Từ UPCoM lên HOSE: Những bước đi phù hợp với chiến lược của VIB

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Đó là chia sẻ của ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB) nhân sự kiện VIB niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Từ UPCoM lên HOSE: Những bước đi phù hợp với chiến lược của VIB

Thị trường đánh giá VIB là ngân hàng phát triển chậm nhưng chắc và cẩn trọng quá nên không niêm yết luôn trên HOSE mà phải đi từ UPCoM…

Điều này không phải là cẩn trọng quá, mà các quyết định đưa ra vào những thời điểm nhất định đều dựa trên một lộ trình chủ động được thiết kế từ lâu.

Với nền tảng quản trị ngân hàng mà VIB đã xây dựng qua nhiều năm dựa trên các chuẩn mực quản trị rủi ro tiên tiến, hệ thống báo cáo quản trị với độ minh bạch cao và hiệu quả hoạt động kinh doanh rất tốt, trên thực tế, VIB đã hội đủ điều kiện cốt lõi để niêm yết cổ phiếu tại thị trường giao dịch tập trung từ những năm trước.

Tuy nhiên, việc giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM từ đầu năm 2017 khi trụ sở chính của VIB đóng tại Hà Nội và hôm nay chuyển lên HOSE sau khi trụ sở chính chuyển vào TP.HCM, đều là những bước đi phù hợp với chiến lược vốn của VIB trong từng thời điểm cụ thể.

Ông có thể cho biết kế hoạch cụ thể khi chuyển sàn HOSE đi kèm với câu chuyện bán vốn nước ngoài sẽ thế nào?

Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB).

Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB).

Hiện tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room) tại VIB là 20%. Theo quy định của Nghị định 01/2014/NĐ-CP, room ngoại không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam. Theo quy định, chúng tôi vẫn còn tỷ lệ nhất định dành cho nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện cũng có nhiều đề xuất về việc nới room ngoại cho các ngân hàng. Việc nới room một mặt nhằm tăng thêm tính hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại, mặt khác giúp các ngân hàng nâng cao năng lực tài chính.

Bên cạnh đó, theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xem xét tạo thuận lợi, cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ của phía nước ngoài lên 49% vốn điều lệ trong 2 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam.

Về phía VIB, ngay cả trước khi công bố kế hoạch chuyển sang niêm yết trên sàn HOSE, cổ phiếu của VIB đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn đầu tư giá trị dài hạn, quan tâm, đánh giá cao hiệu quả kinh doanh và chất lượng quản trị rủi ro của VIB.

Họ tiếp xúc trực tiếp với ban lãnh đạo VIB để đặt vấn đề tham gia vốn trực tiếp vào Ngân hàng thông qua các đợt tăng vốn.

Chúng tôi chưa có kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn cho các nhà đầu tư mới trong năm 2020, nhưng các kế hoạch như vậy trong tương lai chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư.

Nếu Ngân hàng Nhà nước cho phép tăng room ngoại, chúng tôi sẽ chào đón các nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu VIB trong thời gian tới.

Niêm yết trên HOSE là điều chắc chắn các nhà đầu tư chờ đợi vì mang lại nhiều lợi ích, trong đó bao gồm giá cổ phiếu tốt hơn, hẳn HĐQT VIB đã tính tới điều này?

Trong khi tập trung các nỗ lực để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng, chúng tôi cũng luôn cố gắng làm tốt nhất cho quyền lợi của cổ đông, của nhà đầu tư và của cán bộ nhân viên VIB.

Trong 3 năm vừa qua, thu nhập trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) của VIB thường xuyên đạt xung quanh 25%, thuộc nhóm cao nhất thị trường.

Chúng tôi duy trì chính sách cổ tức ổn định với mức từ 5 - 5,5% bằng tiền mặt, cùng việc chia cổ phiếu thưởng từ 20% đến trên 40%.

Cán bộ nhân viên của VIB hiện cũng đang được các nhà phân tích độc lập xếp vào nhóm được hưởng chế độ đãi ngộ tốt nhất trong ngành ngân hàng và gần 4.000 người trong số họ hiện cũng đang đồng thời là cổ đông của VIB, chiếm xấp xỉ 60% số lượng cổ đông của chúng tôi.

Việc cổ phiếu VIB niêm yết trên HOSE trong tháng 11 vừa qua, chúng tôi kỳ vọng và tin tưởng sẽ mang lại những giá trị ngày càng cao hơn cho cổ đông về sự minh bạch, về quy mô giao dịch, về tính thanh khoản của cổ phiếu.

Đây cũng là động lực quan trọng để VIB tiếp tục đà tăng trưởng năng động với tốc độ cao và bền vững đã thiết lập trong nhiều năm qua, mang lại giá trị tối ưu cho khách hàng, cổ đông, nhà đầu tư, cán bộ nhân viên và đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của thị trường tài chính Việt Nam.

Đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam hứng chịu những tác động tiêu cực nặng nề, điều hành hoạt động của ngân hàng giai đoạn này chắc hẳn nhiều áp lực đối với các lãnh đạo, ông có thể chia sẻ câu chuyện của VIB?

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đáng kể tới tốc độ tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế, đây là áp lực và cũng là cơ hội thể nghiệm khả năng thích ứng và phát triển trong đại dịch cho không riêng chỉ các cá nhân mà của các tổ chức.

Về phía VIB, do bùng phát dịch Covid-19, chúng tôi đã chủ động giảm tốc trong 6 tháng đầu năm nay, nhưng bật tăng mạnh mẽ từ quý III.

Kết thúc tháng 10/2020, lợi nhuận lũy kế của VIB đạt hơn 4.560 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ và vượt qua mức lợi nhuận của cả năm 2019 là 4.080 tỷ đồng.

Dư nợ tín dụng trong tháng 10 tăng hơn 6.900 tỷ đồng, đóng góp vào tăng trưởng lũy kế tới 31/10/2010 đạt 19,4%, cao gấp 3 lần so với mức tăng trung bình ngành.

Huy động tháng 10 ghi nhận mức tăng 4.400 tỷ đồng, đưa tỷ lệ tăng trưởng lũy kế của VIB đạt 20%, cao hơn mức tăng của dư nợ.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, mức tăng trưởng này có được là nhờ sự chuẩn bị hạ tầng quản trị mạnh của VIB trong 5 năm vừa qua.

Nhiều ngân hàng đặt mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ số 1. VIB lựa chọn hướng đi thế nào để tạo sự khác biệt, đặc biệt trong bối cảnh các ngân hàng đều tập trung khá mạnh vào ngân hàng số?

Thực tế, trong 3 năm trở lại đây, VIB được biết đến là ngân hàng bán lẻ có tốc độ tăng trưởng thuộc top đầu của ngành ngân hàng với chất lượng tài sản tốt, dẫn đầu thị trường ở nhiều mảng trọng yếu như cho vay mua ô tô, mua nhà ở, phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ (bancassurance), phát hành thẻ tín dụng và dịch vụ ngân hàng số (digital banking).

Chiến lược mà chúng tôi vẫn đang theo đuổi là đưa VIB trở thành ngân hàng bán lẻ có quy mô và chất lượng hàng đầu thị trường bằng sự tập trung vào khách hàng, sản phẩm, chất lượng dịch vụ trên nền tảng ngân hàng số cùng hệ thống chi nhánh với mô hình vận hành tối ưu.

Riêng mảng ngân hàng số, với tầm nhìn “Trở thành ngân hàng sáng tạo và hướng tới khách hàng nhất tại Việt Nam”, VIB luôn có sự đầu tư nghiêm túc, bài bản và luôn duy trì vị thế là một trong những ngân hàng dẫn đầu xu hướng phát triển các dịch vụ ngân hàng số và đặc biệt chú trọng vào nền tảng điện thoại di động.

Tôi muốn nhấn mạnh là gần đây nhất, VIB - ngân hàng đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam ứng dụng thành công công nghệ Big Data và AI để tối ưu hóa quy trình duyệt cấp thẻ tín dụng, bước đầu đã áp dụng với dòng thẻ Online Plus, dòng thẻ chuyên dụng cho mua sắm trực tuyến với tính năng hoàn tiền đến 6% cho các giao dịch mua sắm trực tuyến, bảo hiểm gian lận giao dịch thẻ trị giá đến 105 triệu đồng/năm.

Công nghệ này giúp VIB thu ngắn thời gian nhận và sử dụng thẻ của khách hàng ở mức kỷ lục chỉ bằng 1/500 thời gian trung bình trên thị trường.

Tôi tin rằng, bên cạnh là ngân hàng bán lẻ hàng đầu về quy mô và chất lượng, đón đầu làm sóng chuyển đổi số cũng là một dấu ấn của VIB trên thị trường Việt Nam hơn 96 triệu dân đầy năng động.

Làm lãnh đạo một tổ chức lớn đầy sức ép và thử thách vì cổ đông luôn đòi hỏi cao với khả năng sinh lời từ đồng vốn đã đầu tư. Khó khăn nhất là định một chiến lược dài hạn để có thể tồn tại và phát triển lâu dài. Một định vị nào là phù hợp cho VIB thời gian tới, thưa ông?

Như đã chia sẻ ở trên, chiến lược dịch chuyển sang bán lẻ của VIB trong 4 năm qua đã đưa VIB trở thành ngân hàng bán lẻ có tốc độ tăng trưởng thuộc top đầu của ngành ngân hàng với chất lượng tài sản tốt, dẫn đầu thị trường ở nhiều mảng trọng yếu.

Bền bỉ với chiến lược hướng tới phục vụ đông đảo người dân thông qua các sản phẩm ngân hàng bán lẻ, chú trọng hoàn thiện mô hình vận hành, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, kiên trì áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế hàng đầu và duy trì độ minh bạch ở mức độ cao nhất, VIB đã đạt được những kết quả kinh doanh hết sức khả quan, cũng như dành được sự tín nhiệm, tin cậy của khách hàng, của các nhà đầu tư và của các cơ quan chức năng.

Trong thời gian tới, chúng tôi vẫn kiên định với chiến lược đưa VIB trở thành ngân hàng bán lẻ có quy mô và chất lượng hàng đầu thị trường với mục tiêu liên tục nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, làm cơ sở cho chính sách cổ tức ổn định và ở mức cao mà chúng tôi đã thiết lập và duy trì bền vững trong nhiều năm qua.

Hồng Dung
Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2020

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục