Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam: 20 năm sứ mệnh bảo vệ người gửi tiền

(ĐTCK) Kể từ khi thành lập vào năm 1999, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) luôn đặt mục tiêu, tôn chỉ hoạt động là bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng và bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam: 20 năm sứ mệnh bảo vệ người gửi tiền

Bảo vệ người gửi tiền là mục tiêu hàng đầu

Hiện nay, BHTGVN đang bảo vệ cho hơn 4 triệu tỷ đồng tiền gửi của người dân tại gần 1.300 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm 95 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1 ngân hàng hợp tác xã; 1.182 quỹ tín dụng nhân dân và 4 tổ chức tài chính vi mô.

Luật pháp quy định việc tham gia BHTG là bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng có huy động tiền gửi cá nhân bằng đồng Việt Nam và các tổ chức này nộp phí BHTG ở mức 0,15% số dư bình quân tiền gửi.  

Người gửi tiền được bảo hiểm với hạn mức tối đa 75 triệu đồng. Với hạn mức này, BHTGVN bảo vệ toàn bộ cho 87,32% số lượng người gửi tiền (theo số liệu tại thời điểm tháng 6/2016), phần vượt hạn mức người gửi tiền sẽ được nhận trong quá trình xử lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG đổ vỡ.

Ngoài ra, người gửi tiền được BHTGVN gián tiếp bảo vệ thông qua một loạt các nghiệp vụ BHTG như: cấp Chứng nhận tham gia BHTG, thu phí BHTG, giám sát thường xuyên, kiểm tra định kỳ nhằm phát hiện rủi ro sớm hơn, góp phần duy trì, bảo đảm hoạt động an toàn, lành mạnh của toàn hệ thống tổ chức tín dụng.

Công tác quản lý và đầu tư vốn được thực hiện đúng quy định, an toàn, hiệu quả, góp phần phát triển nguồn vốn, đem lại nguồn thu bổ sung cho quỹ dự phòng nghiệp vụ và nâng cao năng lực tài chính của BHTGVN. Dự kiến đến cuối năm 2019, tổng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của BHTGVN ước đạt 58.000 tỷ đồng, chủ yếu được đầu tư vào trái phiếu Chính phủ. 

Riêng đối với nghiệp vụ chi trả, trong 20 năm qua, BHTGVN đã thực hiện chi trả cho người gửi tiền tại 39 quỹ tín dụng nhân dân. Công tác chi trả được thực hiện kịp thời, đúng quy trình, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, kết hợp với việc thực hiện tuyên truyền trước và trong quá trình chi trả đã giúp ổn định tâm lý người dân và góp phần giữ vững an ninh, chính trị tại địa phương. Khoảng 3 năm gần đây, BHTGVN không phải chi trả cho người gửi tiền, nhưng BHTGVN định kỳ xây dựng và diễn tập, mô phỏng các “kịch bản” chi trả khi có đổ vỡ để luôn chủ động, sẵn sàng trong bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.

Bên cạnh đó, BHTGVN cũng thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách nhằm nâng cao hiểu biết của công chúng về  BHTG, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình huy động vốn nhàn rỗi từ dân cư của các quỹ tín dụng nhân dân, góp phần phát triển kinh tế vùng nông thôn.

Vai trò lớn hơn trong quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng

Gần đây, tại Chỉ thị 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và Đề án củng cố, phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu tăng cường vai trò và sự phối hợp của BHTGVN trong xử lý, tham gia hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém được đặt vào kiểm soát đặc biệt theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng được sửa đổi, bổ sung. 

Triển khai Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ, BHTGVN đã thực hiện nghiên cứu, xây dựng báo cáo một số nội dung: Tăng cường vai trò và sự phối hợp của BHTGVN trong việc xử lý, tham gia hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém được đặt vào kiểm soát đặc biệt; phát huy và tăng cường vai trò giám sát, phân tích, đánh giá cảnh báo an toàn hệ thống đối với hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, nhất là an toàn về tiền gửi và cho vay của các quỹ tín dụng nhân dân thông qua các chức năng và hoạt động của BHTGVN hiện nay; tăng cường vai trò của BHTGVN trong việc phối hợp tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với quỹ tín dụng nhân dân; nguồn tiền kết dư phí BHTG...

Đặc biệt, tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống quỹ tín dụng nhân dân được coi là nhiệm vụ quan trọng của BHTGVN nói riêng và ngành ngân hàng nói chung. Do đó, đối với công tác kiểm tra, BHTGVN sẽ ưu tiên tập trung nguồn nhân lực, công tác đào tạo trưởng đoàn kiểm tra, tích cực tham gia quá trình kiểm soát đặc biệt các quỹ tín dụng nhân dân cũng như tham gia phối hợp, hỗ trợ có hiệu quả chức năng kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước đối với quỹ tín dụng nhân dân. 

Ngoài ra, để góp phần tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng tại Việt Nam, BHTGVN nghiên cứu và đề xuất định hướng chính sách như xác định mạng an toàn tài chính quốc gia, quy định rõ cơ chế phối hợp, chức năng, quyền hạn của các cơ quan trong việc tái cơ cấu tổ chức tín dụng, sửa đổi đồng bộ Luật BHTG và các luật có liên quan, ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém.

BHTGVN đang hoàn thiện đề án "Nâng cao hiệu quả nghiệp vụ kiểm tra tại chỗ của BHTGVN nhằm bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền"; phối hợp với các đơn vị có liên quan tuyên truyền chính sách BHTG để người dân yên tâm, tin tưởng hơn nữa vào vai trò của BHTG và hoạt động tài chính - ngân hàng tại Việt Nam.

Hà An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục