Từ “mua bán nợ” đến lời giải cho bài toán nợ khó đòi

(ĐTCK) Việc sử dụng một DN mới toanh để giải quyết một vấn đề tầm quốc gia phức tạp, liệu có đặt giới điều hành vào thế lưỡng nan?
Huy Nam, Chuyên gia tư vấn độc lập - Trọng tài viên TT Trọng tài Quốc tế VN - Cố vấn kinh tế cao cấp Tập đoàn Nam Long - Giảng viên CFO-PFA, PACE... Huy Nam, Chuyên gia tư vấn độc lập - Trọng tài viên TT Trọng tài Quốc tế VN - Cố vấn kinh tế cao cấp Tập đoàn Nam Long - Giảng viên CFO-PFA, PACE...

Từ một hoạt động kinh doanh đơn thuần…

Nhiều người đã không hiểu được tại sao lại có chuyện “mua bán nợ”. Bởi nợ là thứ gắn liền với con nợ thì làm sao bán được và đã là của nợ thì làm gì có mua? Đúng là khó hiểu. Dân tài chính đôi khi cũng mơ hồ. Do nợ đâu phải tài sản, đâu có cho ‘quyền’ để mà sở hữu. Điều tưởng không thể có như vậy lâu nay ở ta lại chính danh ngôn thuận, gây ngộ nhận trong cách nghĩ và làm.

Thay vì chuẩn hóa để có thuật ngữ chuyên ngành, ta đã bê nguyên cách nói thuận tai ngoài dân gian vào lĩnh vực tài chính để khái quát một mảng giao dịch tài sản chuyên biệt. Cho dù thiếu chuẩn xác nhưng do quen dùng nên đã thành nếp và ít ai để ý, hoặc biết nhưng chẳng quan tâm. Gọi “mua bán nợ” thì cũng giống như ta nói ngược, cũng ngộ nghĩnh như khi ta nghe ai đó nói ‘học lái phi công’ hay ‘đi khám bác sĩ’. Hai cách nói sau dù sai, nhưng do ngữ cảnh không có gì phức tạp nên ai cũng tự hiểu đó là học lái phi cơ và đi khám bệnh. Còn với “mua bán nợ” thì không như vậy, không thể là cách ‘nói vậy mà không phải vậy’ phi học thuật được.

Nếu ta hiểu (và đây là cách hiểu đúng) nợ là khoản phải trả (accounts payable hay liabilities) thì khoản phải trả đó là nghĩa vụ pháp lý (liability). Đã là nghĩa vụ pháp lý thì đâu thể nào đem bán được và làm gì có ai dám mua? Thật ra, ý mua bán nợ được sử dụng lâu nay chính là việc mua bán các khoản sẽ thu nói chung (receivables), và nói riêng là các khoản cho vay (loan) của ngân hàng. Đối với doanh nghiệp, các khoản sẽ thu (hay phải thu) là các khoản tiền phát sinh từ hoạt động bán hàng hay cung cấp dịch vụ cho khách hàng trả chậm. Các khoản tiền này là tài sản nên đều có thể mua bán được. Người mua các khoản cho vay hay khoản sẽ thu sẽ có quyền thu nợ, họ hưởng một khoản phí hay chênh lệch giữa số tiền bỏ ra hôm nay và khoản sẽ thu về sau này.

Việc mua bán như vậy dựa trên cái quyền thu nợ của chủ nợ, chứ không phải nghĩa vụ trả nợ của con nợ. Bên bán trong giao dịch này được cái lợi là hóa giải được bài toán tài chính doanh nghiệp dù phải chịu một khoản “lỗ” nào đó (có khi chỉ là kỹ thuật). Thuật ngữ tiếng Anh gọi hoạt động này là “factoring”. Factoring (tạm hiểu là giao dịch ủy quyền) tuy có vẻ không liên quan đến tài chính, nhưng từ lâu, đây là thuật ngữ được đặc cách dùng trong lĩnh vực giao dịch các khoản sẽ thu và cho vay tại thị trường Âu - Mỹ. Hoạt động này đôi khi có các biến thể và nghiệp vụ trung gian phức tạp, tuy nhiên, dù là thế nào ta cũng nên hiểu đúng đó là mua bán khoản sẽ thu hay giao dịch quyền thu nợ. Đồng thời, cũng là để xóa đi cách hiểu sai, nghĩ lệch gần đây ở ta rằng “việc mua bán nợ sẽ giúp giải quyết gánh nặng nợ nần cho doanh nghiệp”.

Trên thế giới, việc mua bán các khoản sẽ thu (khoản cho vay, tức tài sản tài chính) là hoạt động kinh doanh sinh lợi. Nhiều công ty tập hợp (mua lại) các tài sản tài chính dài hạn, ví dụ các khoản cho vay mua nhà, rồi chia ra thành các khoản sẽ thu nhỏ hay rất nhỏ (giống như trái phiếu) để bán cho công chúng. Đó là các sản phẩm mà ta thường nghe là ‘chứng khoán hóa’ như MBS/ABS, CDO... rất hữu ích trong lĩnh vực tài trợ địa ốc. Hoạt động này còn là để làm đẹp sổ sách, hoặc có mục đích phòng ngừa rủi ro, đặc biệt là tại các ngân hàng, thông qua một thực thể công cụ gọi là SPV. Các ngân hàng tại Việt Nam chắc cũng đã quen với các hoạt động này.

 

… đến việc vận dụng trong hoàn cảnh đặc biệt

Tại Việt Nam , hoạt động “mua bán nợ” diễn ra rõ nét từ sau những năm 2000 với Công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC), là doanh nghiệp do nhà nước lập ra. Tuy mục đích của DATC có ghi là “để mua bán tài sản”, nhiệm vụ số một của tổ chức này là giải quyết các tồn đọng của quá trình cổ phần hóa, mà chủ yếu là vấn đề nợ của các doanh nghiệp nhà nước. Có lẽ do vậy mà cách gọi “mua bán nợ” thêm phổ biến.

Gần đây, vấn đề lại nóng lên trước đống nợ xấu khổng lồ của hệ thống ngân hàng. Để giải quyết đống nợ ấy, một công ty mua bán nợ quy mô “trăm ngàn tỷ” đã được nghị tới bàn lui suốt hai năm qua (2011 - 2012) nhưng vẫn khó quyết. Tại sao? Ngoài cái khó “tiền đâu”, để cứu ai và tại sao phải cứu, các ẩn khuất kỹ thuật cũng gai góc không kém. Việc sử dụng một doanh nghiệp mới toanh để giải quyết một vấn đề tầm quốc gia vừa lớn vừa phức tạp, với yêu cầu “2 trong 1” về chức năng nhiệm vụ (nhiệm vụ chính trị và hiệu quả kinh tế) sẽ như bài toán cần hai đáp số, liệu có đặt giới điều hành vào thế lưỡng nan? Đó cũng còn là câu hỏi về hoạt động mua bán sẽ thế nào, đã là nợ xấu, đặc biệt nợ nhóm 4, nhóm 5 (có khả năng mất trắng) thì mua bán ra sao? Vấn đề lại không chỉ dừng lại ở cái ngọn nợ xấu, mà cộm lên trong đó các rối rắm về bảo lãnh, nợ lòng vòng, đầu tư chéo, vốn ảo, tài sản đảm bảo xấu, rút ruột sân sau... Tất cả đã phủ lên nền kinh tế một màu xám ách tắc. Do vậy, việc xử lý không thể chỉ đơn thuần trông cậy vào một doanh nghiệp, mà theo kinh nghiệm thế giới sẽ cần đến cả hệ thống quyền và lực của nhà nước, cần có điều tra, nghiên cứu xác thực với sự góp sức của giới kinh tế độc lập.

Chỉ khi nào ta có kết quả điều tra nghiêm túc, thống kê tách bạch cái gì nằm sau đống nợ và nhận diện rõ chỗ cần tập trung, thì việc chọn lựa phương sách xử lý mới căn cơ. Phương sách đó có thể là giải pháp hay biện pháp, là trực tiếp giải cứu (bailout) hay gián tiếp kích thích (stimulus) để ‘nuôi’ con nợ và “dưỡng” tài sản đảm bảo. Với nợ lòng vòng, đầu tư chéo, vốn ảo, rút ruột sân sau, sẽ cần biện pháp thích hợp, kể cả biện pháp hành chính. Không loại trừ khả năng các ngân hàng nói chung, các ‘chủ chéo’ nói riêng, phải cân đối bù trừ để giảm vốn hoặc chịu lỗ. Mặt khác, Nhà nước cũng cần chịu phần thiệt trên phần nợ xấu do khu vực doanh nghiệp nhà nước gây ra, bất kể là mình có bảo lãnh hay không. Đây là yêu cầu thiết yếu để củng cố niềm tin, như ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, đã góp ý “nhà nước cần có hy sinh” tại Diễn dàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức tại Hà Nội ngày 3/12/2012.

Về phương diện nhìn nhận, nếu nợ xấu (bad debts) được liên hệ với và được hiểu là tài sản vẩn đục (troubled assets) thì việc đề ra các giải pháp cứu chữa sẽ thiết thực hơn. Việc giải quyết theo đó cần dựa trên bốn cơ sở phân lập: tự cứu, lắng lọc, giảm nhẹ và chấp nhận thiệt hại. Tự cứu là việc tự xử lý của các ngân hàng, lắng lọc nhờ nghiệp vụ factoring với các tài sản còn giá trị, giảm nhẹ sẽ cần sự ra tay của Chính phủ, và trường hợp các troubled assets đã quá đục thì phải chấp nhận thiệt hại. Mặt khác, do yêu cầu cứu chữa cần cắt cơn và hồi sức, các bài thuốc luôn cần sự phối kết đồng thời, có sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, cơ chế công -tư và nguồn lực khác. Chương trình TARP (Troubled Assets Relief Program) hay PPP (Public-Private Partnership Investment Program) của Bộ Tài chính Mỹ có thể là ví dụ tham khảo.

Việc đặt lại vấn đề ở đây hy vọng sẽ cho ta cái nhìn mạch lạc hơn, hướng giải quyết từ đó sẽ linh hoạt và khả thi hơn. Nợ xấu là vấn đề của cả nền kinh tế nên việc giải quyết hậu quả không thể chỉ trong phạm vi nội bộ của riêng lĩnh vực ngân hàng.

Huy Nam
Huy Nam

Tin cùng chuyên mục