“Tử huyệt” của báo cáo tài chính quý II

Yếu tố dòng tiền thu về trong quý, hàng tồn kho, các khoản phải thu và nợ là các "tử huyệt" của báo cáo tài chính quý II.
“Tử huyệt” của báo cáo tài chính quý II

Mùa báo cáo tài chính lại đến và đã lác đác DN công bố sớm con số lợi nhuận. Thông thường NĐT chỉ quan tâm đến con số lãi trong quý hay lũy kế là bao nhiêu mà bỏ qua những yếu tố quan trọng khác, thậm chí có thể là “tử huyệt” của DN trong giai đoạn khó khăn hiện tại.

Ngoại trừ một vài DN niêm yết hoạt động đặc thù như NH, CK, đa số DN sản xuất kinh doanh thông thường sẽ báo cáo con số lợi nhuận, doanh thu liên quan đến hoạt động sản suất cụ thể. Một DN vẫn báo cáo doanh thu tăng trưởng, lợi nhuận dương trong bối cảnh khó khăn chung chắc chắn là tốt. Tuy nhiên ngay cả khi DN báo lỗ hay lợi nhuận sụt giảm thì cũng chưa hẳn là bi đát.

Thông thường khi sản xuất kinh doanh khó khăn, DN sẽ phải thu hẹp hoạt động, do đó lợi nhuận giảm là bình thường, thậm chí DN có thể tạm dừng hoạt động. Khi đó những nỗ lực tái cấu trúc DN lại được đánh giá cao hơn con số về doanh thu, lợi nhuận. Cắt giảm chi phí có thể xem là chỉ báo hàng đầu thể hiện sự thích nghi trong khó khăn của DN. Giảm giá thành sản phẩm, giảm chi phí cố định, cắt giảm các khoản đầu tư mở rộng không cần thiết sẽ giúp DN cân đối được thanh khoản.

Sức đề kháng của DN trong thời kỳ khó khăn không chỉ thể hiện ở doanh thu, lợi nhuận cuối kỳ, mà còn nhiều yếu tố khác, trong đó có những yếu tố đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện tại.

Đầu tiên là yếu tố dòng tiền thu về trong quý. Thông tin này có thể tìm thấy ở báo cáo lưu chuyển tiền tệ, phần “lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh”. Thông tin này đặc biệt quan trọng với các DN sản xuất thực sự vì hàng hóa sản xuất ra, tiêu thụ được thì mới có được dòng tiền về một cách vững chắc. Đây là dòng tiền cơ bản dùng để trang trải các chi phí khác. Rất nhiều trường hợp DN vẫn báo lãi trên báo cáo kết quả kinh doanh, nhưng dòng tiền thực sự về lại thấp.

Nền kinh tế nói chung đang trong giai đoạn khó khăn nên khả năng kinh doanh và thu tiền về của DN có thể sụt giảm. Việc so sánh với quý trước hoặc cùng kỳ có thể cho thấy bức tranh tốt hơn về thực trạng sản xuất của DN tăng trưởng hay suy giảm. Đây cũng là thông tin có thể giúp xác định DN đang phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh nào nhất.

Chẳng hạn một DN sản xuất hàng hóa cơ bản nhưng lợi nhuận và dòng tiền về trong kỳ lại toàn là từ hoạt động đầu tư hay hoạt động tài chính thì rõ ràng hoạt động chính đang gặp khó khăn, dù lợi nhuận vẫn được ghi nhận và có dòng tiền, nhưng có thể chỉ là đột biến.

Yếu tố thứ hai là hàng tồn kho. Gần đây thuật ngữ “hàng tồn kho” trở nên quá quen thuộc và được nhắc đến nhiều vì nó là một trong những chỉ báo của nền kinh tế trì trệ. Đối với DN cũng vậy, vốn đầu tư đổ vào sản xuất nhưng nằm “chết” trong hàng hóa trong kho vì không tiêu thụ được đúng là viễn cảnh u ám. Phân tích kỹ cấu thành của mục “hàng tồn kho” trong bảng cân đối kế toán và thuyết minh báo cáo tài chính sẽ biết được liệu doanh nghiệp có đang “khóc” trên đống hàng hóa mà cạn tiền hay không.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, rất nhiều DN thời gian qua đã tạm dừng hoặc thu hẹp sản xuất. Nếu mức hàng tồn kho tiếp tục tăng lên qua các quý thì doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với sự mất cân đối giữa sản xuất và bán hàng. Kiểm tra năng lực giải phóng hàng tồn kho cũng là một chỉ báo tốt đối với DN. Giải phóng được hàng tồn kho càng tốt thì dòng tiền thu về càng nhanh và DN lại được “bơm máu” để hoạt động.

Yếu tố thứ ba là các khoản phải thu và nợ. Giải phóng hàng tồn kho có nghĩa là DN tìm mọi cách để bán đi thành phẩm đã sản xuất. Vấn đề là tổng cầu tiêu dùng của nền kinh tế đang suy giảm, nên hàng bán đi không có nghĩa là thu được tiền mặt về ngay. Trong bối cảnh khát vốn chung hiện tại, DN nào cũng thi nhau chiếm dụng vốn của người khác, mua chịu, trả chậm. Chính DN bán hàng cũng phải chấp nhận chuyện này nếu muốn “xả” hàng tồn kho nhanh. Dù sao có “cục” phải thu lớn cũng còn khá hơn cảnh “ngồi” trên đống thành phẩm ế.

Ở phía ngược lại, gánh nặng nợ nần, phải trả cao trong bối cảnh dòng tiền thiếu hụt hoặc âm thì đúng là bi kịch. Khả năng tài trợ của dòng tiền đối với nợ nần là yếu tố quyết định DN có khả năng trụ vững và phục hồi trong tương lai hay không.

Việc giảm lãi suất các khoản vay về 15% mới đây có thể giảm bớt gánh nặng trước mắt, nhưng không phải là cứu tinh. Bán tài sản, vay nợ mới trả nợ cũ là giải pháp phổ biến gần đây của DN. Tuy nhiên nếu gánh nợ quá lớn, điều dễ nhận nhất sẽ là lưu ý của kiểm toán về khả năng duy trì hoạt động liên tục, nôm na là đứng trước nguy cơ vỡ nợ, phá sản.

Báo Lao Động
Báo Lao Động

Tin cùng chuyên mục