Từ UKFTA hướng đến đối tác chiến lược toàn diện

0:00 / 0:00
0:00
Cùng với tiến trình rời EU, chính giới Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen ráo riết đi tìm các đối tác mới. Việt Nam được lựa chọn là một trong rất ít đối tác tin cậy nhất.

“Sau khi ký kết UKFTA, Anh mong muốn 2 nước nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện”, Vụ trưởng Vụ châu Âu (Bộ Ngoại giao), nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen, ông Trần Ngọc An chia sẻ.

Là một trong những cường quốc kinh tế, chính trị, khoa học, công nghệ, quốc phòng…, vì sao Vương quốc Anh lại “chọn mặt gửi vàng” với Việt Nam, thưa ông?

Ông Trần Ngọc An, Vụ trưởng Vụ châu Âu (Bộ Ngoại giao), nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen

Ông Trần Ngọc An, Vụ trưởng Vụ châu Âu (Bộ Ngoại giao), nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen

Khi còn trong EU, mối quan hệ của Anh quốc nằm trong mối quan hệ chung của EU, nên họ không quan tâm nhiều đến các đối tác song phương. Nhưng ngày 1/2/2020, Anh quốc và EU đã “đường ai nấy đi”. Để duy trì và cân bằng các mối quan hệ khi không còn “chung thuyền” với EU, trước đó 3 - 4 năm, Chính phủ của Thủ tướng Theresa May đã rốt ráo đi thiết lập các mối quan hệ mới.

Là Ủy viên Thường trực Liên hợp quốc, cũng như các cường quốc khác, Anh quốc “chọn bạn” rất kỹ. Họ tính đến mọi yếu tố, khía cạnh và cuối cùng, Việt Nam là “hạt giống đỏ” được Anh quốc lựa chọn làm “bạn tốt”. Vì về kinh tế, Việt Nam không chỉ là một nền kinh tế mới nổi, mà còn đang dần “định vị” trên bản đồ kinh tế thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Về chính trị, tiếng nói của Việt Nam ngày càng có trọng lượng trên các diễn đàn thế giới, nhất là trong khu vực ASEAN.

Đặc biệt, Việt Nam đã được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2 nhiệm kỳ (2008-2009 và 2020-2021). Vì vậy, Anh không muốn bỏ lỡ cơ hội tăng cường hợp tác hơn nữa với Việt Nam.

Nếu đặt trong tương quan so sánh với các nước trong ASEAN, có thể lý giải vì sao Anh chọn Việt Nam?

Mỗi nước có những điểm mạnh riêng, hạn chế riêng. Theo tôi, điểm mạnh của Việt Nam là có nền chính trị ổn định, đường lối đối ngoại nhất quán, độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Trong quan hệ quốc tế, chúng ta luôn cân bằng lợi ích giữa bạn với mình. Việt Nam đã ký kết và thực thi 15 FTA, trong đó có những FTA “khủng” như CPTPP, EVFTA, RCEP. Về số lượng FTA, Việt Nam chỉ đứng sau Singapore - quốc gia hầu như không có hoạt động sản xuất, kinh tế tập trung vào dịch vụ. Vì vậy, có thể chính giới Anh quốc đã nhận thấy một Việt Nam trong quan hệ với bạn bè là luôn thủy chung, đáng tin cậy, không vụ lợi, quan hệ rộng, có trách nhiệm.

Bằng chứng là UKFTA được ký kết chỉ sau đúng một năm Anh rời EU?

Ở vị thế một cường quốc, trong đó, về kinh tế, chỉ xếp sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Liên bang Đức, nên Anh tham gia FTA rất ít. Ngay khi Anh rời EU, cả mình và bạn đã sớm đi đến thống nhất ký UKFTA. Tôi rất hạnh phúc khi được Chính phủ ủy nhiệm ký hiệp định này. Ở ASEAN, ngoại trừ Singapore, thì Việt Nam là đối tác thứ hai ký FTA với Vương quốc Anh.

UKFTA thực sự là điểm nhấn cho cả hai. Với Việt Nam, Anh là đối tác thương mại lớn thứ ba ở châu Âu, chỉ sau Đức và Hà Lan. Chúng ta đã đặt chân đến trước nên có rất nhiều cơ hội đưa hàng hóa vào thị trường này.

Kết quả sau một năm thực thi UKFTA rất khả quan, thưa ông?

Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Anh quốc năm 2021 đạt 5,24 tỷ USD, tăng 15,6%. Đây là kết quả rất ấn tượng trong bối cảnh đại dịch. Quan trọng hơn, dư địa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này vô cùng lớn, hiện chưa chiếm đến 1% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa hàng năm của thị trường này.

Đặc biệt, Vương quốc Anh đã qua giai đoạn công nghiệp hóa mấy chục năm, nên nền kinh tế chủ yếu dựa vào dịch vụ, nếu không nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam thì họ nhập khẩu từ nước khác, nên xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này ít khi bị kiện tụng liên quan đến phi thuế quan như bán phá giá, trợ cấp.

Nhưng đầu tư từ Vương quốc Anh vào Việt Nam vẫn rất thấp, ông đánh giá thế nào về điều này?

Là quốc gia đã hoàn tất quá trình công nghiệp hóa, nên đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Vương quốc Anh không nhiều. Doanh nghiệp Anh hiện đầu tư trực tiếp vào Việt Nam khoảng 4.039 triệu USD. Nhưng nếu tính cả các doanh nghiệp đang hoạt động tại các quốc gia, vùng lãnh thổ khác, đặc biệt là Singapore, Hồng Kông, quần đảo BritishVirgin và Cayman (lãnh thổ hải ngoại của Anh quốc), thì Anh quốc đầu tư vào Việt Nam không hề nhỏ. Hầu hết doanh nghiệp lớn, ngân hàng, công ty bảo hiểm của Việt Nam đều có sự góp mặt của các quỹ đầu tư đang hiện diện tại London.

Khách quan mà đánh giá, từ nhiều trăm năm trước, người Anh luôn đi trước một bước so với phần còn lại của thế giới. Riêng đối với Việt Nam, ngay cả khi chúng ta vẫn đang trong công cuộc giải phóng miền Nam, thì ngày 11/9/1973, Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland đã thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ. Anh quốc là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Năm 1993, Việt Nam chưa bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ thì Anh quốc đã tổ chức lễ đón Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại London theo nghi thức Nhà nước dành cho nguyên thủ quốc gia. Và chỉ một năm sau, Ngoại trưởng Vương quốc Anh khi đó, ngài Douglas Hurd đã đến thăm Việt Nam.

Về kinh tế, doanh nghiệp Anh quốc khai phá thị trường Việt Nam từ năm 1998. Riêng lĩnh vực tài chính, Standard Charter và HSBC là 2 ngân hàng 100% vốn nước ngoài đầu tiên thành lập sau khi Việt Nam mở cửa không lâu. Vì vậy, tôi có niềm tin rằng, quan hệ Việt Nam - Vương quốc Anh trên mọi khía cạnh, trong đó có hoạt động đầu tư, kinh tế, thương mại, đang bước sang một trang mới.

Ông có nói, giới chức Anh đang muốn nâng mối quan hệ với Việt Nam từ “Đối tác chiến lược” lên “Đối tác chiến lược toàn diện”?

Với vị thế của “nước lớn”, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland ký hiệp định “Đối tác chiến lược” không nhiều, ở châu Á, họ chỉ ký với vài ba nước, trong đó có Việt Nam vào tháng 9/2010, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, tạo khuôn khổ phát triển quan hệ song phương toàn diện. Và giờ, sau 12 năm hợp tác chiến lược, phía bạn mong muốn nâng tầm quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện”.

Mong muốn trên một mặt do vai trò, vị thế của Việt Nam, cả kinh tế, chính trị, ngoại giao, ngày một cao hơn, mặt khác, hiện có khoảng 210.000 Việt kiều sống tại Vương quốc Anh, trong đó rất nhiều người thành đạt. Có khoảng 12.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các cơ sở đào tạo hàng đầu của Vương quốc Anh.

Còn một lý do nữa là các lãnh đạo hàng đầu Vương quốc Anh rất có cảm tình với Việt Nam, đặc biệt là vị Thủ tướng có uy tín là Tony Blair. Ông đã sang thăm và làm việc tại Việt Nam nhiều lần, kể cả sau khi rời ghế Thủ tướng. Ông đã thành lập Quỹ Tony Blair (có văn phòng tại Việt Nam), đang giúp Việt Nam rất nhiều lĩnh vực như tư vấn cải cách doanh nghiệp nhà nước, thu hút đầu tư, đối tác công tư, phát triển khu vực tư nhân, giáo dục - đào tạo, biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế… Quỹ Tony Blair đặc biệt ủng hộ Việt Nam và Vương quốc Anh nâng tầm hợp tác lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện”.

Hiện hai bên đã có động thái gì để nâng tầm quan hệ chưa, thưa ông?

Năm 2021, dịch bệnh diễn ra nghiêm trọng, mọi hoạt động ngoại giao trực tiếp dường như bị đóng băng, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, ngài Robert Wallace và Bộ trưởng Ngoại giao, ngài Dominic Raab vẫn đến thăm Việt Nam. Điều đó nói lên tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách đối ngoại, an ninh, quốc phòng của Chính phủ Thủ tướng Boris Johnson.

Gần đây nhất (tháng 11/2021), Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP-26) tại Vương quốc Anh. Khi đó, cả Thủ hiến các vùng của Anh, Thủ tướng Boris Johnson và Thái tử Charles Philip Arthur George - người sẽ kế vị Nữ hoàng Elizabeth đều dành thời gian gặp gỡ, trao đổi song phương với Thủ tướng Phạm Minh Chính, cho thấy giới chức Anh đánh giá rất cao vai trò, vị thế của Việt Nam. Đây là tiền đề để 2 nước đi đến ký kết hiệp ước “Đối tác chiến lược toàn diện”.

Tại COP-26, Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết Việt Nam sẽ giảm dần phát thải carbon, metan và đưa về 0 (NetZero) vào năm 2050. Cam kết này tiếp thêm động lực để Vương quốc Anh tăng cường hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam chuyển đổi nền kinh tế sang xanh, sạch. Một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam mà mạnh dạn đi tiên phong và quyết tâm bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu thì Anh quốc luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ. Việt Nam thành công chính là tấm gương để các nước khác học tập. Tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới về giá trị vốn hóa thị trường của Vương quốc Anh - HSBC đã cam kết gói 12 tỷ USD hỗ trợ Việt Nam thực hiện giảm phát thải. Đây là động thái thiết thực trong quá trình hai nước nâng tầm quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện”.

Mạnh Bôn (thực hiện)
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục