Thanh toán không dùng tiền mặt chuyển biến tích cực

(ĐTCK) Dịch bệnh đang dần thay đổi thói quen thanh toán bằng tiền mặt của người tiêu dùng. Theo đó, hoạt động thanh toán điện tử cũng ghi nhận sự chuyển biến tích cực.
Thanh toán không dùng tiền mặt chuyển biến tích cực

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, giá trị giao dịch trung bình qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong 20 ngày đầu tháng 4/2020 tăng 8,85% so với cùng kỳ năm trước.

Còn nếu tính trong 3 tháng đầu năm, giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng hơn 21%, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 81,32% về số lượng và tăng 145,32% về giá trị so với cùng kỳ 2019.

Trong thời gian thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các yêu cầu thanh toán của người dân và xã hội vẫn được đáp ứng đầy đủ, các dịch vụ ngân hàng trực tuyến và ATM hoạt động liên tục, thông suốt.

NHNN cho hay, tính đến cuối năm 2019, giao dịch qua kênh Internet tăng 64% về số lượng và tăng 37% về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 198% và 210% về số lượng và giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018.

NHNN cho biết, xu hướng thanh toán trong nền kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhiều hơn.

Cụ thể, tỷ trọng giao dịch tại ATM năm 2018 thông qua hệ thống Napas chiếm 62%, năm 2019 giảm còn 42%, trong khi tỷ trọng giao dịch thanh toán liên ngân hàng năm 2018 là 26%, năm 2019 tăng lên 48%, thể hiện sự thay đổi thói quen từ việc rút tiền qua ATM phục vụ cho việc chi tiêu hàng hàng ngày bằng tiền mặt sang thanh toán không tiền mặt qua các kênh ngân hàng điện tử.

Thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ công cũng được chú trọng hơn. Ðến cuối năm 2019, đã có khoảng 50 ngân hàng hoàn thành kết nối thanh toán thuế điện tử với cơ quan thuế, hải quan trên 63 tỉnh, thành phố; 95% số thu hải quan được thực hiện qua ngân hàng; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử.

Ðể khuyến khích người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được hoàn toàn khống chế, dự kiến năm 2020, các ngân hàng sẽ giảm khoảng 1.000 tỷ đồng tiền phí dịch vụ thanh toán cùng nhiều ưu đãi khác.

Ðến nay, có khoảng 78 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 49 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.

Ðồng thời, tính đến tháng 5/2020, có 34 tổ chức không phải là ngân hàng đã được NHNN cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Với tiềm năng của thị trường và xu hướng thanh toán không tiếp xúc đang ngày càng gia tăng, đây là cơ hội lớn để các công ty trung gian thanh toán khai thai thác.

Tính đến tháng 5/2020, có 34 tổ chức không phải là ngân hàng đã được NHNN cấp Giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Ðồng thời, đến nay, có khoảng 78 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 49 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.

Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh Covid-19 cũng đẩy doanh số thanh toán phi tiền mặt qua ví điện tử tăng cao. Ðơn cử, tại Ví MoMo, giao dịch thanh toán tăng gấp đôi trong 4 tháng đầu năm 2020.

Ông Nguyễn Bá Diệp - Phó chủ tịch, đồng sáng lập Ví MoMo thông tin, tiền mặt được các nhà khoa học kiểm chứng cho thấy chứa nhiều chủng loại vi khuẩn, virus và có thể lây truyền qua việc tiếp xúc bằng tay.

Trong khi đó, virus Corona được lây lan qua đường tiếp xúc thông thường và tiền mặt có khả năng trở thành một ổ bệnh nếu chẳng may có người nhiễm và truyền virus vào tiền  thông qua tiếp xúc.

Ðể chung tay bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giới chuyên gia khuyến cáo người dùng nên chuyển sang các giao dịch điện tử để hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với các vật thể ẩn chứa virus như tiền mặt.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh Toán (NHNN) cho biết, để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, NHNN xác định tiếp tục xây dựng, bổ sung hành lang pháp lý cho thanh toán điện tử, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số.

Đại diện MoMo cho biết, trước thông tin lực lượng cảnh sát giao thông đồng loạt ra quân kiểm tra các phương tiện giao thông đường bộ từ ngày 15/5 đến 15/6, lượng người mua bảo hiểm xe máy qua Ví MoMo đạt hàng chục nghìn người, tăng gấp 23 lần so với bình thường. Hiện nay, nhiều hãng bảo hiểm hàng đầu như Prudential, AIA, Bảo Việt, PTI, PVI, Liberty… đều đã góp mặt trên Ví MoMo với hầu hết các sản phẩm bảo hiểm thông dụng như bảo hiểm xe máy, tai nạn, sức khỏe, du lịch nhân thọ...

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục