Rót vốn xây dựng hạ tầng thể thao
Thông tin T&T Group bắt tay với Tập đoàn Bouygues (Pháp) đầu tư 250 triệu euro (khoảng 307 triệu USD) xây dựng lại Sân vận động Hàng Đẫy (Trịnh Hoài Đức, Hà Nội) khiến hoạt động đầu tư cho hạ tầng thể thao trước Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) diễn ra tại Việt Nam vào năm 2021 trở nên gay cấn.
Với sức chứa 20.000 người, Dự án Sân vận động Hàng Đẫy dự kiến được khởi công trong quý IV năm nay. Công trình được kỳ vọng trở thành một quần thể văn hóa, thể thao và dịch vụ ấn tượng của Thủ đô.
Trong khi đó, Tập đoàn Bouygues cũng không bỏ qua cơ hội đầu tư vào TP.HCM, khi thành phố này tái khởi động Khu liên hợp Thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc tại phường An Phú, quận 2 - từng được lên kế hoạch từ 10 năm trước.
Tập đoàn Bouygues tham gia đấu thầu xây dựng sân vận động quy mô 50.000 chỗ ngồi này, với tổng vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng (khoảng 151,8 triệu USD).
Được biết, tổng vốn đầu tư của khu liên hiệp này khoảng 34.000 tỷ đồng (khoảng 1,5 tỷ USD), chủ yếu huy động từ khu vực tư nhân.
Theo kế hoạch, khu phức hợp bao gồm 180 ha, giảm so với 466 ha đã được phê duyệt vào năm 1994. Thành phố sẽ dành 7.000 tỷ đồng (308 triệu USD) để giải phóng mặt bằng cho các hộ gia đình trong giai đoạn 2017 - 2020.
Đại diện Bouygues cho biết, với kinh nghiệm xây dựng một khu liên hợp thể thao ở Singapore, ngoài sân vận động, Tập đoàn sẽ cân nhắc các hạng mục khác trong khu phức hợp.
Ngoài Bouygues, có 4 công ty trong và ngoài nước cũng muốn bỏ vốn vào Rạch Chiếc, như Công ty Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood; Công ty Thái Sơn Nam, J-Code (Nhật Bản), Công ty Vietnam Sport Platform (VSP) có vốn của Hàn Quốc.
Trong đó, VSP đã đầu tư 195 triệu USD vào Dự án Sân đua xe đạp lòng chảo và sân vận động tiêu chuẩn quốc tế, tích hợp đường đua mô tô tại đây, với diện tích 15 ha. Đổi lại, nhà đầu tư này muốn nhận được giấy phép được hoạt động kinh doanh cá cược.
Cùng với Tổ hợp Rạch Chiếc, TP.HCM còn phải chạy đua hoàn thành các công trình lớn.
Trong đó, phải gấp rút triển khai thực hiện Dự án Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng, với tổng vốn đầu tư 1.954 tỷ đồng, theo cơ chế đối tác công - tư (PPP), hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).
Công trình này dự kiến được khởi công trong năm nay và hoàn thành vào cuối năm 2020.
Dự án trên đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư tiềm lực như Phát Đạt, Thuận Việt… Theo đó, có 3 khu đất được xác định để đổi lấy công trình này tại 257 - Trần Hưng Đạo, số 3 - Phan Văn Đạt và số 3bis - Phan Văn Đạt (quận 1).
Ngoài ra, Thành phố còn yêu cầu các sở, ngành tham mưu thêm quỹ đất khác, như khu đất 3 ha tại Trường đua Phú Thọ ở quận 11.
“Phần thắng” nghiêng về TP.HCM?
Theo ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao Việt Nam, dự kiến trong vài tháng tới, Chính phủ sẽ quyết định việc có đăng cai SEA Games 31 hay không, cũng như việc chọn Hà Nội hay TP.HCM làm địa điểm.
Ông Thắng cho biết, dự kiến trong tháng này, Thủ tướng sẽ họp với các bộ liên quan, như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch… để có ý kiến quyết định.
Tuy nhiên, hiện mới có TP.HCM trình Đề án đăng cai lên Thủ tướng. Trong khi đó, Hà Nội tỏ rõ lợi thế hơn vì có hạ tầng đồng bộ, như Khu liên hợp Thể thao Mỹ Đình và Cung Thể thao dưới nước.
Đặc biệt, Hà Nội đã có nhiều kinh nghiệm như từng tổ chức SEA Games 22 năm 2003, Đại hội Thể thao trong nhà châu Á năm 2009.
Tuy nhiên, theo ông Thắng, đến thời điểm này, phương án đăng cai có vẻ nghiêng về TP.HCM, vì hiếm khi SEA Games được tổ chức lặp lại ở một thành phố.
Trong khi đó, TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn của cả nước. “Việc tổ chức ở đó sẽ tốt vì sẽ phát triển được hạ tầng thể dục thể thao sao cho xứng tầm với đô thị hiện đại, để thu hút các sự kiện thể thao quốc tế. Điều đó cũng có nghĩa là các khu hạ tầng ăn theo sẽ phát triển mạnh”, ông Thắng nói.
Ông Thắng kỳ vọng, hạ tầng trong lĩnh vực thể thao khi có sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước sẽ hiệu quả hơn. Lý do là, họ có cách thức đầu tư, quản lý nhanh nhạy, huy động vốn tốt.
Không chỉ vậy, việc các nhà đầu tư tư nhân hăm hở rót vốn có thể là khởi đầu tốt để các nhà đầu tư khác đầu tư vào hạ tầng thể thao. Bởi hiện ở Việt Nam duy nhất Khu liên hợp Thể thao Mỹ Đình (Hà Nội) đủ tiêu chuẩn quốc tế.