Thị phần bị chia cắt, lợi nhuận tài chính tiêu dùng sụt giảm

(ĐTCK) Tuy được đánh giá còn nhiều tiềm năng, nhưng việc thị phần bị chia cắt bởi ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường "béo bở" này đang khiến lợi nhuận của nhiều công ty tài chính tiêu dùng sụt giảm, từ đó ảnh hưởng tới lợi nhuận chung của ngân hàng mẹ.
Đóng góp của công ty tài chính vào lợi nhuận ngân hàng mẹ đang suy giảm. Đóng góp của công ty tài chính vào lợi nhuận ngân hàng mẹ đang suy giảm.

Tại một số ngân hàng có công ty tài chính trực thuộc, lợi nhuận quý III/2018 ghi nhận sự sụt giảm mạnh. Một trong những nguyên nhân là do đóng góp của mảng tài chính tiêu dùng không còn nhiều như trước.

Chẳng hạn, tại VPBank, vốn là nhà băng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao trong những năm gần đây, nhưng lợi nhuận trước thuế quý III/2018 của VPBank chỉ đạt 1.749 tỷ đồng, giảm 26,3% so với cùng kỳ năm trước, một phần do tỷ trọng lợi nhuận đóng góp từ công ty con FE Credit sụt giảm.

Ngân hàng mẹ VPBank trong 9 tháng đầu năm có lãi trước thuế 6.710 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận của FE Credit đóng góp khoảng 2.200 tỷ đồng, tương đương mức đóng góp khoảng 33%, giảm so với tỷ lệ 47% của năm 2017.

Những năm gần đây, FE Credit được coi là “máy in tiền” của VPBank khi lợi nhuận của công ty tài chính này thường chiếm khoảng 50% tổng lợi nhuận của VPBank hợp nhất. Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) hợp nhất và riêng lẻ nửa đầu năm 2018 của VPBank lần lượt đạt 9% và 4,8%, năm 2017 tỷ lệ này lần lượt là 8,8% và 4,6%.

Một ngân hàng khác có thị phần lớn trên thị trường tín dụng tiêu dùng là HDBank cũng ở hoàn cảnh tương tự. Lợi nhuận trước thuế quý III/2018 của nhà băng này chỉ đạt 821 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ và cũng thấp hơn so với 2 quý đầu năm.

Lũy kế 9 tháng, HDBank mẹ đạt 2.263 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, trong đó Công ty tài chính HDSaison đóng góp khoảng 480 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 21%, giảm so với mức trung bình 45% của các kỳ báo cáo trước.

FE Credit và HDSaison đều là những công ty tài chính có thị phần lớn trên thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Stoxplus, cuối năm 2017, FE Credit chiếm gần 50% thị phần - dẫn đầu thị trường, thị phần của HDSaison là 13%, đứng sau Home Credit với 17% thị phần. Còn theo CTCK Bản Việt (VCSC), quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam liên tục có sự tăng trưởng mạnh, dự báo sẽ tiến tới mốc 1 triệu tỷ đồng vào năm 2019, với mức tăng trưởng bình quân 29%/năm.

Với tiềm năng lớn, nên việc ngày càng có thêm nhiều tổ chức tài chính tham gia cho vay tiêu dùng là dễ hiểu. Thống kê cho thấy, ngoài các ngân hàng cho vay tín dụng tiêu dùng, còn có gần 20 công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép hoạt động.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến thị phần của những công ty tài chính hàng đầu dần bị thu hẹp. Có thể kể ra những "tân binh" đáng chú ý như Mcredit, Viet Credit, Easy Credit (EVN Finance), SHB Finance…

CTCK Bảo Việt (BVSC) tính toán, hoạt động của MCredit sẽ giúp MB cải thiện tỷ lệ NIM lên mức 4,45% (từ mức 4,19% của năm 2017). BVSC dự báo, thu từ lãi năm 2018 của MB đạt 13.887 tỷ đồng, tăng 23,8% so với năm 2017. Tương tự, SHB Finance cũng đang từng bước chiếm lĩnh thị phần tài chính tiêu dùng khi tăng cường cho vay tiền mặt trực tuyến.

Không chỉ các doanh nghiệp trong nước, nhiều tập đoàn tài chính nước ngoài cũng gia nhập thị trường tài chính tiêu dùng Việt thông qua hoạt động M&A như Shinhanbank mua lại công ty tài chính của Prudential; Lotte Card mua lại công ty tài chính của Techcombank...

Theo nhận định của giới chuyên gia, với nền kinh tế tăng trưởng ổn định và mức thu nhập của người dân ngày một cải thiện, nhu cầu vay tiêu dùng sẽ ngày càng gia tăng và thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam sẽ còn tăng nóng, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp nhảy vào khai thác, khiến cuộc đua trong lĩnh vực ngày một khốc liệt.

Theo tính toán của VCSC, tỷ lệ thu nhập lãi thuần ngành ngân hàng chỉ 2,9%, nhưng của lĩnh vực cho vay tiêu dùng lên tới 20%, tức 100 đồng cho vay có thể mang lại 20 đồng thu nhập.

Nhìn ở góc độ vĩ mô, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế phân tích, tỷ trọng tiêu dùng trong tổng GDP Việt Nam liên tục tăng cao, tầng lớp trung lưu đang phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 6%/năm đang là bệ đỡ rất tốt cho thị trường tài chính tiêu dùng. Do đó, cần tạo môi trường kinh doanh cởi mở, tránh thị phần dồn quá lớn vào một số doanh nghiệp, tạo sự cạnh tranh về lãi suất, giúp người tiêu dùng hưởng lợi.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục