Tử hình với tội phạm kinh tế, khi nào?

(ĐTCK) Cuối tuần qua, TAND TP. HCM đã tuyên hai án tử hình trong vụ án xảy ra tại Công ty Cho thuê tài chính II, thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Xung quanh vấn đề án tử hình đối với tội phạm kinh tế, ĐTCK có cuộc trao đổi với luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico.
Phiên tòa xét xử 11 bị cáo phạm tội tham nhũng  tại Công ty Cho thuê tài chính II, Agribank
Phiên tòa xét xử 11 bị cáo phạm tội tham nhũng tại Công ty Cho thuê tài chính II, Agribank

Tử hình với tội phạm kinh tế, khi  nào? ảnh 1

Phiên tòa xét xử 11 bị cáo phạm tội tham nhũng  tại Công ty Cho thuê tài chính II, Agribank

Thưa ông, hình phạt tử hình có ý nghĩa như thế nào trong hệ thống pháp luật hình sự?

Tử hình là biện pháp trừng phạt dành cho một người đã bị kết tội khi mà tòa án cũng như cơ quan tư pháp thấy cần phải loại bỏ vĩnh viễn người đó ra khỏi đời sống xã hội. Trên thực tế, không ai thích thú với hình phạt này.

Cần phải nhìn nhận án tử hình là thất bại của nền tư pháp, của chế độ xã hội, khi mức độ quản lý con người chưa đạt đến độ phòng hơn là chống. Đây là điều mà chúng ta đã nói mãi, trừng phạt không phải là biện pháp hữu hiệu nhất để hạn chế tội phạm, mà cần có cơ chế để ngăn ngừa tội phạm.

Việc áp dụng án tử hình còn phản ánh trình độ của xã hội, trình độ của quản lý nhà nước. Rõ ràng, người xấu, người tốt luôn tồn tại song song ở mọi chế độ xã hội, mọi thời đại, điều quan trọng là nhà nước phải quản lý xã hội hài hòa hơn, tốt đẹp hơn, có sự ngăn chặn hiệu quả.

Công lý, chứ không phải trả thù, phải là nguyên tắc cơ bản của hệ thống luật hình sự.

 

Hiện nay, pháp luật hình sự Việt Nam vẫn còn áp dụng khung tử hình với những tội danh nào, thưa ông?

Trong Bộ luật Hình sự ban hành năm 1999, có hiệu lực từ năm 2000, nhiều tội danh có khung tử hình, từ tội cướp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội giết người, tội buôn lậu, tội hiếp dâm...

Khi sửa đổi Bộ luật Hình sự vào năm 2009, nhiều tội danh đã bỏ khung hình phạt tử hình, hiện còn 22 tội danh có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Như vậy, chúng ta đã hai lần hạn chế hình phạt tử hình, trước đó là từ 44 tội (Bộ luật Hình sự 1985) xuống còn 29 tội (Bộ luật Hình sự 1999). Nhưng thực tế, có một số tội rất ít khi tòa xử phạt đến tử hình, thậm chí có tội chưa bao giờ tòa áp dụng mức hình phạt cao nhất này.

Đến nay, sau 4 năm áp dụng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, với tình hình thực tế, tôi cho là với một số tội danh, có thể bỏ hẳn khung tử hình. Ví dụ như các tội thông thường như cướp tài sản, buôn lậu…

Trước mắt, với tình hình xã hội Việt Nam hiện nay, việc bỏ hẳn hình phạt tử hình là chưa nên, nhưng phải giảm bớt, chỉ áp dụng trong phạm vi hẹp với một số loại tội danh nhất định. Một số tội chỉ cần áp dụng hình phạt cao nhất là tù chung thân vẫn có tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm.

Chẳng hạn như tội phá hủy các công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; tội làm hàng giả, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.

 

Tuần qua, tòa đã tuyên 2 án tử hình trong vụ án xảy ra ở Công ty Cho thuê tài chính II-Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vậy những tội danh liên quan đến kinh tế nào có khung tử hình? Định lượng để xác định khung hình phạt này là bao nhiêu?

Hiện nay, trong nhóm các tội xâm phạm sở hữu thì tội cướp tài sản vẫn còn khung tử hình, nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế còn tội buôn lậu, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. Nhóm tội phạm về chức vụ có tội tham ô, tội nhận hối lộ.

Với tội tham ô, người tham ô tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù chung thân hoặc tử hình. Hoặc nếu phạm tội có nhiều tình tiết ở khung trước đó như: phạm tội có tổ chức, có tài sản từ 300 đến dưới 500 triệu đồng, gây hậu quả rất nghiêm trọng... thì cũng thuộc khung hình phạt từ 20 năm đến chung thân, tử hình.

Về tội nhận hối lộ, người nhận của hối lội có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên, hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù 20 năm, chung thân, tử hình. 

Theo Nghị quyết số 01 của TAND Tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự 1999, thì với tội tham ô, nếu không có tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ sẽ áp dụng khung hình phạt tử hình với tài sản tham ô có giá trị từ 3 tỷ đồng trở lên. Trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, mà không hoặc có ít hơn tình tiết giảm nhẹ thì xử phạt tử hình nếu chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên.

Với tội hối lộ, trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì xử phạt tử hình nếu của hối lộ có giá trị từ 2 tỷ đồng trở lên. Trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, ít hoặc không có tình tiết giảm nhẹ thì xử phạt tử hình, nếu của hối lộ có giá trị từ 800 triệu đồng trở lên.

Tuy nhiên, với các tội danh này, việc khắc phục hậu quả là yếu tố quan trọng để xem xét hình phạt. Nếu như bản thân bị can hoặc gia đình đã khắc phục đáng kể giá trị của hối lộ (từ 50% trở lên) thì có thể không xử phạt tử hình.

 

Với các tội danh kinh tế, hình phạt tử hình đóng vai trò đến đâu đối với việc ngăn ngừa tội phạm? Theo ông, quan trọng nhất để phòng chống các tội phạm kinh tế là gì?

Án kinh tế rất phức tạp, bởi không ít vụ án ngày hôm nay chúng ta nhận định đó là hành vi gây tác hại to lớn cho xã hội, nhưng sau 5 - 10 năm thì cách nhìn nhận sự việc đã khác. Với việc phòng chống tội phạm kinh tế, thì khâu phòng ngừa quan trọng hơn là chống. 

Cần phải nhìn nhận điều gì, cái gì, cơ chế nào đã tạo ra cơ hội để những người đó có thể tận dụng thực hiện được hành vi phạm tội? Làm sao để không còn cơ hội cho người ta thực hiện hành vi tham ô, chứ không phải là phạt tử hình bởi người này chết, lại có kẻ khác mọc ra.

Lấy ví dụ, chúng ta đều biết đến cặp bài trùng đưa - nhận hối lộ, thực tiễn nhiều trường hợp người nhận hối lộ chưa xử xong thì người đưa hối lộ đã nhận án tù. Nhưng nếu có quy định miễn hoàn toàn trách nhiệm pháp lý cho người đưa hối lộ khi chủ động tố giác tội phạm, chắc chắn việc chống tham nhũng sẽ có kết quả khác hẳn.

Nhìn chung, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao thì việc thu hẹp dần phạm vi áp dụng, tiến tới loại bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình ra khỏi đời sống xã hội là xu hướng tất yếu.

 

Ngày 15/11/2013, TAND TP. HCM đã tuyên án đối với 11 bị cáo trong vụ tham nhũng xảy ra tại Công ty Cho thuê tài chính II (gọi tắt là ALC II) thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). Trong đó, 2 bị cáo Vũ Quốc Hảo (nguyên Tổng giám đốc ALC II) và Đặng Văn Hai (nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty Quang Vinh) bị tuyên với mức án cao nhất, tử hình.

Các bị cáo này bị kết tội vì hành vi làm trái luật tổ chức tín dụng và luật tổ chức hoạt động của công ty cho thuê tài chính của các bị cáo, đã gây thiệt hại với tổng giá trị trên trên 530 tỷ đồng cho Nhà nước. Cụ thể, trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến đầu năm 2009, vì mục đích giảm tỷ lệ nợ xấu, có tiền chuyển cho các doanh nghiệp có quan hệ làm ăn và sử dụng cho mục đích cá nhân, Võ Quốc Hảo đã cùng với Nguyễn Văn Tài (nguyên Phó tổng giám đốc ALC II) kí thực hiện 10 hợp đồng cho thuê tài chính và hợp đồng mua bán tài sản với nhóm công ty khác nhau. Thực chất các hợp đồng này là hợp đồng tín dụng trong khi ALC II không có chức năng này.

 


>>Cựu tổng giám đốc ALC II bị cáo buộc tư lợi 84 tỷ đồng

>>Truy tố các cựu lãnh đạo ALC II

>>Đại án ALC II: Nhiều ông lớn khó thoát

 

Bùi Trang
Bùi Trang

Tin cùng chuyên mục