Xác lập vị trí trên “bản đồ” tư vấn
Tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Viễn thông AT&T công bố sẽ tách mảng kinh doanh truyền thông WarnerMedia và hợp tác với Công ty Truyền thông Discovery nhằm tạo ra một đế chế truyền thông mới để cạnh tranh với Disney+, Netflix - những công ty đang dẫn đầu trong lĩnh vực truyền hình trực tuyến.
Dự kiến, thương vụ này sẽ hoàn thành vào giữa năm 2022. AT&T sẽ sở hữu 71% cổ phần của công ty mới, các cổ đông của Discovery sẽ sở hữu 29% còn lại.
Động thái này là một bước ngoặt quan trọng đối với AT&T sau khi mua lại WarnerMedia vào tháng 10/2016 với giá 85,4 tỷ USD. Sự hợp tác giữa WarnerMedia và Discovery sẽ tạo ra công ty truyền thông lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Disney+, với giá trị doanh nghiệp khoảng 132 tỷ USD.
Đáng chú ý, trong giao dịch này có sự xuất hiện của một số “ngôi sao lớn nhất của Phố Wall” trong vai trò cố vấn. Một “tiểu đoàn” hào nhoáng gồm các chủ ngân hàng tên tuổi, công ty tư vấn công nghệ, truyền thông và viễn thông cho đến các luật sư quyền lực đã cùng nhau tư vấn thương vụ này.
Trong đó, Aryeh Bourkoff, chủ ngân hàng viễn thông nổi tiếng và là người sáng lập LionTree Advisors đóng vai trò quan trọng trong việc tư vấn cho AT&T, cùng với các đối tác tại Goldman Sachs do Kurt Simon lãnh đạo.
Một trong những câu chuyện đáng nhớ nhất về sự thành công của các công ty tư vấn M&A độc lập phải kể đến thương vụ sáp nhập trên toàn cầu giữa hai tập đoàn xi măng gạo cội là Lafarge (Pháp) và Holcim (Thụy Sĩ). Thương vụ hoàn tất cuối năm 2015 với tên gọi mới là LafargeHolcim, nâng tổng công suất của đơn vị sau sáp nhập lên 250 triệu tấn xi măng/năm.
Đáng chú ý, thương vụ trị giá 60 tỷ USD này được tư vấn bởi Zaoui & Co., một đơn vị tư vấn M&A độc lập được sáng lập bởi hai anh em nhà Zaoui, vốn là cựu nhân sự cấp cao tại Goldman Sachs và Morgan Stanley. Thương vụ đã giúp anh em nhà Zaoui chiếm đến 15% giá trị thị trường tư vấn tại châu Âu năm 2014 theo giá trị giao dịch, đồng thời thách thức rất nhiều đơn vị tư vấn khác là các ngân hàng đầu tư lớn bằng cách leo lên vị trí thứ 8 trên “bản đồ” tư vấn M&A tại châu Âu.
Nhỏ, nhưng có “võ”
Trên thị trường dịch vụ tư vấn M&A, có thể kể đến các mô hình chính như: ngân hàng đầu tư, công ty tư vấn đa quốc gia (Big 4), công ty chứng khoán và các công ty tư vấn M&A độc lập (boutique advisory firms). Mỗi mô hình đều có những điểm mạnh và điểm yếu đặc thù. Tuy nhiên, các công ty tư vấn độc lập đang tỏ ra hấp dẫn khách hàng hơn các công ty truyền thống, nhờ giá trị vượt trội mà họ mang lại.
Dù thị trường M&A có lên xuống và bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng các công ty tư vấn độc lập vẫn giữ vững vị thế.
Theo số liệu của Refinitiv, tổng giá trị của các giao dịch M&A đang chờ xử lý và hoàn tất trên toàn cầu được công bố trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5/2021 đạt mức cao kỷ lục 2.400 tỷ USD. Chỉ tính riêng tháng 5/2021, giá trị các thương vụ đạt khoảng 532,9 tỷ USD, mức cao nhất so với cùng kỳ của các năm trước.
5 tháng đầu năm nay, tổng cộng có 428 thương vụ M&A với giá trị mỗi thương vụ hơn 1 tỷ USD, cao hơn nhiều lần so với con số 131 thương vụ trong cùng kỳ năm trước.
Trong đó, Mỹ ghi nhận số thương vụ M&A với tổng giá trị lớn nhất thế giới, đạt 1.300 tỷ USD; tiếp đến là châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương, lần lượt đạt 411 tỷ USD và 387 tỷ USD.
Theo Dealogic Insights Research, trong nửa đầu năm 2020, tổng giá trị thị trường tư vấn M&A chỉ đạt khoảng 1.100 tỷ USD với 15.217 thương vụ, mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua, nhưng các công ty tư vấn độc lập vẫn chiếm 27,8% thị phần các giao dịch, tăng nhẹ so với mức 26,3% của năm 2019.
Việc sử dụng tư vấn M&A độc lập có tác dụng tích cực đối với cả bên mua lẫn bên bán. Có rất nhiều dịch vụ tư vấn khác nhau cho một thương vụ M&A, tùy thuộc vào các bước diễn ra thương vụ. Một số nhà tư vấn chuyên hỗ trợ bên bán, còn số khác lại hay làm việc với bên mua.
Trong một thương vụ M&A thường phải có một nhóm các nhà tư vấn cùng hợp tác. Đặc biệt, với các thương vụ xuyên biên giới, các nhà tư vấn này đến từ nhiều lĩnh vực, nhiều quốc gia và chuyên các mảng khác nhau. Khi các nhà tư vấn hợp sức, quy trình làm M&A sẽ diễn ra nhanh hơn, vì từng vấn đề của thương vụ như nhân sự, luật, công nghệ, mô hình kinh doanh… sẽ có nhà tư vấn cụ thể đứng ra đảm nhiệm.
Chẳng hạn, một nhà đầu tư Nhật Bản khi muốn mua lại doanh nghiệp Việt sẽ nhờ một tư vấn Nhật Bản thẩm định mô hình kinh doanh của bên bán. Tuy nhiên, khi cần tìm hiểu về luật pháp Việt Nam, thì họ buộc phải hợp tác với luật sư, chuyên viên kiểm toán và thuế tại Việt Nam.
Hay khi Thai Beverage (Thái Lan) chi hơn tỷ USD mua cổ phần tại Sabeco, họ chọn con đường thành lập nhiều pháp nhân khác nhau tại Hồng Kông, Singapore và Việt Nam để được mua Sabeco với tư cách nhà đầu tư trong nước. Việc này có sự hỗ trợ của đội ngũ tư vấn viên tại từng quốc gia.
Theo kết quả từ mô hình phân tích, khi các thương vụ M&A có tính phức tạp, sự bất đồng giữa hai bên bị đẩy lên cao, thì bên mua thường tìm đến các công ty tư vấn độc lập, vì tính chuyên biệt nổi trội của họ. Tư vấn M&A độc lập có khả năng xác định các vấn đề quan trọng chính xác hơn và hoàn thành các thương vụ tạo ra giá trị cho bên mua trong dài hạn với lợi nhuận đầu tư cao hơn, khả năng suy giảm lợi thế thương mại thấp hơn.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, lợi ích từ việc thuê cố vấn M&A độc lập cũng có ảnh hưởng tích cực đối với bên bán, vì họ có thể xác định và hoàn thành việc hợp nhất một cách tối ưu, dẫn tới giá trị giao dịch được tăng cao. Khi có đơn vị tư vấn M&A độc lập, sự nhìn nhận của thị trường về thương vụ cũng tích cực hơn và lợi nhuận bất thường tích lũy cho bên bán cũng cao hơn.
Vị thế của các nhà tư vấn M&A độc lập đang tăng lên với nhìn nhận tích cực từ thị trường nhờ những “tinh hoa” mà họ mang lại cho các thương vụ và khách hàng.
Các đơn vị tư vấn độc lập thường có quy mô rất nhỏ, nhưng lại có khả năng thực hiện được các thương vụ với độ khó cao và giá trị lớn. Qua đó, họ đã chứng minh được sức hút mạnh mẽ của mình trong thị trường tư vấn M&A quốc tế.
Có một điểm thú vị là, các “vị tướng” của những công ty tư vấn này đều xuất thân từ những tập đoàn tư vấn hoặc ngân hàng đầu tư sừng sỏ. Ví dụ, Aryeh Bourkoff và Ehren Stenzler của LionTree; hay Paul J. Taubman, cựu nhân sự cấp cao của Morgan Stanley đã xây dựng công ty tư vấn tài chính độc lập PJT Partners... Năm 2020, cựu giám đốc ngân hàng đầu tư cao cấp của Goldman Sachs, Gordon Dyal, cũng đã khai trương công ty tư vấn M&A độc lập của riêng mình - Dyal Co, sau đó xuất hiện với tư cách là nhà cố vấn chính cho Syngenta của Thụy Sĩ về việc bán nó cho ChemChina.
Ở thị trường Việt Nam, ASART đang khá nổi về tư vấn M&A độc lập, được sáng lập năm 2017 bởi bà Lê Bình, cựu nhân sự cấp cao của KPMG và La Farge, đồng thời là chuyên gia trong lĩnh vực M&A, kinh nghiệm hơn 13 năm làm việc trực tiếp với các dự án và thương vụ lớn.
Việc sở hữu đội ngũ là những cựu nhân viên giỏi từ “Big 4” và các ngân hàng khác, các chuyên gia độc lập và đối tác chuyên môn với thâm niên tư vấn M&A ở Việt Nam cũng giúp ASART trở thành “tay chơi” đáng nể.
Nhắm vào điểm yếu của các “cỗ máy khổng lồ”
Tại sao những “vị tướng” này lại từ bỏ công việc đáng mơ ước tại các ngân hàng đầu tư và tập đoàn tư vấn lớn để theo đuổi con đường tư vấn M&A độc lập? Mô hình tư vấn độc lập mang lại giá trị khác biệt cho doanh nghiệp như thế nào?
Có thể thấy, mô hình kinh doanh của đơn vị tư vấn M&A độc lập không tiềm tàng những xung đột lợi ích như các tập đoàn tư vấn lớn. Thay vì cố gắng bán nhiều sản phẩm, trọng tâm của các đơn vị nhỏ là cung cấp dịch vụ tư vấn có thể mang giá trị cộng thêm cho khách hàng.
Bà Lê Bình, người sáng lập, Giám đốc điều hành ASART cũng cảm thấy rất tiếc khi một thị trường tư vấn có giá trị lớn về cả tài chính và chiến lược như Việt Nam lại chỉ được thực hiện chủ yếu bởi các tổ chức mà M&A không phải là dịch vụ cốt lõi.
Ít ai biết rằng, chỉ một tỷ lệ nhỏ nhân sự trong bộ máy khổng lồ của các tập đoàn tư vấn lớn có chức năng chuyên biệt về M&A. Cùng với đó, các ngân hàng đầu tư gạo cội với những điểm mạnh không thể phủ nhận như lịch sử lâu đời, tên tuổi… vẫn luôn có những hạn chế. Bộ máy cồng kềnh, tiềm ẩn rủi ro về mâu thuẫn lợi ích, thời gian, trình độ của nhân sự không chuyên, thiếu sự linh hoạt và tính bảo mật của thương vụ… là những điểm trừ chính của những bộ máy khổng lồ khi tư vấn các thương vụ M&A.
Trong khi đó, các nhà tư vấn độc lập lại khắc phục được những hạn chế nói trên. Một nhóm tinh lọc các chuyên gia trong mạng lưới cho phép họ có thể đảm bảo với khách hàng về năng lực của nhân sự phù hợp với nhu cầu của thương vụ, đồng thời đảm bảo mức độ tương tác sâu và cao, thời gian triển khai tối ưu, chi phí xứng đáng, với các lợi ích gia tăng từ cách làm việc này.
“Mô hình tư vấn M&A độc lập với lợi thế của độ chuyên biệt tuyệt đối sẽ là mảnh ghép giá trị quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt Nam tự tin đón làn sóng đầu tư hiện đại”, bà Lê Bình nhấn mạnh.
M&A là một con đường “hoa hồng”, nhưng cũng đầy gai nhọn. Những nhà đầu tư lớn ở nước ngoài khi tiếp cận công ty mục tiêu ở thị trường Việt Nam thường mang theo một đội “tướng lĩnh” sành sỏi để nhanh chóng giành thế thượng phong. Nhưng ở phía đối diện, các doanh nghiệp Việt vẫn còn đang mơ hồ trước những quyết định trọng yếu trong việc gọi vốn và tiếp nhận đầu tư.
Do đó, chủ doanh nghiệp Việt cần có một đội ngũ để cân bằng vị thế trong các bước đi và trên bàn đàm phán, thương thảo, để tránh những rủi ro đáng tiếc, trong đó bao gồm cả việc mất đi thương hiệu mình đã dày công tạo dựng.