp dẫn đến vô lý chính là nhầm lẫn về đối tượng áp dụng.

Quy định tại khoản 3, Điều 8 của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP không có ranh giới phân biệt giữa đâu là doanh nghiệp thuần Việt, đâu là doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài. Điều này tạo nên nhiều sự rất vô lý. Về phòng chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thì chi phí lãi vay chỉ là một phần trong các giải pháp chuyển giá của họ. Nghị định số 20/2017/NĐ-CP có thể đặt ra quy định này để hạn chế, thì họ sẽ tìm giải pháp khác ở trong lĩnh vực khác.

Tóm lại, họ vẫn sẽ tìm cách đạt được các mục tiêu chuyển giá. Còn đối với các doanh nghiệp thuần Việt, thì về nguyên tắc doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, nộp thuế cho Chính phủ Việt Nam và mục tiêu, động cơ chuyển giá hầu như là không có. Tuy nhiên, họ lại là đối tượng bị liên lụy nhất bởi quy định của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.

Lý do là vì các doanh nghiệp thuần Việt hiện nay đang có xu hướng tạo thành những tập đoàn đa ngành nghề, trong đó gồm có những công ty holdings và các đơn vị thành viên. Nếu xét theo quy định tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, thì họ cũng thuộc đối tượng này. Vậy hệ lụy là gì? 

Từ việc thuộc đối tượng áp dụng của khoản 3,Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, dẫn đến nhiều trường hợp vì nhu cầu thực tế, vì yếu tố kinh doanh thị trườngmà họ phát sinh giao dịch bị quy tính chất liên kết. Chẳng hạn,trong cùng một tập đoàn, có những doanh nghiệp sau khi đi vay vốn ở ngân hàng, dòng tiền đang có nhiều, nhu cầu áp lực về thanh khoản không có và cần phải quay vòng sử dụng vốn.

Trong khi đó, có những doanh nghiệp khác trong tập đoàn thì lại đang khát vốn, hạn mức vay vốn ở ngân hàng thì cũng đã kịch trần. Thế thì,họ vay lại nhau trong cùng tập đoàn và trả cho nhau lãi suất tương tự như ngân hàng là điều nên làm. Điều này hoàn toàn phù hợp với nguyên lý thị trường. Đáng lẽ họ nên được hạch toán toàn bộ chi phí đó là chi phí được trừ để tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nhưng với quy định của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP hiện nay, thì họ chỉ được hạch toán một phần của chi phí lãi vay thực trả đó. Điều này là điều bất hợp lý cho các doanh nghiệp thuần Việt. Suy cho cùng, hóa ra Nghị định số 20/2017/NĐ-CP đã chống nhầm đối tượng, mất đi ý nghĩa chống chuyển giá ban đầu.

Hãy sửa lại từ gốc

Thời gian qua, cơ quan quản lý có thẩm quyền đang xem xét để nâng mức trần chi phí lãi vay từ 20 lên 30%, điều này được thể hiện tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 20/2017/NĐ-CP. Tuy nhiên, với những phân tích nêu trên, dù tăng lên 30 hay 40% thì cũng không giải quyết được bài toán thật của doanh nghiệp thuần Việt. Bởi nếu như doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ thực sự và không có động cơ chuyển giá, thì việc đánh nhầm đối tượng này chỉ khiến cho doanh nghiệp thuần Việt thêm thiệt hại.

Do vậy, giải pháp chính là cần phải sửa lại từ gốc. Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết nên đặt đúng đối tượng, đúng hoạt động và không nên làm liên lụy và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp thuần Việt.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục