Cuộc đua “tam mã” trên thị trường tài chính tiêu dùng

(ĐTCK) Hàng loạt ngân hàng bước vào cuộc đua thành lập mới hoặc mua lại công ty tài chính, để khai thác thị trường cho vay tiêu dùng đầy tiềm năng. Nhưng thị phần hiện chủ yếu tập trung vào ba tên tuổi là FE Credit, Home Credit và HD SAISON.
Sau 6 năm hoạt động, FE Credit đã vươn lên dẫn đầu thị trường cho vay tiêu dùng tín chấp Sau 6 năm hoạt động, FE Credit đã vươn lên dẫn đầu thị trường cho vay tiêu dùng tín chấp

Thị trường đầy tiềm năng

Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam trong những năm gần đây đã đạt được những cú nhảy vọt đáng kinh ngạc. Theo Tập đoàn Tư vấn Boston (Boston Consulting Group), thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam gia tăng hàng năm là kết quả của sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, với tốc độ nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng mức tiêu thụ và gián tiếp gia tăng nhu cầu tài chính tiêu dùng tại thị trường Việt Nam.

Còn theo đánh giá của BMI và Ngân hàng Thế giới, tốc độ đô thị hóa nhanh kéo theo là sự tăng trưởng lớn của thị trường tài chính tiêu dùng. Dân số thành thị dự kiến sẽ tăng từ 33% năm 2014 lên hơn 50% vào thời điểm năm 2040.

Ước tính, Việt Nam có khoảng 18 triệu người trưởng thành sinh sống ở đô thị (chiếm khoảng 20% tổng dân số) là nguồn khách hàng tiềm năng sử dụng dịch vụ tài chính được cung cấp bởi tổ chức tài chính và con số này được dự kiến sẽ tiếp tục tăng theo quy mô đô thị hóa ở Việt Nam.

Đối với các ngành tài chính tiêu dùng, những điểm thuận lợi để đi đến thành công đó là có hệ thống, nhân viên và mạng lưới bán hàng rộng khắp, cùng thời gian duyệt khoản vay phải nhanh chóng    

Ông Đàm Thế Thái, Phó tổng giám đốc Công ty tài chính HD SAISON nhận định, với dân số hơn 90 triệu người, trong đó 75% đang sống ở khu vực nông thôn, ước tính có khoảng 68 triệu người chưa được tiếp cận toàn diện các nhu cầu tài chính tiêu dùng, trong khi 22 triệu người sống ở thành thị cũng là một thị trường chưa được khai thác hết, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng với hoạt động cho vay tiêu dùng.

Dẫn ra con số thống kê 51% dân số nước ta trong độ tuổi từ 20 - 59 tuổi (khoảng 46 triệu người) và 63% hộ gia đình Việt có thu nhập trong khoảng 3 - 7,5 triệu đồng/tháng, ông Thái cho rằng, thị trường mục tiêu của các công ty tài chính tiêu dùng khoảng 28,9 triệu người.

Giả định một cá nhân có thể chi khoảng 10 triệu đồng một năm (500 USD) cho mua sắm, thị trường tiêu dùng Việt Nam có quy mô lên tới 15 tỷ USD. Nếu 20% khoản chi cho mua sắm sử dụng vốn vay và HD SAISON duy trì được trên 35% thị phần như hiện nay, Công ty có thể cho vay đến 1 tỷ USD.

Cho vay tiêu dùng sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới khi người tiêu dùng đã bắt đầu nhận biết được những lợi ích thiết thực của hình thức này và tạo thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh phát triển. Giai đoạn 2016 - 2017, thị trường tín dụng tiêu dùng dự báo sẽ thực sự sôi động, nhờ việc hàng loạt các ngân hàng đặt chân vào lĩnh vực cho vay tiêu dùng với việc thành lập công ty tài chính.

Ngân hàng bán lẻ cũng như ngành tài chính tiêu dùng đều là những phân khúc hoạt động rất hiệu quả. Tuy nhiên, việc phát triển hai ngành này có sự khác nhau. Đối với ngành ngân hàng bán lẻ, đây là một kênh phát triển tương đối bền vững và đóng góp lợi nhuận cao cho ngân hàng.

Việc phát triển ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam tiếp tục phát triển trên nền tảng truyền thống mà các ngân hàng trước đây đã thiết lập. Còn tín dụng tiêu dùng có đặc thù riêng về sản phẩm, hướng tới cho vay các khoản nhỏ lẻ, cho vay tín chấp.

Vì vậy, khi muốn thâm nhập thị trường tài chính tiêu dùng, nhà băng phải cân nhắc rất kỹ lưỡng. Đặc biệt, đây là ngành có rủi ro cũng như chi phí vận hành rất cao. Các ngân hàng phải có sự cam kết về mặt đầu tư lâu dài và có định hướng rõ ràng mới thành công được trong ngành tiêu dùng. 

Nhu cầu tài chính tiêu dùng tại thị trường Việt Nam đang nhảy vọt với tốc độ đáng kinh ngạc 

Có 4 yếu tố quyết định thành công của công ty tài chính tiêu dùng.

Thứ nhất là phải có bộ sản phẩm phù hợp và linh hoạt dành cho khách hàng có thu nhập trung bình.

Thứ hai, có mạng lưới phân phối đông đảo.

Thứ ba là quản trị rủi ro, bao gồm việc quản lý, đưa ra những chính sách tín dụng, hệ thống quản trị phù hợp và những hoạt động thực thi hiệu quả.

Thứ tư là phải có chính sách thu hút nhân tài cũng như động viên, khích lệ nhân viên, đào tạo những kỹ năng chuyên môn cho nhân viên.

Cuộc đua của ba “ông lớn”

Lâu nay, các ngân hàng thương mại trong nước đã đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, nhưng thị trường chỉ thực sự phát triển và cạnh tranh trong những năm gần đây, khi có nhiều hơn các công ty tài chính tham gia. Tuy nhiên, thị phần chủ yếu thuộc về các tên tuổi lớn như FE Credit, Home Credit, HD Saison và Prudential Finance.

Home Credit Việt Nam cho biết, trong năm 2016, Công ty có 1,9 triệu khách hàng mới, tăng 90% so với năm 2015. Lũy kế đến cuối năm 2016, tổng số lượt khách hàng sử dụng dịch vụ tại Công ty là 4,9 triệu lượt người. Tăng trưởng doanh số cho vay của Công ty trong năm 2016 là 94%.

Sau hơn 7 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, Home Credit đã xây dựng mạng lưới 5.700 điểm giới thiệu dịch vụ tại 63 tỉnh, thành phố, với hơn 7.000 nhân viên. Các sản phẩm chính Home Credit đang cung cấp cho thị trường gồm: cho vay trả góp xe gắn máy, cho vay trả góp hàng điện máy gia dụng, điện tử và cho vay trả góp tiền mặt.  

Doanh số cho vay tiền mặt năm 2016 của Home Credit có mức tăng tới 80% so với 2015, chiếm tỷ lệ 27% trong tổng doanh số cho vay năm 2016 của Công ty. Bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2009, tăng trưởng dư nợ cho vay tiền mặt của Home Credit giai đoạn 2010 - 2015 tăng trưởng bình quân là 57%.

Trong khi đó, công ty cùng ngành là FE Credit, sau 6 năm hoạt động, đã vươn lên dẫn đầu thị trường cho vay tiêu dùng tín chấp. Đến nay, Công ty đã phục vụ gần 3 triệu khách hàng, hợp tác với hơn 4.000 đối tác tại hơn 5.800 điểm bán hàng trên toàn quốc. Công ty đã có thêm 2,7 triệu tài khoản mới cùng cơ sở khách hàng hoạt động chạm mốc 3,3 triệu tính đến cuối năm 2016, thị phần đạt gần 70% vào cuối năm 2016.

FE Credit là tổ chức tài chính phát triển nhanh nhất tại Việt Nam với dư nợ đến cuối năm 2016 đạt 30.000 tỷ đồng và 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Công ty cũng vừa ký hợp đồng hợp vốn 100 triệu USD với Credit Suisse để gia tăng tiềm lực tài chính phát triển kinh doanh.

Bên cạnh 2 công ty tài chính hàng đầu này, từ tháng 5/2015, với sự góp vốn đầu tư chiến lược từ tập đoàn tài chính Credit Saison (Nhật Bản), HD SAISON đã phát triển mạng lưới điểm giới thiệu dịch vụ thần tốc tại Việt Nam với hơn 4.500 điểm trên toàn quốc.

Đến cuối năm 2016, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, HD SAISON đã cho vay hơn 2 triệu khách hàng tại hơn 7.500 điểm giới thiệu dịch vụ tại các cửa hàng xe máy, ô tô, điện máy, điện thoại, nội thất, công ty du lịch, trung tâm tiệc cưới trên tất cả 63 tỉnh thành.

Cho vay tiền mặt cũng là mảng hoạt động xương sống của HD SAISON khi Công ty đẩy mạnh liên kết với một số trường học để cho học sinh vay tiền mặt đóng học phí và tài trợ cho giáo viên về tín dụng tiêu dùng. Công ty cung cấp các khoản vay mua hàng trả góp có giá trị từ trăm nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng. Tham vọng của HD SAISON là trở thành một công ty tài chính tiêu dùng hàng đầu tại Việt Nam trong tương lai gần, nhờ sự hỗ trợ của đối tác ngoại.

Ông Ivo Slanina, Giám đốc Kinh doanh Home Credit Việt Nam cho biết, 95% đơn xin vay vốn của Home Credit được phê duyệt trong vòng 15 phút, nhưng tỷ lệ nợ xấu của Công ty vẫn kiểm soát dưới ngưỡng 4%.

Thực tế, hiện nay tại thị trường Việt Nam, các ngân hàng đã và tiếp tục lên kế hoạch hình thành, mua lại công ty tài chính cho vay tiêu dùng trực thuộc. Các ngân hàng cũng có thế mạnh trong việc tận dụng mạng lưới và nguồn vốn huy động giá rẻ để cho vay ra, cũng như thương hiệu trên thị trường mà các ngân hàng đã xây dựng từ rất lâu.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo một công ty tài chính, đối với các ngành tài chính tiêu dùng, những điểm thuận lợi để đi đến thành công đó là có hệ thống, nhân viên và mạng lưới bán hàng rộng khắp, cùng thời gian duyệt khoản vay phải nhanh chóng. Những điều này để ngân hàng làm được đòi hỏi phải có thời gian đủ dài.

Linh Trần
Đặc san toàn cảnh ngân hàng Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục