Tín dụng tiêu dùng trả góp hút khách

(ĐTCK) Nhu cầu mua sắm, tiêu dùng gia tăng khi Tết Nguyên đán đến gần, nhiều người tìm đến tổ chức tín dụng để được hỗ trợ tín dụng tiêu dùng trả góp.
Tín dụng tiêu dùng trả góp hút khách

Nhu cầu cao

Trong vài tháng qua, hầu hết các trung tâm điện máy, xe máy, nội thất trên cả nước đều ghi nhận lượng khách hàng tăng cao và ngày càng nhiều khách hàng chọn hình thức mua hàng trả góp.

Ghi nhận tại các cửa hàng nội thất, trung tâm điện máy, siêu thị, trung tâm thương mại lớn tại TP.HCM, giao dịch mua sắm của người dân tăng mạnh. Đáng chú ý, số người sử dụng chương trình vay tiêu dùng và cà thẻ chiếm tỷ lệ lớn.

Ông Đỗ Thanh Sang, Giám đốc Công ty Thương mại Dịch vụ Sang Trọng cho biết, Công ty có nhiều cửa hàng kinh doanh xe gắn máy tại TP.HCM, Bình Dương, Tây Ninh… Trung bình trong 3 năm qua, doanh số trả góp chiếm 50 - 60% trên tổng số xe bán ra trong toàn hệ thống. Công ty chọn Home Credit là đối tác kinh doanh, đồng hành đẩy mạnh cho người tiêu dùng vay vốn mua xe máy.

Đại diện hệ thống FPT Shop cho hay, FPT Shop là hệ thống bán lẻ điện thoại, thiết bị di động, hiện có 465 cửa hàng và đạt 600 triệu USD doanh thu. Công ty hợp tác với Home Credit để hỗ trợ khách hàng mua sản phẩm trả góp.

Năm 2017, tín dụng tiêu dùng tăng khoảng 65% (năm 2016 tăng 50,2%), chiếm 18% trong tổng tín dụng. Trong đó, chủ yếu là vay với mục đích mua, sửa chữa nhà ở, chiếm 52,9%, tăng hơn 76%; cho vay mua trang thiết bị gia đình chiếm hơn 15%, tăng 6,5%; cho vay mua phương tiện đi lại chiếm 8,3%, tăng hơn 35% so với năm 2016; còn lại là cho vay kinh doanh nhỏ, vay cá nhân mua điện thoại, đồ gia dụng…

(Nguồn: Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia)  

Theo đại diện FPT Shop, ngành bán lẻ điện thoại khó có thể đạt mức tăng trưởng 20 - 30%/năm trong những năm qua nếu không có sự hỗ trợ của tín dụng tiêu dùng trả góp. Năm 2017, FPT Shop tăng trưởng 40%, trong đó đóng góp của mảng cho vay tiêu dùng chiếm trên 30% tổng doanh thu và khoảng một nửa trong số này đến từ Home Credit.

Tín dụng tiêu dùng tập trung vào các công ty tài chính, dù lãi suất cao so với vay ngân hàng, bởi điều kiện và thủ tục vay vốn đơn giản, dễ dàng, thuận tiện. Ví dụ, vay ngân hàng thường phải có tài sản bảo đảm và thời gian giải ngân khoản vay kéo dài một vài tuần. Trong khi đó, tại các công ty tài chính, vay tiêu dùng không cần thế chấp, sau 15 phút là có thể được giải ngân. 

Các tổ chức tín dụng cạnh tranh cho vay

Giai đoạn giáp Tết, thị trường tài chính tiêu dùng càng trở nên sôi động với những chương trình khuyến mãi lớn của cả ngân hàng và công ty tài chính. Người tiêu dùng chỉ cần đến các trung tâm bán lẻ của Thế giới di động, FPT, Viễn Thông A, Nguyễn Kim, Chợ Lớn, Honda, Yamaha, Piaggio… chọn sản phẩm ưng ý sẽ được nhân viên công ty tài chính tư vấn gói vay phù hợp và làm hợp đồng tín dụng.

Các nhà băng cũng đang cạnh tranh thu hút khách hàng vay tiêu dùng như thủ tục vay dễ dàng hơn nhiều so với trước, hình thức cho vay đa dạng (tín chấp và thế chấp). Trong đó, với loại hình tín dụng cầm cố (tài sản, sổ tiết kiệm…), có nhà băng cho vay trên 100% tài sản đảm bảo, với lãi suất được tính bằng lãi suất trên sổ tiết kiệm cộng biên độ 2 - 2,5%/năm.

BIDV vừa triển khai gói tín dụng Tết Mậu Tuất với quy mô 10.000 tỷ đồng, kéo dài đến ngày 31/3/2018, lãi suất từ 6,5%/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn đến 5 tháng và 7,2%/năm đối với các khoản vay từ trên 5 tháng đến 11 tháng.

Tương tự, DongA Bank có gói cho vay dịp Tết 2018, lãi suất từ 5,2%/năm; TPBank đang đẩy mạnh gói cho vay mua nhà, mua xe, với lãi suất 7,2%/năm cố định trong 6 tháng đầu, thời gian xét duyệt hồ sơ từ 8 - 24 giờ…

Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Sacombank cho biết, chủ trương của Sacombank là đẩy mạnh cho vay nhỏ lẻ nên tín dụng tiêu dùng cũng là phân khúc được Ngân hàng nhắm tới. Hạn mức vốn cung ứng cho một khách hàng có thể lên đến 500 triệu đồng.

Quan ngại rủi ro

Các chuyên gia tài chính - ngân hàng khuyến cáo, với khách hàng vay tín chấp như vay mua đồ gia dụng, vay qua thẻ tín dụng…, lãi suất cao hơn nhiều so với vay thế chấp. Mặt khác, công ty tài chính, ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, nếu không kiểm soát được chất lượng tín dụng sẽ khó tránh khỏi rủi ro nợ xấu.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa yêu cầu các ngân hàng kiểm soát chặt nguồn vốn vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng. Trong đó, với lĩnh vực vay tiêu dùng, các ngân hàng phải kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn để hạn chế rủi ro phát sinh. Ngân hàng phải giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn, tránh cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán.

Đây không phải lần đầu tiên, NHNN nhắc các ngân hàng kiểm soát vốn vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, nhất là khi thời gian qua, các lĩnh vực này tăng trưởng nhanh và tín dụng cho vay tiêu dùng tăng cao trong năm 2017. 

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục