Tù mù kế hoạch lợi nhuận của QNS

(ĐTCK) Việc CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS) luôn đặt kế hoạch kinh doanh thấp, xa rời thực tế khiến nhà đầu tư thiếu thông tin, thiếu căn cứ để định giá cổ phiếu QNS. Đối với nhiều cổ đông của QNS, việc này được đánh giá là “vô trách nhiệm” khi cổ phiếu QNS không thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư đại chúng, khiến cổ phiếu luôn bị định giá thấp hơn giá trị thực.
Tù mù kế hoạch lợi nhuận của QNS

Trong 6 tháng đầu năm, QNS đạt doanh thu 3.974 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ 2017; lợi nhuận sau thuế đạt 557 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ. Như vậy, QNS hoàn thành 52% kế hoạch doanh thu và vượt 187% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Kết quả này cộng với việc Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty đăng ký mua vào khiến giá cổ phiếu QNS tăng từ 35.000 đồng/cổ phiếu lên 38.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, nhà đầu tư thiếu thông tin để định giá cổ phiếu QNS cho cả năm, nên dù Chủ tịch Công ty liên tục mua vào, phát tín hiệu giá cổ phiếu đang thấp hơn giá trị thực, rất có thể thị giá cổ phiếu này khó duy trì được đà tăng mạnh.

Đặt kế hoạch kinh doanh xa rời với khả năng thực hiện là thông lệ tại QNS nhiều năm nay, mang lại những đánh giá đa chiều từ thị trường.

Từ khi đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM vào cuối năm 2016, Công ty đều báo cáo doanh thu thực hiện khá sát với mục tiêu đề ra, nhưng lợi nhuận luôn vượt kế hoạch tính bằng lần.

Thông tin được Công ty Chứng khoán Bản Việt cung cấp, Ban lãnh đạo QNS cho biết, kế hoạch lợi nhuận thấp có  liên quan đến hệ thống lương thưởng nội bộ được thiết lập từ lâu, tức chính sách thưởng phụ thuộc vào mức vượt kế hoạch lợi nhuận được giao của các nhà máy và cán bộ công nhân viên.

Chuyên gia của Bản Việt cho rằng, QNS nên cung cấp thêm một kế hoạch lợi nhuận khác cho nhà đầu tư, nhằm tránh sự hiểu nhầm.

Như vậy, rõ ràng, QNS đặt kế hoạch thấp để cán bộ nhân viên được hưởng mức thưởng cao. Kế hoạch lợi nhuận đặt ra chỉ phục vụ lợi ích của người lao động, mà không đoái hoài gì đến lợi ích của cổ đông, nhà đầu tư đại chúng.

Từ khi đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM vào cuối năm 2016, QNS đều báo cáo doanh thu thực hiện khá sát với mục tiêu đề ra, nhưng lợi nhuận luôn vượt kế hoạch tính bằng lần    

Theo nhiều nhà đầu tư, việc Ban lãnh đạo đặt kế hoạch kinh doanh thấp quá xa khả năng thực hiện là một thiệt hại cho cổ đông, bởi thông thường, khi doanh nghiệp công bố kết quả lợi nhuận cả năm cao, giá cổ phiếu sẽ tăng.

Bản thân lãnh đạo QNS từng thừa nhận với báo chí hồi cuối năm 2017: “Cổ phiếu QNS giảm (lúc đó khoảng 60.000 đồng/cổ phiếu) ngoài yếu tố thị trường còn bởi QNS trước nay như “người mặc áo gấm đi đêm”. 

Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu QNS (sau điều chỉnh, chia tách) đã giảm hơn 34% thị giá, có thời điểm giảm sâu hơn 50%. Kết phiên 14/9/2018, QNS đang giao dịch ở mức P/E dự phóng theo kế hoạch lợi nhuận hơn 50 lần.

Nhưng nếu so với lợi nhuận thực tế năm 2017 có được ở mức trên 1.000 tỷ đồng/năm thì P/E của QNS đâu đó khoảng hơn 10 lần, một mức thấp so với doanh nghiệp đầu ngành.

Trong nửa cuối năm, nếu đạt lợi nhuận tương đương nửa đầu năm 2018, QNS có khả năng đạt bằng hoặc vượt mức lợi nhuận thực hiện của năm ngoái.

QNS hiện đang sở hữu khá nhiều lợi thế, trong đó sở hữu Nhà máy đường An Khê có công suất chế biến lớn nhất cả nước, 18.000 tấn mía/ngày.

Hội đồng quản trị QNS cũng đã thông qua phương án đầu tư dây chuyền sản xuất đường tinh luyện RE với số vốn đầu tư lên đến 1.400 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 5/2019.

Trong mảng sữa đậu nành, dây chuyền sản xuất sữa đi vào hoạt động ổn định giúp QNS tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm và tăng hiệu quả hoạt động, Công ty tiếp tục nghiên cứu cho ra đời các sản phẩm mới cạnh tranh trên thị trường sữa đậu nành trong nước.

Một yếu tố khác đóng góp vào lợi nhuận của QNS là hoạt động của nhà máy điện sinh khối vận hành vào hồi cuối năm 2017. Theo QNS, hoạt động của mảng điện sinh khối dự kiến đóng góp nguồn thu bình quân 300 tỷ đồng/năm cho Công ty. 6 tháng đầu năm 2018, QNS cho biết lãi ròng từ mảng này đạt khoảng 30 tỷ đồng.

Những yếu tố trên hoàn toàn có thể được định lượng để đưa vào chỉ tiêu lợi nhuận để nhà đầu tư có thể định giá được cổ phiếu QNS một cách sát thực hơn.

Là một công ty đại chúng, định hướng minh bạch thông tin, QNS cần xây dựng kế hoạch kinh doanh chuyên nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, cổ đông ngoài QNS.

Còn với cách công bố kế hoạch hiện nay, chỉ có cổ đông nội bộ mới biết rõ khả năng QNS đạt được lợi nhuận bao nhiêu để có thể hưởng lợi từ những thông tin đó.

Phạm Nhi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục