Cũng theo ông Thành, SCIC sẽ chính thức công bố mức giá cũng như cách thức chào bán trong khoảng thời gian từ ngày 23/11 đến 2/12. Thời gian thanh toán sẽ bắt đầu từ sau buổi chào bán đến ngày 8/12.
Theo ông Thành, trước khi tổ chức giới thiệu tại Việt Nam, SCIC đã tổ chức các buổi giới thiệu cơ hội đầu tư vào VNM tại nhiều thị trường như Singapore, Hồng Kông, Luân Đôn (Anh) và nhận được nhiều sự quan tâm, cũng như phản hồi từ các nhà đầu tư quốc tế.
Theo thông tin trước đó, để triển khai bán vốn này, SCIC lựa chọn liên danh tư vấn gồm Morgan Stanley, SSI và Vinacapital, trong đó Morgan Stanley đứng đầu liên danh tư vấn.
"Đây được xem là đợt chào bán thứ cấp lớn nhất Đông Nam Á trong năm 2016, với giá trị tương đương khoảng 900 triệu USD", ông Thành cho hay.
Về mức giá, theo SCIC, giá đặt mua sẽ không thấp hơn giá khởi điểm và giá sàn cổ phiếu VNM tại ngày chào bán (ngày T).
Trường hợp có từ 2 nhà đầu tư đăng ký chào mua, SCIC sẽ tổ chức chào bán cạnh tranh để xác định nhà đầu tư và giá bán, trong trường hợp có 1 nhà đầu tư đăng ký thì SCIC sẽ thỏa thuận trực tiếp để xác định giá bán.
Ngoài ra, để tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đơt chào bán một cách công bằng, sau khi tham mưu với lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước, SCIC cũng cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể chọn hình thức ký quỹ bằng đồng USD. Tuy nhiên, các giao dịch này buộc phải thực hiện qua ngân hàng Vietcombank. Điều này được hiện thực hóa bằng việc Ký kết hợp đồng 3 bên giữa SCIC, nhà đầu tư và Vietcombank.
Theo đó, sau khi ký quỹ hợp đồng tài khoản của nhà đầu tư sẽ được Vietcombank khóa tạm thời, nếu trúng giá, nhà đầu tư sẽ chuyển nốt số tiền thanh toán mua cổ phần, ngược lại, Vietcombank sẽ chấm dứt việc tạm khóa tài khoản của nhà đầu tư.
Tại buổi giới thiệu, có nhà đầu tư nước ngoài đề nghị SCIC bán cổ phần với giá thấp hơn để thu hút nhà đầu tư, tuy nhiên theo ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC, việc bán vốn lần này theo phương thức chào bán cạnh tranh theo nguyên tắc giá từ cao xuống thấp. SCIC cũng như VNM không có kế hoạch tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, việc chào bán chia đều cơ hội cho các nhà đầu tư, ai yêu mến cổ phiếu VNM và muốn tìm cơ hội tại cổ phiếu VNM thì có thể gắn kết với công ty.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng thắc mắc trước thông tin cổ đông lớn thứ 2 tại VNM hiện nay là F&N Dairy Investments, công ty con của Tập đoàn F&N Singapore, thuộc sở hữu của tỷ phú người Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi có ý muốn tăng sở hữu tại VNM, liệu tổ chức này có tham gia trong đợt chào bán này để tăng tỷ lệ năm giữa tại VNM hay không?
Về thắc mắc này, ông Chi cho biết, đến thời điểm hiện tại, SCIC hay VNM chưa hề tiếp nhận được đề nghị chính thức nào từ cổ đông này.
Về kế hoạch bán phần vốn còn lại tại VNM, ông Chi cho biết, năm nay, SCIC đang thực hiện bán 9%, sau đó, căn cứ kết quả và đánh giá tình hình hoạt động của thị trường trong tương quan với hoạt động của VNM.
"SCIC sẽ báo cáo Chính phủ và Chính phủ sẽ có chỉ đạo cụ thể các tiếp theo, khi có thông tin chính thức, SCIC sẽ công khai thông tin đến nhà đầu tư", ông Chi nói.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh của VNM, nhà đầu tư thắc mắc, liệu với diễn biến giá nguyên vật liệu sữa tăng như hiện nay có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của VNM hay không?
Bà Mai Kiều Liên, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc VNM chia sẻ, giá nguyên liệu sữa đạt đỉnh điểm vào năm 2014 do ảnh hưởng từ chính sách của Trung Quốc, tuy nhiên trong thời gian tới, khả năng giá nguyên liệu tăng đột biến trở lại là rất khó. Hơn nữa, để chủ động lường trước biến động giá, VNM cũng đã chủ động ký các hợp đồng nguyên liệu đến tháng 4-5/2017.
Nhà đầu tư cũng bày tỏ lo ngại với mức tăng trưởng hiện tại, VNM có kế hoạch như thế nào tiếp tục giữ được đà tăng trưởng?
Trả lời cho vấn đề này, bà Liên nhấn mạnh, bản thân bà rất tự tin với tương lai của VNM cũng như thị trường sữa Việt Nam ít nhất là trong vòng 10 năm tới. Bởi hiện nay tiêu thụ sữa của Việt Nam còn rất thấp so với nhu cầu cũng như so với các nước trong khu vực.
Mặt khác, dân số Việt Nam mỗi năm tăng thêm 1,2 triệu trẻ em, tác động rất lớn đến tăng trưởng ngành sữa Việt Nam trong thời gian tới. Hơn nữa, đối với xuất khẩu hiện chiếm khoảng 18-20% doanh thu của VNM, để mở rộng thị trường sắp tới, Công ty sẽ có kế hoạch mở rộng thị trường trước mắt là Myanmar.
"Muốn tăng thị phần trong 5 năm tới, VNM phải đạt tốc độ tăng trưởng bình quân tối thiếu 7%/năm", bà Liên cho hay.
Theo dự báo, tốc độ tăng trường bình quân ngành sữa giai đoạn 2015-2020 ở mức khoảng 8%/năm.