Ngân hàng không dễ thành lập công ty tài chính

(ĐTCK) Trong những năm qua, nhiều ngân hàng có kế hoạch thành lập công ty tài chính (CTTC) như OCB, BIDV, ACB, Sacombank… nhưng chưa hoàn tất. Dự báo, tình trạng này sẽ khó thay đổi, khi Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt thêm hoạt động tài chính tiêu dùng.
Ngân hàng không dễ thành lập công ty tài chính

Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, hoạt động cho vay tín chấp, tiêu dùng đã được ngân hàng triển khai từ lâu, nhưng chưa dám đi vào những lĩnh vực rủi ro cao. Nếu thành lập CTTC, ngân hàng sẽ mở rộng đối tượng hơn, vì toàn bộ hoạt động cho vay tiêu dùng, kể cả thẻ tín dụng sẽ được chuyển hoàn toàn sang đây.

Ðại diện một ngân hàng khác chia sẻ, đời sống người dân ngày càng cao, nhu cầu tiêu dùng gia tăng, lĩnh vực bán lẻ được các ngân hàng chú trọng. Muốn chuyên biệt hóa hoạt động tín dụng tiêu dùng, thúc đẩy mảng bán lẻ, ngân hàng cần thành lập CTTC.

Thế nhưng, những năm gần đây, chỉ có CTTC MB Shinsei được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động và ra mắt trong tháng 9/2017. Công ty này có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó MB sở hữu 50%, Shinsei Bank, Limited (Nhật Bản) sở hữu 49%, Công ty TNHH Ðầu tư xây dựng và phát triển Xuân Thành sở hữu 1%.

Trước đó, VPBank được phép chuyển đổi khối tín dụng tiêu dùng thành CTTC trực thuộc có tên FE Credit. Ða số ngân hàng khác phải chuyển đổi công năng khối tín dụng tiêu dùng hoặc thực hiện mua lại CTTC.

Chẳng hạn, SeABank mua lại CTTC Bưu điện (PTF) với giá 710 tỷ đồng theo hình thức chuyển nhượng vốn góp. Bà Lê Thu Thủy, Tổng giám đốc SeABank cho biết, việc mua lại PTF có ý nghĩa là cột mốc quan trọng cho giai đoạn phát triển ở tầm cao hơn của SeABank. Ðồng thời, đây là bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa khát vọng của SeABank trong chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ, đang dạng hóa sản phẩm dịch vụ, hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ dẫn đầu, được yêu
thích nhất.

ACB chuyển đổi công năng công ty cho thuê tài chính thành CTTC cho vay tiêu dùng sau một thời gian dài không thành lập được CTTC mới. Một số CTTC gia nhập thị trường trong năm qua chủ yếu được chuyển đổi công năng như VietCredit được chuyển đổi từ CTTC Xi măng; SHB Finance ra mắt thị trường tháng 8/2018 tiền thân là CTTC Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) do SHB mua lại và chuyển đổi công năng; Easy Credit là một thương hiệu của CTTC cổ phần Ðiện lực (EVN Finanance)…

OCB đến nay chưa thành lập được CTTC trực thuộc như kỳ vọng nên Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cho vay nhỏ lẻ từ khối khách hàng cá nhân. TPBank đã xin ý kiến cổ đông về việc mua lại 100% vốn của một CTTC tại Ðại hội đồng cổ đông 2019.

Việc ngân hàng thành lập CTTC và chuyển hoạt động cho vay tiêu dùng sang các công ty này, cả khách hàng và ngân hàng đều có lợi. Khách hàng có nhu cầu vay tiêu dùng với món nhỏ sẽ dễ dàng tiếp cận được vốn ngân hàng, đồng thời thủ tục đơn giản hơn, thời gian xét duyệt nhanh chóng và không cần tài sản bảo đảm. Ngân hàng gia tăng được thị phần, mở rộng hoạt động bán lẻ cá nhân. Không những vậy, ngân hàng sẽ tách riêng được phân khúc khách hàng rủi ro, có thể mạnh dạn phát triển bán lẻ mà không quá lo về gánh nặng nợ xấu.

Thực tế, đa số ngân hàng kỳ vọng có được một CTTC trực thuộc. Tuy nhiên, ngân hàng không dễ thành lập loại công ty này. Theo quy định hiện hành, để tham gia là cổ đông sáng lập của TCTD phi ngân hàng cổ phần, nếu là doanh nghiệp thì phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong 3 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ và phải tuân thủ việc góp vốn theo quy định của pháp luật liên quan. Nếu cổ đông sáng lập là ngân hàng thương mại phải đáp ứng các điều kiện như tổng tài sản tối thiểu 100.000 tỷ đồng, trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định, không vi phạm các giới hạn... Theo số liệu của các ngân hàng công bố gần nhất, hiện có khoảng 20 ngân hàng không đủ điều kiện để thành lập CTTC.

Trong bối cảnh mảng tài chính tiêu dùng tăng trưởng nhanh hiện nay, nguy cơ rủi ro nợ xấu là khó tránh khỏi. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của CTTC theo hướng siết lại hoạt động cho vay tiền mặt, dự kiến tỷ trọng cho vay tiền mặt của CTTC không được quá 30% tổng dư nợ cho vay của các CTTC.    

Công ty tài chính bao gồm công ty tài chính tổng hợp, công ty tài chính tín dụng tiêu dùng. Toàn thị trường hiện có khoảng 17 công ty tài chính tiêu dùng đang hoạt động. Dư nợ cho vay tiêu dùng thời điểm cuối năm 2018 là hơn 5 tỷ USD. Theo đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng, sự bùng nổ tín dụng tiêu dùng của Việt Nam chỉ mới bắt đầu và đang được thúc đẩy bởi quá trình đô thị hóa, thu nhập tăng cao… Tài chính tiêu dùng phát triển phần nào đẩy lùi được tín dụng đen, song lãi suất cho vay tiêu vẫn đang quá cao. 

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục